Thi THPT quốc gia 2018: Bộ Giáo dục nói gì về đề Toán có câu không chính xác?

04/07/2018 13:36

Trong đề Toán thi THPT quốc gia câu 16 mã đề 109 có nội dung như sau:

Một người gửi tiết kiệm vào ngân hàng với lãi suất 7,5%/năm. Biết rằng nếu không rút tiền ra khỏi ngân hàng thì cứ sau mỗi năm số tiền lãi sẽ được nhập vào vốn để tính lãi cho năm tiếp theo. Hỏi sau ít nhất bao nhiêu năm người đó thu được (cả số tiền gửi ban đầu và lãi) gấp đôi số tiền gửi ban đầu, giả định trong khoảng thời gian này lãi suất không thay đổi và người đó không rút tiền ra?

Bốn phương án trả lời là: A. 12 năm; B. 10 năm; C. 9 năm; D. 11 năm.

Bạn Hồ Phi Khánh, thủ khoa 30 điểm năm 2017, giải bài này như sau:

Gọi A là số tiền gửi ban đầu, $n$ là số năm gửi. Theo bài ra: Sau 1 năm, số tiền cả vốn lẫn lãi là A + A. 7,5% =A. 1,075.

Sau 2 năm, số tiền cả vốn lẫn lãi là: A.1,075 + A. 1,075.7,5% = A. $1,{075^2}.$

Sau $n$ năm, số tiền cả vốn lẫn lãi là A. $1,075^n$.

Số tiền này bằng 2 lần ban đầu nên: A. $1,075^n$ = 2A $ \Rightarrow n = {\ln _{1,075}}2 = \frac{{\ln 2}}{{\ln 1,075}} \approx 9,584.$

Bạn Khánh cho hay, đề Toán không khó, theo cách hiểu thông thường của đề bài sẽ tìm ra đáp án là 10 năm. Tuy nhiên, nếu suy tới cùng chặt chẽ về mặt câu chữ thì đề bài không có đáp án đúng. Vì vậy, ý kiến nhận định đề chưa chuẩn là hợp lý.

Theo TS Trần Nam Dũng -  ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - "muốn ra đúng bằng gấp đôi thì đáp số phải là số lẻ. Nếu chẵn năm thì sẽ phải lớn hơn gấp đôi một chút. Tất nhiên có thể đặt câu hỏi chính xác hơn".

Thầy Trần Minh Thịnh, Tổ trưởng Tổ Toán trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), nêu quan điểm câu hỏi không hẳn đã sai nhưng từ ngữ không chuẩn. Nếu theo yêu cầu của bài toán, không có số nguyên nào đúng.

"Tuy nhiên, học sinh đã quen với dạng toán này, các em vẫn có thể chọn 10 năm - đáp án đúng theo Bộ GD&ĐT, nên sẽ không mất điểm, dù câu hỏi không thật chuẩn xác", thầy Thịnh nêu quan điểm.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Cao Trọng, giáo viên trung tâm luyện thi cao học, cho rằng cách ra đề ở câu trên chưa đúng. Câu hỏi chính xác phải là "ít nhất bao nhiêu năm thì có thể gấp đôi" mới đúng.

Thầy giáo Trọng cũng nhận định cách hỏi của đề sai nhưng không ảnh hưởng nhiều đến việc làm bài của thí sinh.

"Học sinh khá vẫn có thể hiểu ý đề mà chọn đáp án 10 năm, còn học sinh yếu thì không thể có công thức để làm bài này", thầy Trọng nói.

Bạn Đinh Quang Cường, CLB Thủ khoa Việt Nam, cho hay đây là dạng bài học sinh gặp nhiều. Có thể thí sinh vẫn hiểu đề nhưng Toán học phải chính xác về câu chữ. Nếu thí sinh phản đối câu hỏi này trên diện rộng, Bộ GD& ĐT nên xem xét lại.

Đại diện Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của nhiều giáo viên, học sinh cho rằng đề bài câu hỏi 16 mã đề 109 chưa chặt chẽ, không có đáp án chính xác, bộ đã yêu cầu Tổ ra đề thi Toán rà soát kỹ lưỡng, đồng thời tham khảo rộng rãi ý kiến chuyên gia về nội dung này.

Kết quả rà soát của Tổ ra đề thi và ý kiến của chuyên gia gửi đến đều thống nhất: Câu 16 mã đề 109 quen thuộc với học sinh, tương tự câu hỏi, bài tập ở sách giáo khoa Giải tích lớp 12, trang 78, có đáp án hoàn toàn chính xác.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu Tổ ra đề thi Toán rà soát kỹ các câu hỏi khác mà thầy, cô giáo và học sinh quan tâm. Kết quả rà soát khẳng định các câu hỏi đó đều có đáp án chính xác.

Bộ GD&ĐT thông tin đã nhận được phản ánh đề thi Toán khó từ giáo viên, học sinh và phóng viên trong cuộc họp báo ngày 27/6. Các ý kiến nêu ra mới là dự đoán và chỉ được xác thực sau khi hoàn tất công tác chấm thi.

Dựa trên dữ liệu điểm thi của thí sinh, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phân tích phổ điểm của các môn, bài thi để đánh giá đề thi, trong đó có đề Toán.

Đăng bởi: Ban biên tập