Phương pháp giải quyết vấn đề
Được đăng bởi Bùi Thụy Ngọc Tuyết Hạnh    21/06/2017 09:34
Phương pháp giải quyết vấn đề đã có từ lâu, đây không phải là phương pháp hoàn toàn mới, nhưng đến nay chưa được sử dụng nhiều trong dạy học Địa lí ở trường phổ thông. Phương pháp giải quyết vấn đề không chỉ thuộc phạm trù phương pháp mà trở thành mục đích của dạy học, đó là năng lực giải quyết vấn đề, năng lực có vị trí quan trọng hàng đầu để con người thích ứng được với sự phát triển của xã hội tương lai...

- Dạy học giải quyết vấn đề là đặt ra các vấn đề có chứa đựng mâu thuẫn giữa cái đã biết và cái chưa biết, kích thích học sinh tự lực, chủ động và có nhu cầu mong muốn giải quyết vấn đề. Mấu chốt của phương pháp giải quyết vấn đề là tạo ra các tình huống có vấn đề phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh. Tình huống đặt ra nếu quá dễ hoặc quá khó đều không đưa lại sự ham muốn giải quyết vấn đề và vì thế nó không trở thành tình huống có vấn đề.

+ Các bước dạy học giải quyết vấn đề có thể tiến hành như sau:

· Bước 1: Tạo tình huống có vấn đề, nhận biết vấn đề (phân tích tình huống; nhận biết, trình bày vấn đề cần giải quyết).

· Bước 2: Tìm các phương án giải quyết/các giả thuyết; hệ thống hóa, sắp xếp các phương án giải quyết/các giả thuyết; phân tích, đánh giá các phương án; quyết định giải quyết.

· Bước 3: Khẳng định hay bác bỏ các phương án, các giả thuyết đã nêu.

+ Ví dụ: Sử dụng phương pháp dạy học giải quyết vấn đề để dạy mục "Khí hậu châu Phi"

· Đặt vấn đề: Vì sao châu Phi được bao bọc xung quanh bởi các biển và đại dương, nhưng lại là châu lục có khí hậu nóng và khô?

· Giải quyết vấn đề:

Học sinh nêu các giả thuyết về nguyên nhân làm cho khí hậu châu Phi lại nóng và khô: Do vị trí châu Phi nằm ở vĩ độ thấp (đới nóng)? Do châu Phi có kích thước rộng lớn, lục địa dạng hình khối? Do ảnh hưởng của gió mậu dịch và khối khí lục địa khô nóng? …

Giáo viên hướng dẫn học sinh thảo luận. Mỗi học sinh (hoặc nhóm học sinh) nêu lí lẽ để bảo vệ giả thuyết của mình.

Giáo viên cho học sinh quan sát và phân tích bản đồ tự nhiên châu Phi kết hợp với kiến thức đã học tìm ra nguyên nhân làm cho châu Phi có khí hậu khô và nóng (do vị trí, kích thước, địa hình, dòng biển lạnh, gió mậu dịch Đông Bắc, khối khí lục địa …).

· Kết luận: Sự phối hợp tác động của tất cả các nhân tố trên là nguyên nhân làm cho khí hậu châu Phi khô và nóng.

Như vậy, trong dạy học giải quyết vấn đề, giáo viên đưa học sinh vào tình huống có vấn đề rồi giúp HS giải quyết vấn đề đặt ra. Thông qua việc giải quyết vấn đề, học sinh vừa lĩnh hội được kiến thức, kĩ năng; vừa nắm được phương pháp nhận thức, lại vừa phát triển tư duy tích cực, sáng tạo.
Xem thêm