Những điều cần lưu ý khi làm bài thi đánh giá năng lực của các trường đại học

17/03/2021 17:00

Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội gồm 150 câu hỏi, thời gian 195 phút. Cấu trúc bài thi gồm 3 nhóm năng lực chính: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; năng lực Toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, tính toán và xử lý số liệu; tự khám phá khoa học (tự nhiên – xã hội) và ứng dụng công nghệ; theo hướng cá thể hóa.

Bài thi đánh giá năng lực tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực toàn diện, thí sinh phải làm tuần tự từ phần 1 (Tư duy định lượng) đến phần 2 (Tư duy định tính) rồi sang phần 3 (Khoa học tự nhiên và xã hội). Sau khi kết thúc mỗi phần, máy tính sẽ tự chuyển sang phần tiếp theo. Nếu đang làm bài ở phần 2, thí sinh không thể quay lại làm các câu hỏi ở phần 1.

Thí sinh được mang vào phòng thi máy tính đơn giản (không có thẻ nhớ). Thí sinh chỉ cần ôn tập kỹ phần kiến thức cơ bản của lĩnh vực KHTN, KHXN, Toán, Văn là có thể hoàn thành tốt bài thi.

Đề thi của trường Đại học Bách khoa Hà Nội gồm 3 phần: Phần 1 là Toán (trắc nghiệm và tự luận), phần 2 là đọc hiểu (trắc nghiệm), phần 3 là tự chọn (trắc nghiệm). Ở phần 3, thí sinh có thể chọn 1 trong 3 nội dung Lý và Hóa, Hóa và Sinh, tiếng Anh. Thí sinh có thế mạnh là các môn tự nhiên thì cần đầu tư thêm thời gian ôn tập các môn xã hội.

Bài thi của Đại học Quốc gia TP.HCM được xây dựng theo định hướng sử dụng ngôn ngữ, xử lý số liệu, tư duy logic, giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng nhớ kiến thức. Bài thi yêu cầu kiến thức ở phạm vi bao phủ gần như tất cả các môn học trong chương trình phổ thông. Đề thi không yêu cầu thuộc kiến thức nên đa số câu hỏi đều cung cấp dữ liệu và yêu cầu thí sinh xử lý để trả lời.

Vì thế thí sinh không nên học lệch, học tủ mà nên tiếp cận học tập theo hướng toàn diện, phương pháp học tập có hệ thống, học đều các môn, lập luận, đánh giá, phản biện. Do kỳ thi đã gần kề, thí sinh không nên nạp thêm kiến thức mà nên hệ thống hóa lại những kiến thức đã có.

Đăng bởi: Ban biên tập