Truyền thuyết An Dương Vương
Được đăng bởi Ban biên tập    06/09/2017 13:45

Truyền thuyết này mang nhiều tên gọi khác nhau như 1. An Dương Vương; 2. Truyện Rùa vàng, 3. Sự tích Cổ Loa Thành; 4. Sự tích nỏ thần; 5. Mị Châu, Trọng Thuỷ; 6. Ngọc trai giếng nước. Tên gọi nào cũng biểu hiện được chủ đề tác phẩm, ít hoặc nhiều.

Chủ đề dựng và giữ nước với cốt truyện phát triện qua các chi tiết “xây thành – chế nỏ – chống giặc – mất cảnh giác – mất nước” là trục cốt lõi của truyện, ổn định qua các thời đại. Các bản kể cổ xưa đều kết thúc ở hình ảnh An Dương Vương để mất nước. Đến Lĩnh Nam chích quái (cuối thế kỉ XIV), các chi tiết “áo lông ngỗng”, “Ngọc trai giếng nước” mới lần đầu xuất hiện, làm truyện biến đổi theo xu hướng cổ tích hoá, phức tạp hơn nhưng cũng sống động hơn.

An Dương Vương xây thành, chế nỏ giữ nước

An Dương Vương là thủ lĩnh kế tục các vua Hùng. Bấy giờ, đất nước đã có cương vực, có nền văn hiến riêng; vấn đề chống giặc giữ nước đã thành chuyện sống còn của dân tộc. An Dương Vương đã tiến hành việc dời đô từ phía Bắc xuống phía Nam, từ thượng du về đồng bằng (tức từ Phú Thọ về Cổ Loa – Hà Nội), xây thành giữ nước, đáp ứng khát vọng, đòi hỏi của đất nước.

Việc xây thành gặp rất nhiều khó khăn, cản trở. Truyện kể thành cứ đắp lên lại đổ xuống, xây mãi không xong, do nhiều nguyên nhân; lại có con gà trắng sống hàng nghìn năm, hoá thành con tinh quấy phá; trong núi lảng vảng nhiều ma quỷ vốn là âm hồn của quan quân triều trước, tất cả đều ngăn cản việc nhà vua xây thành. Người xưa đã giải thích hiện tượng thành đổ bằng sức phá hoại kì lạ của ma quỷ. Sự giải thích như thế chịu ảnh hưởng của quan niệm thần linh chủ nghĩa. Bóc cái vỏ hoang đường, mê tín đó đi, có thể thấy được những khó khăn thực tế: Thiên nhiên nhiệt đới không chiều theo ý con người; tổ tiên ta bấy giờ mới chỉ quen sống và xây dựng ở thượng du, chưa quen vùng đồng bằng; kĩ thuật xây thành còn hạn chế, chưa đủ để xây thành xoáy trôn ốc; sự chống đối dai dẳng và quyết liệt của các lực lượng thuộc triều vua cũ còn rớt lại; An Dương Vương lúc này chưa biết dựa vào dân.

Sứ Thanh Giang tức Rùa vàng đã đến khơi đường mở lối, tận tình giúp đỡ An Dương Vương diệt yêu quái, trấn áp quỷ phá hoại, xây được thành rộng hơn nghìn trượng mà chỉ trong nửa tháng là xong. Sự xuất hiện và phù trợ của Rùa Vàng chứng tỏ việc xây Loa Thành của An Dương Vương là hợp với ý trời, lòng dân, được nhân dân ủng hộ. Rùa Vàng chính là hình ảnh của nhân dân được hình tượng hoá. Khi nước nhà hoạn nạn, khi vua làm việc hợp với lòng người thì trí tuệ của dân sẽ hoá thành những phép thuật kì lạ như móng vuốt của Rùa Vàng, giúp vua làm nên sự nghiệp… Rùa Vàng tượng trưng cho sáng kiến, sức mạnh, nguyện vọng của nhân dân. Rùa Vàng xuất hiện không che lấp vai trò của An Dương Vương, trái lại, còn góp phần đề cao. An Dương Vương đã được thần linh, được nhân dân ủng hộ, giúp đỡ. Được sự ủng hộ ấy, vua đã chăm lo việc xây thành để giữ nước, với tinh thần bền bỉ, ý chí kiên cường, trí sáng tạo tuyệt vời.

