Đề thi và bài giải gợi ý môn Ngữ văn THPT Quốc gia năm 2019

25/06/2019 14:39

* Đề thi:
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2019
Bài thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

 

 

          I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

           Đọc đoạn trích:

Biết nói gì trước biển em ơi

Trước cái xa xanh thanh khiết không lời 

Cái hào hiệp ngang tàng của gió 

Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ 

Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời 

Cái giản đơn sâu sắc như đời 

Chân trời kia biển mãi gọi người đi 

Bao khát vọng nửa chừng tan giữa sóng

Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng

Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm

Nhưng muôn đời vẫn những cánh buồm căng

Bay trên biển như bồ câu trên đất

Biển dư sức và người không biết mệt

Mũi thuyền lao mặt sóng lại cày bừa

Những chân trời ta vẫn mãi tìm đi

 (Trước biển – Vũ Quần Phương, Thơ Việt Nam 1945-1985, NXB Văn học, 1985, tr.391)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2: Anh/ Chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào?

Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng

Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm

Câu 3. Hãy cho biết hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ sau:

Cái hào hiệp ngang tàng của gió 

Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ 

Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời 

Cái giản đơn sâu sắc như đời 

Câu 4. Hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện trong đoạn trích gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

              
             II.  LÀM VĂN(7.0 điểm)

 Câu 1(2,0 điểm)

                Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trÂường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông HưÂơng đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. NhưÂng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lí giải đÂược về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở ngÂười con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông HưÂơng nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành ngÂười mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở. Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông HÂương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khoá trong những hang đá dÂưới chân núi Kim Phụng.

(Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.198)

Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.


------------------- Hết----------------------

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.


* Bài giải gợi ý:

 

Phần I. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (3.0 điểm)

Câu 1. Thể thơ tự do

Câu 2. Những hình ảnh ẩn dụ trong hai câu thơ đã diễn tả nỗi gian truân, vất vả, thậm chí có cả sự hi sinh của những con người bám đất, bám biển, cùng chung tay xây dựng và bảo vệ biển đảo quê hương.

Câu 3. Phép điệp trong các dòng thơ (hào hiệp ngang tàng, kiên nhẫn, nghiêm trang, giản đơn,…) đã lần lượt liệt kê ra những phẩm chất đáng quý của con người, đem đến cho người đọc cả sự xúc động lẫn cảm phục.

Câu 4. Hành trình theo đuổi khát vọng của con người không hề đơn giản, nó phải vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ, vượt qua những hiểm nguy thử thách. Hành trình càng khó khăn thì càng tôi luyện cho con người vững vàng và thành quả đạt được dĩ nhiên là to lớn, không chỉ cho bản thân mà còn cho Tổ quốc. Đoạn thơ có tác dụng ca ngợi những con người anh hùng và dấy lên trong lòng những người trẻ những khát vọng sống lớn lao,…

Phần II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. Nghị luận xã hội (2.0 điểm)

Học sinh cần xác định rõ:

Hình thức là một đoạn văn 200 chữ: Nên phải đảm bảo đúng hình thức 1 đoạn và dung lượng khoảng 20 dòng.

Nội dung: Thí sinh cần tập trung giải quyết từ khóa ý chí của con người trong cuộc sống. Không được lan man những vấn đề khác.

Gợi ý: Con người thành công bởi nhiều yếu tố khác nhau: Sức mạnh của thể chất - cơ bắp, sức mạnh của tinh thần - trí tuệ và còn có cả sức mạnh của ý chí – nghị lực, khát vọng của con người. Ý chí con người được tạo bởi những quyết tâm với lý tưởng cao đẹp, những hành động đẹp. Họ sn sàng vượt qua tất cả chông gai, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc và cũng là hoàn thành ước mơ, hoài bão của mình.

