Học sinh thích thú với bài kiểm tra một tiết “độc lạ“
10/01/2020 16:24
Khác với những bài kiểm tra một tiết thông thường, mới đây học sinh lớp 11A15 và 10A11 (Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM) đã có bài kiểm tra một tiết rất đặc biệt-làm mô hình về các tác phẩm đã được học. Học sinh lớp 10A11 đang thuyết trình về mô hình sau khi tìm hiểu tác phẩm Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Học sinh lớp 10A11 đang thuyết trình về mô hình sau khi tìm hiểu tác phẩm Nhàn của tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm
Em Lê Hoàng Kim Châu, lớp 11A15 chia sẻ, cô giáo Quỳnh Anh (giáo viên Ngữ văn của trường) đã ra cho chúng em đề kiểm tra một tiết, với yêu cầu: Tìm hiểu kĩ các tác phẩm Hai đứa trẻ, Hạnh phúc của một tang gia, Vĩnh biệt cửu trùng đài và làm mô hình mô phỏng về một cảnh mà các em tâm đắc trong tác phẩm.
Chuyến tàu đêm qua phố huyện-tác phẩm Hai đứa trẻ
Theo đó, học sinh đã chia thành các nhóm, mỗi nhóm 6 bạn, cùng tìm hiểu về tác phẩm và chọn ra một cảnh mà các em tâm đắc nhất để làm mô hình. Các em có thể sử dụng bìa carton, giấy màu, gỗ, thậm chí cả đèn led… để thực hiện.
Nhóm của Kim Châu chọn cảnh phố huyện về đêm của tác phẩm Hai đứa trẻ để hoàn thành bài kiểm tra một tiết của mình. Sau khi hoàn thành mô hình các em sẽ viết cảm nhận về cảnh mà nhóm lựa chọn.
An và Liên trong khung cảnh đoàn tàu đêm qua phố huyện-Hai đứa trẻ
“Với cách học và kiểm tra khá mới lạ này, chúng em cảm thấy rất thoải mái, thú vị. Những tác phẩm văn học không còn khô khan trên giấy, bởi chúng em đọc kĩ, hiểu và cảm nhận nó theo cách của mình. Đặc biệt là thể hiện đầy sáng tạo về tác phẩm qua mô hình, cùng làm việc nhóm... Bài kiểm tra cũng không còn áp lực, hay lo lắng nào… mà là một sự trải nghiệm".
Mô hình của hai bài thơ Nhàn và Cảnh ngày hè
Tương tự, đối với lớp 10A11, học sinh sẽ tìm hiểu kĩ 2 tác phẩm Nhàn và Cảnh ngày hè. Các em đã rất sáng tạo để vẽ nên bức tranh mà mình cảm nhận trong tác phẩm.
Em Lê Phan Hoài An, lớp 10A11 cho biết, nhóm em chọn tác phẩm Nhàn để hoàn thành bài kiểm tra của mình. Theo Hoài An, các bạn đều tỏ rất hào hứng với đề kiểm tra một tiết này. Để làm bài tốt, mọi người phải đọc, cảm nhận vẻ đẹp trong bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thể hiện sự sáng tạo của mình qua mô hình.
Vĩnh biệt Cửu trùng đài
Không chỉ là học Văn, mà khi cùng nhau làm ra một sản phẩm thể hiện tinh thần của bài thơ, các em phải có sự đầu tư từ khâu tô màu, tính tỷ lệ, cách trình bày, làm sao có tính thẩm mĩ cao, toát lên sự thanh nhàn, lối sống thanh cao, hoà mình vào thiên nhiên: từ hồ sen, hình ảnh câu cá, măng trúc... Và phải thuyết trình cho sản phẩm của nhóm mình.
Cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh, người ra bài kiểm tra cho biết, bên cạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, các giáo viên của trường đang tích cực đổi mới cách kiểm tra đánh giá học sinh. Việc cho các em làm bài kiểm tra một tiết khá thú vị này ngoài việc để nắm rõ, hiểu rõ, cảm nhận về tác phẩm một cách sâu sắc, còn cho các em thể hiện sự sáng tạo, trí tưởng tượng của mình. Đặc biệt là rèn kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình...
Học sinh đang thuyết trình với "bài làm" của nhóm
Qua đó, học sinh thấy được việc học tập môn Văn không khô khan trên những trang giấy, mà nó là sự cảm nhận tác phẩm, cảm nhận các nhân vật bằng tâm hồn của mình.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại
Đăng bởi: Ban biên tập