Thành Cổ Loa là công trình lao động, công trình quân sự, văn hoá vĩ đại: rộng hơn nghìn trượng, hình xoáy trôn ốc, có nhiều lớp hào, thành luỹ bao bọc. Với những chi tiết về sự phá hoại của ma quỷ và về sự phù trợ, giúp đỡ của Rùa Vàng, truyền thuyết này đã kì diệu hoá, thần kì hoá công tích lịch sử, sự cố gắng, sức mạnh, trí tuệ, khả năng của An Dương Vương và của nhân dân ta thời đó.

Thành xây xong, vua vẫn không an tâm. Lấy gì giữ thành? Đó là sự băn khoăn của vị thủ lĩnh có ý thức cao trước vận mệnh dân tộc. Đó cũng là mối băn khoăn của ông cha ta trong hoàn cảnh thường xuyên bị ngoại xâm đe doạ. Rùa Vàng cho vua chiếc móng làm lẫy nỏ, “khác hẳn những nỏ thường, bắn trăm phát trúng cả trăm, chỉ một phát có thể giết hàng nghìn quân giặc”. An Dương Vương đã biết tìm Cao Lỗ, một tướng tài, để chế nỏ thần. Nỏ thần ấy phản ánh ước mơ của dân tộc ta muốn có một thứ vũ khí tuyệt vời để giữ nước, đập tan bất kì bọn ngoại xâm nào, đồng thời cũng phản ánh một phát minh quân sự, thần thánh hoá loại vũ khí mới được phát minh lúc bấy giờ: những mũi tên đồng. Năm 1959, tại chân Thành Cổ Loa, ngành khảo cổ đã phát hiện những kho mũi tên đồng của cha ông ta. Thần thánh hoá thứ vũ khí ấy, truyện đã ca ngợi khả năng và sức mạnh của con người, nâng An Dương Vương, Cao Lỗ lên ngang tầm vóc các vị thần.

Kết thúc phần một là trận thắng của An Dương Vương làm quân Triệu Đà thua lớn. Ca ngợi An Dương Vương, nhân dân muốn nêu một bài học giữ nước tích cực cho muôn đời là phải tu đức, cảnh giác, bền bỉ xây dựng, giữ gìn đất nước. Thành công của An Dương Vương trong việc xây thành, chế nỏ, chiến thắng quân Triệu Đà là bằng chứng cụ thể, hùng hồn, đầy sức thuyết phục về bài học lịch sử ấy. Phần một của truyền thuyết đã ca ngợi người anh hùng dựng và giữ nước; chứng tỏ sự lớn mạnh của nhà nước Âu Lạc; biểu dương, khẳng định ý chí, sự đoàn kiết, sức mạnh của dân tộc ta trong công cuộc dựng và giữ nước.

An Dương Vương mất cảnh giác, dẫn tới bi kịch nước mất, nhà tan

Nếu ở phần một, nhân dân nêu mặt tích cực của bài học dựng và giữ nước, thì ở phần hai, nhân dân đã bổ sung, khắc sâu bài học đó bằng cách nêu một phản đề, để nó hoàn chỉnh, đa dạng và thấm thía hơn. Những tình tiết xoay quanh nhân vật An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thuỷ ở phần hai, phải được hiểu từ mục đích đó và hướng về mục đích đó.

Sau chiến thắng, An Dương Vương chủ quan, quên nguy cơ xâm lược của kẻ thù phương Bắc luôn tồn tại. Với Triệu Đà, từ cầu hoà đến cầu hôn, rồi gửi rể…, đó là những bước đi của một âm mưu. An Dương Vương không nhận ra thủ đoạn ấy, vô tình gả Mị Châu cho con Triệu Đà, lại cho Trọng Thuỷ ở rể. Có dị bản kể: An Dương Vương còn xử bạc với Cao Lỗ. Rõ ràng, An Dương Vương đã không tin, không dựa vào tướng tài, vào nhân dân, lại còn “nuôi ong tay áo”. Mầm thất bại nảy sinh từ đây.

