I-Khái quát chung (Atlat trang 26)
- Tây Bắc gồm các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình .
- Đông Bắc gồm các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang và Quảng Ninh .
- Diện tích lớn nhất nước hơn 101 nghìn $km^2$- 30.5% cả nước, số dân hơn 12 triệu người (14,2% cả nước).
1. Vị trí địa lí: (Tại sao nói việc phát huy thế mạnh của Trung du và miền núi Bắc Bộ có ý nghĩa kinh tế lớn và ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc?)
- Giáp Trung Quốc,Thượng Lào, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ ,Vịnh Bắc Bô.
- Có vị trí địa lí đặc biệt,mạng lưới giao thông vận tải đang được đầu tư, nâng cấp nên thuận lợi cho việc giao lưu với các vùng khác trong nước và xây dựng nền kinh tế mở.
a. Ý nghĩa kinh tế:
- Thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng phát triển, tạo sự chuyển dịch cơ cấu của vùng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên (khoáng sản, nông sản, lâm sản)
b. Chính trị: Củng cố khối đoàn kết giữa các dân tộc, bảo vệ an ninh biên giới.
c. Xã hội: Xóa bỏ sự chênh lệch về trình độ phát triển mọi mặt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo sự bình đẳng.
2. Điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội.
a. Tự nhiên:
- Tài nguyên thiên nhiên: đa dạng, có khả năng đa dạng hóa cơ cấu kinh tế.
- Có thế mạnh về công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, thủy điện, nền nông nghiệp nhiệt đới , cận nhiệt và ôn đới, phát triển tổng hợp kinh tế biển và du lịch.
b. Kinh tế- xã hội:
- Thưa dân, mật độ thấp nên hạn chế về thị trường tại chỗ và lao động, nhất là lao động lành nghề.
- Nhiều dân tộc ít người; đồng bào có kinh nghiệm trong lao động sản xuất và chinh phục tự nhiên, tình trạng lạc hậu, du canh du cư …
- Là vùng căn cứ địa cách mạng, có di tích lịch sử Điện Biên Phủ.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật có nhiều tiến bộ. Nhưng còn thiếu đồng bộ, dễ bị xuống cấp.
II-Khai thác, chế biến khoáng sản và thủy điện.
1. Khoáng sản: (Xác định trên bản đồ các mỏ khoáng sản lớn trong vùng và phân tích những thuận lợi, khó khăn trong việc khai thác thế mạnh về tài nguyên khoáng sản của vùng.) Átlat trang 26.
-Thuận lợi: Giàu tài nguyên khoáng sản nhất nước ta:
- Đông Bắc:
+Than: Quảng Ninh,sắt (Yên Bái), thiếc và bôxit (Cao Bằng), Kẽm – chì (Chợ Điền - Bắc Kạn), đồng – vàng (Lào Cai), thiếc ở Tỉnh Túc (Cao Bằng) apatit (Lào Cai).
- Nhiều loại có trữ lượng và giá trị lớn: mỏ than Quảng Ninh có trữ lượng và chất lượng tốt nhất Đông Nam Á.
Hiện nay, sản lượng vượt mức 30 triệu tấn/năm. Thiếc, sản xuất khoảng 1.000 tấn thiếc/năm.
* Khó khăn: Các mỏ nằm sâu, ở những nơi giao thông chưa phát triển nên việc khai thác đòi hỏi phải có phương tiện hiện đại và chi phí cao.
2. Thuỷ điện: ( Hãy phân tích khả năng và hiện trạng phát triển thủy điện của vùng) (Atlat trang 22, 26)
*Khả năng:Trữ năng thủy điện khá lớn: Hệ thống sông Hồng (11 triệu kW- chiếm hơn 1/3 cả nước . Riêng sông Đà gần 6 triệu kW).
* Hiện trạng: Nguồn thủy năng lớn đã và đang được khai thác.
- Các nhà máy thuỷ điện: Thác Bà trên sông Chảy (110 MW), Hòa Bình trên sông Đà (1.920 MW).