Câu 2. Nghị luận văn học (5.0 điểm)

MỞ BÀI: Thí sinh cần giới thiệu đôi nét về nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? cùng với vấn đề cần nghị luận Vẻ đẹp sông Hương nơi thượng nguồn với những phát hiện mới mẻ của nhà văn.

THÂN BÀI: Thí sinh cần giải quyết được những vấn đề cơ bản sau:

Tổng quan về kiến thức

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một gương mặt nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại, cũng là một trí thức yêu nước luôn tích cực tham gia các phong trào đấu tranh chống Mĩ- nguỵ ở miền Nam thời kì trước 1975.

Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn có phong cách độc đáo và đặc biệt sở trường về thể bút kí, tuỳ bút. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí...

Tác phẩm chính: Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1971), Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông (1986)...

Tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông?

- Ai đã đặt tên cho dòng sông? là bài bút kí xuất sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường viết tại Huế năm 1981, rút từ tập bút kí cùng tên.

- Bài bút kí lấy cảm hứng mãnh liệt từ dòng sông Hương thơ mộng của xứ Huế. Dòng sông quê hương được nhà văn soi chiếu từ nhiều góc độ của lịch sử, địa lí, văn hóa...Qua những suy tư và liên tưởng, dòng sông đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của vùng đất cố đô với trang sử vẻ vang, với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, trở thành biểu tượng cho văn hóa và tâm hồn con người xứ Huế. Bài bút kí mang đậm phong cách tuỳ bút bởi giọng văn phóng túng và sự bộc lộ cái tôi suy tư và trữ tình của nhà văn.

2. Vấn đề trọng tâm: Sông Hương nơi thượng nguồn.

- Đoạn trích được mở đầu bằng một nhận xét mang đậm tính chủ quan về dòng sông Hương: Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất.

- Đặt dòng sông trong mối quan hệ với dãy Trường Sơn, nhà văn đã thể hiện cảm hứng khám phá, cắt nghĩa và lí giải cùng cái nhìn sâu sắc về cội nguồn.Và đó cũng là một cảm giác quen thuộc của tình yêu.

- Những phép so sánh "bản trường ca của rừng già"

- Câu ghép với những vế câu ngắt, nhịp ngắt liên tục tạo thủy trình: "rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn" kết hợp vế câu dài "cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng". 

- Sông Hương cả sức mạnh và vẻ đẹp khiến người đọc mê đắm.

- So sánh ấn tượng "Cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại" thể hiện sự tự do, mạnh mẽ,… sau đó "lột xác" thành "người mẹ phù sa" với vẻ đẹp dịu dàng, trí tuệ,…

- Với trí tưởng tượng, niềm say mê và tình yêu mãnh liệt, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã miêu tả dòng sông Hương ở khúc thượng lưu trong những vẻ đẹp hoang dại đầy cá tính.

Những hình ảnh phong phú, ấn tượng, những liên tưởng tài hoa và thủ pháp nhân hoá đặc sắc đã làm hiện lên dòng sông Hương khúc thượng nguồn với vẻ đẹp của một sức sống mãnh liệt đầy cá tính, từ đó cho thấy cách cảm nhận và suy nghĩ có bề sâu trí tuệ của nhà văn.

KẾT BÀI: Đoạn trích bài bút kí mang đậm phong cách của thể tuỳ bút vì chất tự do, phóng túng và hình tượng cái tôi tài hoa, uyên bác, một hồn thơ thực sự trong văn xuôi với trí tưởng tượng lãng mạn, những xúc cảm sâu lắng.

Từ tình yêu say đắm với dòng sông quê hương, từ những hiểu biết phong phú về văn hóa, lịch sử, địa lí; Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm hiện lên những vẻ đẹp khác nhau của sông Hương trong một văn phong tao nhã, hướng nội, tinh tế, trí tuệ và tài hoa. (Người hướng dẫn giải đề: Thạc sĩ Hồ Hoài Khanh)


 

Đăng bởi: Ban biên tập