Khi kẻ thù đã tràn sang, An Dương Vương vẫn quá chủ quan, cậy có nỏ thần, khinh xuất giặc, do đó đã để cơ đồ họ Thục, cái cơ đồ được dựng xây vất vả bằng bao mồ hôi, xương máu, “đắm biển sâu”. Những sai lầm của An Dương Vương cũng là nguyên cớ dẫn đến sai lầm của Mị Châu. Những sai lầm của An Dương Vương đã dẫn tới bi kịch về thảm hoạ nước mất nhà tan; thành vỡ; vua phải rút chạy trong cảnh khốn cùng “đường núi gập ghềnh hiểm trở, dốc ngược, gió lốc mịt mù, không còn lối nào chạy”. Nhận ra sai lầm, vua đã vung kiếm, căm giận chém đầu con gái. Một sự thức tỉnh đau xót. Chém con cũng tức là chém mình. Đây là bi kịch có tính bi hùng. Cảnh mất nước đã kéo theo cảnh nhà tan.

Bằng những chi tiết trên, nhân dân muốn giải thích biến cố mất nước bi thảm đầu tiên xảy ra trong lịch sử nước ta, nêu một bài học đã được trả giá bằng xương máu về sự sống còn của đất nước, dân tộc: mất cảnh giác, chủ quan, tự mãn coi khinh kẻ thù, không thường xuyên chăm lo phòng bị chu đáo, sẽ không tránh khỏi thất bại đau đớn.

Quan sát kết cấu của truyền thuyết này, sẽ thấy phần một của truyện (An Dương Vương xây thành, chế nỏ giữ nước) dài gần như gấp đôi phần hai (An Dương Vương mất cảnh giác, làm mất nước). Dường như nhân dân muốn gửi một triết lí sâu sắc ở đây, rằng dựng xây, giữ gìn đất nước mới là khó và dài lâu, còn để mất nước thì rất chóng vánh.

Công của An Dương Vương rất lớn, tội cũng rất to. Dù sao, cuối cùng, Vương cũng đã đặt đất nước lên trên tình riêng, tình cha con. Nhân dân đánh giá An Dương Vương rất công bằng. Tội của An Dương Vương rất lớn, nhưng đây là người anh hùng có công xây thành, chế nỏ, và cuối cùng, dám đặt quyền lợi quốc gia lên trên tình nhà, cho nên nhân dân vẫn để người anh hùng đi vào cõi bất tử. Vua được Rùa vàng rẽ nước đưa về biển Đông, sống mãi với non sông. Tất nhiên, cái kết thúc của An Dương Vương không thể đẹp, không thể rực rỡ như Thánh Gióng.

Sau An Dương Vương, Mị Châu là nhân vật đắc tội với dân tộc. Trong lịch sử văn học nước nhà, đây là cô gái đầu tiên làm mất nước. Sự vô tình đối với vận mệnh quốc gia, sự tin yêu mù quáng của nàng đã khiến nàng đắc tội với vua cha, với đất nước.

Mị Châu là cô gái ngây thơ, trong trắng, chỉ biết tin yêu chồng. Cho đến lúc trước khi chết mới biết mình bị lừa dối và phạm trọng tội. Vì mù quáng, Mị Châu đã ngây thơ sử dụng bí mật quốc gia như là của riêng nàng. Cả dấu lông ngỗng Mị Châu rắc trên đường cũng vô tình thành những dấu hiệu cho kẻ thù truy tìm An Dương Vương trên đường rút lui. Đúng là trước khi biết mình bị lừa dối, Mị Châu có tình yêu rất da diết và thuỷ chung với Trọng Thuỷ. Nhưng trước khi chết, nàng đã nhận rõ kẻ thù. Trước khi chết, hình ảnh kẻ lừa dối đã xóa sạch hình ảnh người yêu, người chồng đối với nàng. Trước khi chết, nàng có khấn: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành hạt bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để tẩy sạch mối nhục thù”. “Người lừa dối”, “mối nhục thù”, Mị Châu đã nhận ra rất rõ. Mị Châu chết, không hoá thành bụi, máu đã biến thành ngọc châu, xác hoá thành ngọc thạch.