- Đang xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La trên sông Đà (2.400 MW), Tuyên Quang trên sông Gâm (342 MW), và nhiều nhà máy thủy điện nhỏ khác.
- Việc phát triển thủy điện sẽ tạo ra động lực mới cho sự phát triển của vùng, nhất là việc khai thác và chế biến khoáng sản trên cơ sở nguồn điện rẻ và dồi dào. Nhưng , cần chú ý đến những thay đổi của môi trường.
III. Trồng và chế biến cây công nghiệp, cây dược liệu, rau quả cận nhiệt và ôn đới. (Hãy phân tích khả năng và hiện trạng phát triển cây công nghiệp (CN) và cây đặc sản của vùng.)
1. Điều kiện phát triển:
- Đất feralit trên đá phiến, đá vôi và các đá mẹ khác, đất phù sa cổ (ở trung du).
- Khí hậu: nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh, phân hóa theo độ cao.
- Người dân có nhiều kinh nghiệm.
2. Hiện trạng phát triển cây CN, cây dược liệu, rau quả cận nhiệt và ôn đới.
a. Cây công nghiệp:
- Là vùng chè lớn nhất cả nước(Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La.) (Atlat trang 26)
- Cây dược liệu (tam thất, đương quy, đỗ trọng, hồi, thảo quả …), các cây ăn quả như mận, đào, lê: vùng núi giáp biên giới của Cao Bằng, Lạng Sơn, vùng núi cao Hoàng Liên Sơn.
- Ở Sa Pa có thể trồng rau ôn đới, sản xuất hạt giống rau quanh năm, trồng hoa xuất khẩu .
- Khả năng mở rộng diện tích và nâng cao năng suất các loại cây trồng của vùng còn rất lớn .
- Việc đẩy mạnh SX cây CN, cây đặc sản cho phép phát triển nền NN hàng hóa, hạn chế nạn du canh, du cư.
b.Khó khăn: Hiện tượng rét đậm, rét hại, sương muối, thiếu nước về mùa đông .
- Cơ sở chế biến còn ít.
IV. Chăn nuôi gia súc. (Hãy phân tích khả năng và hiện trạng phát triển chăn nuôi gia súc lớn của vùng).
1. Điều kiện phát triển:
- Có khí hậu thích hợp,nhiều đồng cỏ, chủ yếu trên các cao nguyên.
- Hoa màu, lương thực dành cho chăn nuôi ngày càng nhiều.
- Nhu cầu tiêu thụ cho các vùng phụ cận lớn.
2. Hiện trạng phát triển chăn nuôi gia súc lớn:
- Bò sữa: cao nguyên Mộc Châu (Sơn La). Đàn bò có 900 nghìn con (16% cả nước- 2005)
- Đàn trâu lớn nhất nước, có 1,7 triệu con ( ½ cả nước).
- Lợn: tăng nhanh, có hơn 5,8 triệu con - 21% đàn lợn cả nước.
* Khó khăn: Vận chuyển sản phẩm chăn nuôi tới vùng tiêu thụ còn khó khăn, các đồng cỏ không lớn và năng suất chưa cao.
V. Kinh tế biển. (Tình hình phát triển kinh tế biển ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ).
- Vùng biển Quảng Ninh giàu tiềm năng, đang phát triển năng động .
- Đánh bắt hải sản (nhất là đánh bắt xa bờ) , nuôi trồng thủy sản.
- Du lịch biển – đảo: quần thể du lịch Hạ Long.
- Cảng Cái Lân, đang được xây dựng và nâng cấp, tạo đà cho sự hình thành khu công nghiệp Cái Lân…
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Tại sao nói việc phát huy các thế mạnh của trung du miền núi Bắc Bộ có ý nghĩa kinh tế lớn và chính trị xã hội sâu sắc?
*Gợi ý:
- Về Kinh tế: góp phần khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn TNTN, cung cấp nguồn năng lượng, khoáng sản, nông sản cho cả nước và xuất khẩu.
- Về Chính trị, Xã hội: nâng cao đời sống nhân dân, xóa bỏ sự cách biệt giữa đồng bằng và miền núi. Đảm bảo sự bình đẳng, củng cố khối đoàn kết giữa các dân tộc. Góp phần giao lưu kinh tế trao đổi với các nước Trung Quốc,
Lào và giữ vững an ninh vùng biên giới.
