Sẽ có những thay đổi gì trong kỳ thi THPT quốc gia?
02/08/2018 08:49
Ngày 30/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc hội đàm giữa Bộ GD-ĐT và một số nhà giáo, người quan tâm tới giáo dục, lãnh đạo trường đại học để các bên trao đổi về kỳ thi THPT quốc gia.
Buổi toạ đàm có sự tham gia của GS. Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ GD-ĐT, lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH FPT… Bên cạnh đó, còn có GS. Nguyễn Minh Thuyết, GS. Phạm Tất Dong, GS. Nguyễn Lân Dũng, TS. Lê Thống Nhất, TS. Nguyễn Tùng Lâm…
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến cũng đề nghị sẽ phải rà soát tất cả các khâu của kỳ thi để phòng gian lận. Bài thi trắc nghiệm có rọc phách không? Nên chấm tập trung bài thi trắc nghiệm theo cụm ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...
Việc thực hiện kỳ thi THPT quốc gia vẫn theo một lộ trình đã được vạch ra từ năm 2014 là duy trì tổ chức tại các địa phương đến năm 2020. Những thay đổi sẽ bắt đầu từ năm 2021, với việc thành lập 2 trung tâm khảo thí độc lập. Khi đó, hai trung tâm này sẽ đứng ra tổ chức cho học sinh cả nước dự thi, với nhiều đợt trong năm và thí sinh làm bài trên máy tính.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề xuất lắp camera ở phòng thi để đề phòng gian lận. Việc thi trên máy và chấm ngay trên máy cũng là giải pháp được lãnh đạo Bộ GD-ĐT đưa ra để bàn luận. Ông Thuyết cho biết: “Tuy nhiên, thi trên máy cũng phải tính đến những yếu tố rủi ro vì trục trặc máy móc, đường truyền, kỹ thuật...”.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, ý kiến của các chuyên gia đều tập trung vào việc phải xác định lại tính chất của kỳ thi này cho đúng. Chúng ta vẫn quen gọi đây là kỳ thi “2 trong 1” và trên thực tế thì việc ra đề thi cũng là để phục vụ hai mục tiêu. Chính vì hai mục tiêu đó nên hôm nay nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng, vì mục tiêu vào ĐH nên dễ xảy ra gian lận, tiêu cực. Do vậy, nên xác định mục tiêu này cho đúng là thi để xét tốt nghiệp THPT. Các trường ĐH thì có quyền sử dụng kết quả của kỳ thi này hoặc sử dụng kết quả đó và bổ sung các hình thức đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp.
Các chuyên gia kiến nghị Bộ GD-ĐT cần tiếp tục nâng cao chất lượng ra đề thi. Yêu cầu là đề phải ổn định, đạt ngưỡng/chuẩn, đánh giá được đúng kiến thức, năng lực của số đông học sinh để xét tốt nghiệp. Quy chế thi phải tiếp tục sửa đổi, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo các khâu từ coi thi, thu bài thi, niêm phong bài thi, quét ảnh bài thi đều phải xác định rõ trách nhiệm của cán bộ, giáo viên của địa phương và của trường ĐH để nếu có vi phạm tất cả phải cùng chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm. Các chuyên gia cũng đề nghị kỳ thi năm sau sẽ chấm tập trung theo cụm thay vì chấm ở địa phương.
Đăng bởi: Ban biên tập