Tội thì phải xử, nhưng oan cần được giải.

Tội của Mị Châu, tuy là vô tình, mù quáng, nhưng rất lớn. Rùa Vàng đã thét lên, gọi Mị Châu là “giặc”. Ở đây, cũng cần hiểu lời Rùa Vàng trong cảnh thấy nước đã mất và vua đã cùng đường. Mị Châu đã bị trừng trị bằng cái chết cụt đầu (tượng Mị Châu ở đền thờ An Dương Vương hiện nay là tượng đá cụt đầu, được phủ bằng tấm vải lụa mang màu đỏ của máu). Công lí của nhân dân đối với vận mệnh đất nước rất nghiêm khắc. Cái chết của Mị Châu là sự bổ sung cho chủ đề tác phẩm.

Nhân dân rất căm phẫn, rất giận Mị Châu, nhưng đồng thời cũng rất thương nàng. Hình ảnh ngọc thạch, ngọc châu, là sự minh oan cho Mị Châu. Vì sao khi rửa ở giếng, nơi Trọng Thuỷ chết, ngọc càng sáng? Một sự so sánh. Đặt bên sự lừa dối và mưu mô thì sự trong trắng của Mị Châu càng ngời lên. Đây không phải là hình ảnh của tình yêu thuỷ chung, như có người đã bình luận, mà là hình ảnh của nỗi oan được giải, được đền bù. Khai thác tình yêu chung thuỷ trong truyền thuyết này là thoát li chỉnh thể nghệ thuật của tác phẩm và đi chệch ra ngoài ý nghĩa của truyện.

Còn Trọng Thuỷ, cái chết của Trọng Thuỷ nói lên điều gì?

Khi sang Âu Lạc, lấy Mị Châu, theo âm mưu của Triệu Đà, Trọng Thuỷ đúng là tên gián điệp. "Trọng Thuỷ dỗ Mị Châu cho xem trộm nỏ thần rồi ngầm làm một cái lẫy nỏ khác thay vuốt Rùa Vàng, nói dối về phương Bắc thăm cha". Những hành động giả dối, mưu mô, đầy chủ đích xấu xa. Cả hành động lần theo dấu lông ngỗng của Mị Châu rắc trên đường để truy đuổi An Dương Vương cũng là hành động mưu mô, xảo trá của kẻ cướp nước. Nhưng, cũng phải thấy hành động "Trọng Thuỷ ôm xác Mị Châu đem về táng ở Loa Thành... Trọng Thuỷ thương tiếc khôn cùng, khi đi tắm, tưởng như thấy bóng dáng Mị Châu, bèn lao xuống giếng mà chết" là tình cảm thật của Trọng Thuỷ. Sự ngây thơ, trong trắng của Mị Châu, tấm lòng của Mị Châu trước đó đối với Trọng Thuỷ và hậu quả do chính mình đem lại đã làm Trọng Thuỷ thức tỉnh. Cái chết của Trọng Thuỷ, một mặt là sự trừng trị đối với hắn, mặt khác cho thấy bi kịch của chiến tranh phi nghĩa. Tình yêu và chiến tranh phi nghĩa không thể dung hoà. Sự thương tiếc Mị Châu của Trọng Thuỷ đã muộn. Trọng Thuỷ phải chuốc lấy bi kịch do chính mình và do cha mình gây ra, chuốc lấy bi kịch của chiến tranh phi nghĩa. Đây cũng là bài học sâu sắc mà tác phẩm gửi thông điệp tới người nghe, người đọc.

Xem thêm