Đây còn là vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và có di tích lịch sử Điện Biên Phủ.
2. Hãy phân tích khả năng và hiện trạng phát triển cây công nghiệp và cây đặc sản trong vùng?
*Gợi ý:
* Khả năng phát triển:
- Phần lớn là đất feralít trên đá phiến, đá vôi; đất phù sa cổ ở trung du…
- Khí hậu nhiệt đới, ẩm, gió mùa, có mùa đông lạnh: Đông Bắc do ảnh hưởng gió mùa ĐB nên có mùa đông lạnh nhất nước ta, Tây Bắc lạnh do nền địa hình cao.
Thuận lợi phát triển cây có nguồn gốc cận nhiệt & ôn đới.
- Người dân có kinh nghiệm trồng và chăm sóc các loại cây.
* Hiện trạng phát triển:
- Chè: là vùng chuyên canh lớn nhất nước ta, chiếm 60% diện tích & sản lượng cả nước, nổi tiếng ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Giang, Yên Bái.
- Cây dược liệu: quế, tam thất, hồi, đỗ trọng…& cây ăn quả: mận, đào, lê…trồng ở Cao Bằng, Lạng Sơn, dãy Hoàng Liên Sơn.
- Ở Sapa trồng rau vụ đông & sản xuất hạt giống quanh năm.
* Khó khăn: thời tiết thất thường, thiếu nước vào mùa đông ở Tây Bắc, cơ sở chế biến chưa cân xứng thế mạnh của vùng, khả năng mở rộng diện tích & nâng cao năng suất còn rất lớn. Tuy nhiên, việc phát triển cây công nghiệp, cây đặc sản cho phép phát triển nền nông nghiệp hàng hoá đem lại hiệu quả cao, hạn chế nạn du canh, du cư.
3. Hãy phân tích khả năng và hiện trạng phát triển chăn nuôi gia súc lớn của vùng?
*Gợi ý:
* Khả năng phát triển:
Vùng có nhiều đồng cỏ trên các cao nguyên cao 600- 700m. Các đồng cỏ thường không lớn.
Thuận lợi chăn nuôi gia súc lớn (trâu, bò sữa, bò thịt).
- Sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nhu cầu tiêu thụ trong vùng và các vùng lân cận.
* Hiện trạng phát triển:
- Bò sữa nuôi nhiều ở Mộc Châu, Sơn La. Tổng đàn bò 900. 000 con, chiếm 16% đàn bò cả nước
- Trâu được nuôi rộng rải trong vùng, nhất là ở Đông Bắc. Trâu 1,7 tr iệu con, chiếm 1/ 2 đàn trâu cả nước.
* Khó khăn: GTVT chưa phát triển gây khó khăn cho vận chuyển sản phẩm tới nơi tiêu thụ, các đồng cỏ cần cải tạo nâng cao năng suất…
4. Xác định các trung tâm công nghiệp quan trọng của vùng? (có thể dựa vào Atlas- trang Công nghiệp)
*Gợi ý
Tên TTCN
Quy mô (nghìn tỷ đồng)
Cơ cấu ngành
5. Hãy xác định trên bản đồ các mỏ khoáng sản lớn trong vùng và phân tích những thuận lợi và khó khăn trong việc khai thác thế mạnh về tài nguyên khoáng sản của vùng?
* Gợi ý
a) Các mỏ khoáng sản lớn trong vùng:
- Than: Quảnh Ninh, Thái Nguyên, Na Dương.
- Sắt ở Yên Bái.
- Kẽm- chì ở Bắc Kạn.
- Đồng- niken ở Lào Cai, Sơn La.
- Thiếc, bô- xit, mangan ở Cao Bằng.
- Thiếc ở Tĩnh Túc (Cao Bằng).
- Apatid Lào Cai.
b) Thuận lợi:
- Là nơi tập trung hầu hết các loại khoáng sản ở nước ta.
- Nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn và có giá trị: than, sắt, thiếc, apatid, đồng, đá vôi...
c) Khó khăn:
Các vỉa quặng nằm sâu trong lòng đất đòi hỏi phương tiện khai thác hiện đại & chi phí cao, CSHT kém phát triển, thiếu lao động lành nghề…
6. Trung du và miền núi Bắc Bộ có những thế mạnh và hạn chế nào trong việc khai thác, chế biến khoáng sản và thủy điện?
a) Khoáng sản: giàu khoáng sản bậc nhất nước ta, rất phong phú, gồm nhiều loại:
- Than: tập trung vùng Quảng Ninh, Na Dương, Thái Nguyên. Trong đó vùng than Quảng Ninh có trữ lượng lớn nhất và chất lượng tốt nhất Đông Nam Á- trữ lượng thăm dò 3 tỷ tấn, chủ yếu than antraxít. Sản lượng khai thác trên 30 triệu tấn/năm. Than dùng làm nhiên liệu cho các nhà máy luyện kim, nhiệt điện như Uông Bí (150 MW), Uông Bí mở rộng (300MW), Na Dương (110MW), Cẩm Phả (600MW) …
- Sắt ở Yên Bái, kẽm- chì ở Bắc Kạn, đồng- vàng ở Lào Cai, bô- xit ở Cao Bằng.
- Thiếc Tĩnh Túc, sx 1000 tấn/nămà tiêu dùng trong nước & xuất khẩu.
- Apatid Lào Cai, khai thác 600. 000 tấn/năm dùng để sản xuất phân bón.
- Đồng- niken ở Sơn La.
Giàu khoáng sản tạo điều kiện thuận lợi phát triển cơ cấu công nghiệp đa ngành.
* Khó khăn: các vỉa quặng nằm sâu trong lòng đất đòi hỏi phương tiện khai thác hiện đại & chi phí cao, CSHT kém phát triển, thiếu lao động lành nghề…
b) Thuỷ điện: trữ năng lớn nhất nước ta.
- Trữ năng trên sông Hồng chiếm 1/ 3 trữ năng cả nước (11. 000MW), trên sông Đà 6. 000MW.
- Đã xây dựng: nhà máy thuỷ điện Hòa Bình trên sông Đà (1. 900MW), Thác Bà trên sông Chảy 110MW.
- Đang xây dựng thuỷ điện Sơn La trên sông Đà (2. 400MW), Tuyên Quang trên sông Gâm 342MW.
Đây là động lực phát triển cho vùng, nhất là việc khai thác và chế biến khoáng sản, tuy nhiên cần chú ý sự thay đổi môi trường.
* Hạn chế: thủy chế sông ngòi trong vùng phân hóa theo mùa. Điều đó gây ra những khó khăn nhất định cho việc khai thác thủy điện.
CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM CỦNG CỐ
Câu 1. Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ gồm mấy tỉnh?
A. 13. B. 14. C. 15. D. 16
Câu 2. Các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc nước ta là:
A.Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang.
B. Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình.
C. Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái.
D. Sơn La, Điện Biên,Phú Thọ, Hà Giang.
Câu 3. Tỉnh nào sau đây không thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ?
A. Hải Dương. B. Tuyên Quang.
C. Thái Nguyên. D. Hà Giang.
Câu 4. Diện tích tự nhiên của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm diện tích tự nhiên cả nước?
A. 20,5%. B. 30,5%. C. 40,5%. D. 50,5%.
Câu 5. Số dân ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ năm 2006 là hơn:
A. 11 triệu người. B. 12 triệu người.
C. 13 triệu người. D. 14 triệu người.
Câu 6. Ý nào sau đây không đúng với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ?
A. Gốm hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc.
B. Diện tích lớn nhất nước ta ( trên 101 nghìn km²).
C. Chiếm 30,5% số dân cả nước.
D. Gồm có 15 tỉnh.
Câu 7. Trung du và miền núi Bắc Bộ ngày càng thuận lợi cho việc giao lưu với các vùng khác trong nước và xây dựng nền kinh tế mở, nhờ có:
A. Vị trí địa lí đặc biệt.
B. Mạng lưới giao thông vận tải đang được đầu tư, nâng cấp.
C. Nông phẩm nhiệt đới, cận nhiệt và ôn đới.
D. Cả A và B đúng.
Câu 8. Ý nào sau đây không đúng với dân cư-xã hội của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ?
