Bộ Giáo dục nói gì về cách đánh vần “lạ” khiến phụ huynh hoang mang

31/08/2018 13:37

Gần đây, mạng xã hội lan truyền clip quay cảnh được cho là một giáo viên tiểu học đang hướng dẫn các vị phụ huynh học sinh có con đang theo học lớp 1 về chương trình dạy học mới với những thay đổi về cách đánh vần.

Cụ thể, theo nội dung clip được chia sẻ, giáo viên này đang đứng trên bục giảng, hướng dẫn các vị phụ huynh dạy con em mình đánh vần các từ “k”, “qu” theo chương trình mới đều phải đọc là “c”, hay thay đổi cách đánh vần của các từ “iên”, “uôn”.

Clip đăng tải ngay lập tức gây xôn xao dư luận, thu hút hàng triệu lượt xem, hàng trăm nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Đa số ý kiến đều bày tỏ sự hoang mang và lo ngại không biết đây thực sự có phải là chương trình giáo dục mới được áp dụng không.

 
Clip cô giáo hướng dẫn đánh vần tiếng Việt gây tranh cãi (nguồn: youtube.com)

Được biết, đây là cách đánh vần theo chương trình sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Hồ Ngọc Đại. Công nghệ giáo dục (CNGD) là đề tài nghiên cứu cấp quốc gia của GS Hồ Ngọc Đại, được áp dụng thí điểm từ năm 1978 tại Trường Thực nghiệm (nay là PTCS Thực nghiệm) Hà Nội dưới sự quản lý, giám sát của Viện Khoa học giáo dục VN- Bộ GD-ĐT. Từ đó đến năm 1985, chương trình được mở rộng ra các tỉnh có nhu cầu. Đến năm 1990, đề tài của GS Đại được nghiệm thu, thành lập Trung tâm công nghệ giáo dục, chương trình này bắt đầu chuyển sang giai đoạn đại trà, thực hiện ở 43 tỉnh thành tính đến năm 2000. Do quy định một chương trình, một bộ sách giáo khoa cùng với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2000 nên CNGD phải dừng lại vào năm 2001. Trong tròn 40 năm qua, dù có thời điểm không tồn tại một cách công khai và rầm rộ nhưng đối với những người làm giáo dục và quan tâm tới giáo dục, dường như chưa bao giờ chương trình này bị lãng quên. Chính vì thế dù có lệnh dừng nhưng đến năm 2008, Lào Cai là tỉnh duy nhất ở phía bắc cùng với 5 tỉnh phía nam là Tây Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Đắk Lắk, An Giang, tiếp tục kiên định quay lại chương trình này. Thế nên năm học 2010 - 2011, Bộ GD-ĐT cho phép thí điểm thêm một phương pháp, một tài liệu dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 (gọi tắt là tiếng Việt 1 - CNGD) với địa phương nào có nhu cầu và đăng ký với Bộ. Đến năm học 2013-2014, có 37 tỉnh thành trong cả nước tự nguyện đăng ký và chính thức áp dụng CNGD cho khoảng 200.000 học sinh học lớp 1. Bộ GD-ĐT cũng vì thế đã quyết định không gọi đây là một phương pháp thí điểm nữa mà cho phép thực hiện chính thức với nơi nào có nhu cầu.

Theo ông Nguyễn Đức Hữu, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT cho biết: “Tài liệu Tiếng Việt 1 theo chương trình công nghệ giáo dục (CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại đi theo hướng ngữ âm học và bao nhiêu năm nay đã tổ chức, triển khai dạy học như thế rồi chứ không phải năm nay mới có, thực chất không phải cái gì đó mới hay phát hiện mới lạ. Có thể với những phụ huynh thấy lạ tai nên câu chuyện mới xôn xao như vậy, chứ những năm trước đây những trường, địa phương theo chương trình này đã dạy học như vậy mà không có vấn đề gì”.

Cũng theo ông Hữu, chương trình CNGD của GS Hồ Ngọc Đại nghiêng về ngữ âm học cho nên người ta dạy theo hướng đó và Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GD-ĐT đã thẩm định là không sai khi đưa ra một cách tiếp cận mới, nhưng khác hay như các phụ huynh nói là “lạ” với cách của chương trình đại trà hiện hành.

PGS. Bùi Mạnh Hùng - điều phối viên chính Ban phát triển Chương trình Giáo dục Phổ thông mới, thành viên Ban phát triển Chương trình môn Tiếng Việt - Ngữ văn khẳng định, phương pháp dạy học đánh vần theo cách của GS Hồ Ngọc Đại không thuộc Chương trình Tiếng Việt - Ngữ văn mới. Chương trình sắp tới chỉ quy định yêu cầu cần đạt về kỹ năng đọc, viết, nói và nghe. Cụ thể là sau một năm học, học sinh có khả năng đọc, viết, nói và nghe đến mức độ hoặc trình độ nào đó, chứ không bắt buộc phải học theo phương pháp nào.

Ông Hùng cũng cho biết: "Chương trình giáo dục chỉ quy định mục tiêu cần đến, còn con đường đi đến mục tiêu, trên thực tế khá đa dạng và sẽ được lựa chọn bởi tác giả sách giáo khoa và giáo viên. Sắp tới, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa, sách Tiếng Việt lớp 1 của các nhóm tác giả khác nhau có thể sử dụng những phương pháp dạy học đánh vần khác nhau".

Đăng bởi: Ban biên tập