Để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi THPT Quốc Gia 2018, các em cần nắm vững mọi lý thuyết, các công thức,…chúng tôi sẽ giới thiệu với các em một vài phương pháp ôn luyện môn Hóa dưới đây.
Hệ thống lại kiến thức bằng mọi phương pháp
Kỳ thi THPT quốc gia không phải mang tính chất đánh đố thí sinh, hầu hết các kiến thức căn bản đều nằm trong sách giáo khoa. Chính vì vậy, sau mỗi chương học bạn hãy hệ thống lại kiến thức. Điều này không chỉ giúp các em nhớ được những kiến thức cố định trong chương, mà còn hạn chế việc lẫn lộn kiến thức giữa các chương.
Kiến thức Hóa học có đặc thù riêng là mang tính hệ thống và liên tục, không giống với môn Vật lí hay Toán. Kiến thức Hóa học có sự gắn kết liên tục và mang tính hệ thống, trải đều qua cả 3 năm học. Sự phân chia các nội dung Đại cương – Vô cơ – Hữu cơ … chỉ để giúp cho người học dễ học, chứ không dễ ôn tập.
Khi ôn tập kiến thức Hóa học, điều tối quan trọng là các em phải hệ thống, xâu chuỗi được nội dung mình đang ôn tập với các phần kiến thức có liên quan khác. Lý thuyết của Hóa học không cứng nhắc và cũng không giản đơn, ta không thể ôn tập bằng cách “đọc chay” hay “học vẹt” mà phải bằng cách luyện tập, thường xuyên ghi ra, viết ra, “gọi từ trong đầu ra” thì mới hiểu và nhớ lâu được. Để làm được điều đó thì có một cách đơn giản là khi gặp bất kỳ câu hỏi nào, bài tập nào, các em hãy cố gắng không chỉ tìm cách giải quyết câu hỏi đó, bài toán đó mà còn tìm cách liên hệ với các kiến thức liên quan đến nó để nhớ lại, hồi tưởng lại.
Nắm vững và chỉ ra được các dấu hiệu quyết định đến phương pháp giải bài toán
Một bài toán Hóa học là tập hợp của nhiều dữ kiện giải toán khác nhau mà cách giải bị chi phối bởi 2 yếu tố chính là: các phản ứng Hóa học xảy ra trong bài và các phương pháp cần dùng để giải bài toán đó. Để giải được một bài toán sao cho nhanh và chính xác, nhất thiết phải giải quyết cho được 2 yếu tố đó, nếu nắm được phương pháp giải bài toán mà không biết tính chất Hóa học thì không thể giải được và ngược lại, nếu nắm được bản chất Hóa học mà không lựa chọn được phương pháp phù hợp thì việc giải toán sẽ rất khó khăn và tốn nhiều thời gian.
Cũng chính bởi vì thế mà việc học phương pháp giải toán Hóa học không thể cứng nhắc thành những “dạng bài” hay “công thức tính” như Toán hay Lý, cùng là phương pháp giải toán ấy nhưng đặt vào một bài toán cụ thể với những phản ứng Hóa học cụ thể thì cách tính sẽ khác, chứ không thể máy móc “thay số vào công thức” hay “áp dụng biển đổi như dạng bài” theo kiểu Toán và Lý được. Các công thức hay dạng bài trong giải toán Hóa học có rất nhiều nhưng phạm vi áp dụng cho mỗi công thức lại khá hẹp và đòi hỏi rất nhiều điều kiện, chỉ cần bài toán thay đổi một dữ kiện nhỏ là công thức tính hay cách biến đổi cũng phải thay đổi theo và do đó, thầy không khuyến khích các em giải toán theo các công thức cứng nhắc nếu như phạm vi ứng dụng của nó không nhiều, nhất là khi các em còn chưa nắm được bản chất và các điều kiện làm cho công thức ấy đúng.
Tích lũy kinh nghiệm làm bài thi
Kinh nghiệm làm bài là một yếu tố hết sức quan trọng trong mỗi kỳ thi, nhất là kỳ thi THPT. Có rất nhiều bài toán tưởng như lắt léo nhưng nếu có nhiều kinh nghiệm thì chỉ cần đọc đề, ta đã phán đoán được hướng giải, dự đoán được chất nào dư, chất nào hết, đáp án nào có nhiều khả năng đúng …. Mặt khác, trong đề thi THPT đôi khi vẫn có những câu hỏi chưa thật chặt chẽ hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau, khi đó, chỉ có kinh nghiệm mới giúp ta “hiểu đúng ý người ra đề” và có được kết quả tốt.
Với khối kiến thức rộng cả lớp 11 và lớp 12 trong kì thi 2018 này, các em sẽ không thể nhồi nhét chúng vào trong 1, 2 ngày hay thậm chí là 1, 2 tuần được. Các em cần lên kế hoạch ôn tập từng chương từng phần kiến thức cho bản thân. Các kiến thức cần phải được tiếp thu một cách từ từ để bạn có đủ thời gian “tiêu hóa” chúng. Thực ra, các em cần một lộ trình ôn tập rõ ràng kết hợp với nghỉ ngơi điều độ. Điều này không giúp bạn tăng tốc độ ôn luyện nhưng sẽ giúp kiến thức nhớ lâu hơn. Thêm vào đó hãy rèn kỹ năng làm bài tập tốc độ với các đề ôn luyện tại SureTEST.