A. Là vùng thứ dân.
B. Có nhiều dân tộc ít người.
C. Cơ sở vật chất kĩ thuật đã có nhiều tiến bộ.
D. Là vùng có căn cứ địa cách mạng.
Câu 9. Mật độ dân số ở miền núi của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là khoảng:
A. 50-100 người/km²
B. 100-150 người/km²
C. 150-200 người/km²
D. 200-250 người/km²
Câu 10. Thế mạnh nào sau đây không phải của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ?
A. Phát triển tổng hợp kinh tế biển và du lịch.
B. Khai thác và chế biến khoáng sản, thủy điện.
C. Chăn nuôi gia cầm (đặc biệt là vịt đàn).
D. Trồng và chế biến cây công nghiệp, cây dược liệu, rau quả cận nhiệt và ôn đới.
Câu 11. Nét đặc trưng về vị trí địa lí của Trung du và miền núi Bắc Bộ là
A. Có cửa ngõ giao lưu với thế giới
B. Giáp hai vùng kinh tế, giáp biển
C. Có biên giới chung với hai nước, giáp biển
D. Giáp Lào, giáp biển
Câu 12. Trung du và miền núi Bắc Bộ là địa bàn cư trú chủ yếu của dân tộc ít người
A. Tày, Ba Na, Hoa.
B. Thái, Vân Kiều, Dao
C. Tày, Nùng, M'nông
D. Tày, Nùng, Mông
Câu 13. Khoáng sản nào sau đây không tập trung nhiều ở Trung du và miền núi Bắc bộ?
A. Sắt.
B. Đồng.
C. Bôxit.
D. Pyrit
Câu 14. Trữ năng thủy điện trên hệ thống sông Hồng chiếm hơn
A. 1/3.
B. 2/3.
C. 1/2
D. 3/4
Câu 15. Trung du và miền núi Bắc Bộ có thế mạnh nổi bật về
A. Luyện kim đen.
B. Luyện kim màu
C. Hóa chất phân bón.
D. Năng lượng
Câu 16. Cây công nghiệp chủ lực của Trung du và miền núi Bắc bộ là
A. Đậu tương.
B. Cà phê.
C. Chè.
D. Thuốc lá
Câu 17. Đàn lợn ở Trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển do
A. Sản phẩm phụ của chế biến thủy sản
B. Sự phong phú của thức ăn trong rừng
C. Nguồn lúa gạo và phụ phẩm của nó
D. Sự phong phú của hoa màu, lương thực
Câu 18. So với cả nước, đàn trâu của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ chiếm khoảng
A. 1/5. B. 2/5. C. 3/5. D. 4/5
Câu 19. Các nhà máy thủy điện đã và đang xây dựng ở Trung du và miền núi Bắc Bộ là
A. Hòa Bình, Thác Bà, Sơn La.
B. Hòa Bình, Thác Bà, Trị An
C. Hòa Bình, Trị An, Sơn La.
D. Đa Nhim, Thác Bà, Sơn La
Câu 20. Nguyên nhân chủ yếu làm cho tài nguyên rừng của Trung du và miền núi Bắc Bộ bị suy thoái là
A. Khí hậu toàn cầu nóng dần lên.
B. Độ dốc của địa hình lớn
C. Lượng mưa ngày càng giảm sút.
D. Nạn du canh, du cư
Câu 21. Sắt tập trung chủ yếu ở
A. Sơn La. B. Yên Bái. C. Lai Châu. D. Cao Bằng
Câu 22. Ở trung du của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, mật độ dân số là (người/km²)
A. 50-100. B. 100-150. C. 150-200. D. 100-300
Câu 23. Trữ năng thủy điện trên sông Đà là khoảng (triệu kw)
A. 11. B. 6. C. 9. D. 7
Câu 24. Đất chiếm phần lớn diện tích của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là
