Đề và bài giải gợi ý môn Văn thi tham khảo THPT quốc gia năm 2020 (lần 2)

08/05/2020 16:16

* Đề thi:
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI THAM KHẢO
KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2020
Bài thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

 

 

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Con người luôn mong muốn được người khác lắng nghe và được công nhận. Do đó, một người biết cách lắng nghe thường là người được yêu quý và tôn trọng. Những người có thói quen hay phản đối người khác thường chỉ nhận được phản ứng bực bội và bị lảng tránh.

 

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không được phép bảo vệ lập trường của mình, nhưng bạn cần thể hiện quan điểm trong sự hòa nhã. Đừng để những cảm xúc nóng vội lấn át lý trí của bạn, hãy tạo điều kiện cho người đối diện nói hết quan điểm của họ sau đó bạn mới trình bày nhận định của cá nhân mình. Khi đó, bạn không những thực hiện được quan điểm của mình mà cũng không hạ thấp người khác.

 

Hãy làm cho người khác tận hưởng niềm vui được tỏa sáng. Hãy bỏ thói quen luôn cho rằng mình đúng. Đừng áp đặt, hãy gợi mở. Mọi người xung quanh bạn sẽ cảm thấy thoải mái, tin tưởng và mở lòng ra với bạn hơn. Bạn sẽ có được niềm vui lớn khi giúp người khác hạnh phúc..

 

(Trích Tất cả đều là chuyện nhỏ – Richard Carlson, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2017, tr.39-40)


Câu 1.
Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2.Theo đoạn trích, người có thói quen hay phản đối người khác thường nhận được phản ứng như thế nào?

Câu 3. Dựa vào đoạn trích, anh/chị hãy cho biết thế nào là “thể hiện quan điểm trong sự hòa nhã”?


Câu 4
. Lời khuyên “Hãy bỏ thói quen luôn cho rằng mình đúng” trong đoạn trích có ý nghĩa gì với anh/chị?


II. LÀM VĂN (7.0 điểm)


Câu 1(2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác.

Câu 2 (5.0 điểm)

Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng viết:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

(Theo Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam. 2019, tr.88)

Trình bày cảm nhận của anh/chị về khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính trong đoạn thơ trên.


------------------- Hết----------------------

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

* Bài giải gợi ý: 

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là nghị luận.

Câu 2:

Theo tác giả, người có thói quen hay phản đối người khác thường được nhận phản ứng: bực bội và bị lảng tránh.

Câu 3:

 “Thể hiện quan điểm trong sự hòa nhã” có thể hiểu là: tạo điều kiện cho người đối diện thể hiện quan điểm của họ mà không có thái độ hạ thấp, xem thường người khác, sau đó bản thân mới trình bày quan điểm của cá nhân bằng nhận định của mình.

Câu 4:

Học sinh nêu rõ quan điểm cá nhân. Cần lý giải thuyết phục, hợp lý. Ví dụ như:

 “Hãy bỏ thói quen luôn cho rằng mình đúng là một lời khuyên có ý nghĩa đối với mỗi người. Bởi khi làm được điều đó chứng tỏ bạn đã biết kiểm soát tốt cảm xúc của mình, biết dùng lí trí để xử lí mọi tình huống trong cuộc sống. Không chỉ vậy, bỏ được thói quen này còn cho thấy bạn là người ứng xử có văn hóa, biết tôn trọng những người xung quanh mình. Tạo môi trường lành mạnh để mỗi người có thể học hỏi và trao đổi với nhau....”

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Yêu cầu chung

- Đảm bảo đúng yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ).

- Có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân hợp, móc xích hoặc song hành.

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác.

- Sống biết tôn trọng người khác ta sẽ nhận được lại sự tôn trọng của người đó dành cho mình. Đồng thời việc làm đó sẽ giúp người khác cảm thấy vui lòng, hữu ích, hăng say trong công việc. Nhờ sự tôn trọng đó làm con người tăng nghị lực trong cuộc sống.

- Mọi người tôn trọng lẫn nhau là cơ sở làm cho quan hệ xã hội trở nên lành mạnh, trong sáng, tốt đẹp hơn. Tôn trọng mọi người khiến cho tăng thêm tình bạn, tình hữu nghị từ đó cũng đem đến cho bạn nhiều cơ hội để thành công hơn.

- Sống tôn trọng người khác là một lối sống đẹp, cao quý, làm cho cuộc sống của ta và những người xung quanh ngập đầy yêu thương, tin tưởng.

Mở rộng vấn đề:

+ Phê phán những người không biết tôn trọng người khác. Thường có thái độ khinh thường, thô lỗ thậm chí xúc bạn người khác.

+ Muốn trở thành một người tốt trước hết chúng ta phải biết tôn trọng người khác. Tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng chính mình.

- Chú ý: Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Câu 2 (5,0 điểm)

Yêu cầu chung:

- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề;

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận;

- Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

1. Giới thiệu tác giả Quang Dũng và tác phẩm Tây Tiến và đoạn thơ

2. Cảm nhận về khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính trong đoạn thơ trên.

- Chú ý: Đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Đăng bởi: Ban biên tập