A. Đất phù sa cổ
B. Đất đồi.
C. Đất feralit trên đá vôi.
D. Đất mùn pha cát
Câu 25. Trung du và miền núi Bắc Bộ có kiểu khí hậu
A. Nhiệt đới ẩm gió mùa.
B. Nhiệt đới ẩm giò mùa, mùa đông ấm
C. Nhiệt đới ẩm gió mùa, mùa đông lạnh
D. Cận xích đạo, mùa hạ có mưa phùn
Câu 26. Các đồng cỏ ở Trung du và miền núi Bắc Bộ có độ cao trung bình (m)
A. 500-600. B. 600-700. C. 700-800. D. 500-700
Câu 27. Bò sữa được nuôi nhiều ở
A. Cao Bằng. B. Lai Châu. C. Sơn La. D. Bắc Kạn
Câu 28. Đàn bò của vùng chiếm bao nhiêu phần trăm đàn bò của cả nước (năm 2005)?
A. 16% B. 21% C. 25% D. 19%
Câu 29. Thiết và Bôxit tập trung chủ yếu ở
A. Lào Cai. B. Cao Bằng. C. Yên Bái. D. Lai Châu
Câu 30. Thế mạnh nào sau đây không phải là của Trung du miền núi Bắc Bộ?
A. Phát triển kinh tế biển và du lịch
B. Khai thác, chế biến khoáng sản và thủy điện
C. Phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa, dê, lợn
D. Trồng cây công nghiệp dài ngày điển hình cho vùng nhiệt đới
Câu 31. Vùng biển Quảng Ninh đang đầu tư phát triển
A. Đánh bắt xa bờ. B. Nuôi trồng thủy sản
C. Du lịch biển đảo. D. Tất cả đều đúng
Câu 32. Khó khăn lớn nhất trong việc khai thác khoáng sản ở Trung du và miền núi Bắc Bộ là
A. Đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và công nghệ cao
B. Khoáng sản phân bố rải rác
C. Địa hình dốc, giao thông khó khăn
D. Khí hậu diễn biến thất thường
Câu 33. Ý nghĩa về mặt kinh tế của Trung du miền núi Bắc bộ là
A. Góp phần giải quyết việc làm cho người dân
B. Tạo thêm nguồn lực phát triển cho vùng và cho cả nước
C. Xóa dần sự chênh lệch về mức sống giữa trung du, miền núi với đồng bằng
D. Củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc
Câu 34. Cho các nhận định sau về Trung du và miền núi Bắc Bộ
(1). Là vùng giàu tài nguyên khoáng sản bậc nhất nước ta
(2). Lực lượng lao động dồi dào, có nhiều kinh nghiệm
(3). Chỉ có Sa Pa mới có thể trồng được rau ôn đới
(4). Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái là những vùng nổi tiếng trồng chè
Số nhận định sai là
A. 0. B. 1. C. 2. D. 3
Câu 35. Công nghiệp khai thác và chế biến gỗ phát triển mạnh ở
A. Cao Bằng, Lạng Sơn.
B. Lai Châu, Yên Bái
C. Cao Bằng, Quảng Ninh.
D. Lạng Sơn, Quảng Ninh
Câu 36. Các loại cây dược liệu quý (tam thất, đương quy, đỗ trọng...) trồng nhiều ở
A. Vùng núi cao Hoàng Liên Sơn.
B. Cao Bằng, Lạng Sơn
C. Yên Bái, Lào Cai.
D. Câu A và B đúng
Câu 37. Vùng Tây Bắc có đặc điểm khí hậu khác vùng Đông Bắc là
A. Khí hậu lạnh hơn.
B. Khí hậu ấm và khô hơn
C. Khí hậu mát mẻ, mùa đông nóng.
D. Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa
Câu 38. Sản phẩm chuyên môn hóa chủ yếu ở Quảng Ninh là
A. Thủy điện.
B. Khai thác than, cơ khí
C. Chế biến gỗ, phân bón.
D. Vật liệu xây dựng, khai thác than
Câu 39. Đất hiếm phân bố chủ yếu ở
A. Lào Cai. B. Lai Châu. C. Cao Bằng. D. Yên Bái