Ôn tập một số tác phẩm thơ - Bài: Tây Tiến (Quang Dũng)
Được đăng bởi Ban biên tập    13/09/2017 16:50

Hoàn cảnh sáng tác.

- Tây Tiến là một đơn vị quân đội được thành lập đầu năm 1947, địa bàn hoạt động ở tây Bắc Bộ Việt Nam và biên giới Việt-Lào rồi vòng về qua miền Tây Thanh Hoá

- Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là học sinh, thanh niên Hà Nội. Quang Dũng là đại đội trưởng. Đơn vị Tây Tiến chiến đấu trong hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn về vật chất, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Tuy vậy họ vẫn phơi phới tinh thần lãng mạn anh hùng.

- Quang Dũng tham gia đoàn quân Tây Tiến từ 1947 và ở đó đến cuối 1948 thì chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa được bao lâu, Quang Dũng đã sáng tác bài thơ này. Bài thơ in trong tập Mây Đầu Ô.

Kiến thức cơ bản.

Cảm hứng bao trùm bài thơ Tây Tiến là nỗi nhớ

(1) Nhớ về núi rừng dữ dội hùng vĩ:(Sông Mã xa rồi … mùa em thơm nếp xôi)

- Nhớ những địa danh: Sài Khao, Mường Lát, Mường Hịch...Những địa danh xa lạ, gợi sự xa xôi, hiểm trở.

- Những dốc cao vực sâu:      Dốc lên >< Dốc thăm thẳm

                                                Ngàn thước lên cao >< Ngàn thước xuống

                                                Heo hút cồn mây súng ngửi trời.

Miêu tả ấn tượng, đầy cảm giác và tạo hình nhờ:

+ Từ láy: khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút

+ Câu thơ bẻ đôi gợi hình mái núi

+ Cường điệu : cồn mây- súng ngửi trời, ngàn thước

+ Kết hợp 3 câu mạnh mẽ gân guốc với câu cuối mềm mại “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

- Nhớ những hiểm nguy thường trực cả không gian, thời gian: dùng nhiều âm trắc

+ Chiều chiều oai linh thác gầm thét

+ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

* Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến hiện ra với nhiều nét rất đặc trưng của đời lính.

- Vẫn lạc quan yêu đời: Súng ngửi trời – cách nói vui tếu của lính

- Vẫn lãng mạn hào hoa:

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

- Đón nhận và xem nhẹ cái chết:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời

(2) Nhớ về rừng núi thơ mộng, trữ tình, ấm áp tình dân quân: (Doanh trại … đong đưa)

- Bốn dòng thơ đầu tái hiện những kỉ niệm về tình quân dân thắm thiết trong đêm liên hoan văn nghệ nơi bản làng mà đoàn quân Tây Tiến dừng chân nghỉ. Đoạn thơ đã đem đến cho người đọc ấn tượng về không khí hội hè rộn ràng vui vẻ, cái nhìn chiêm ngưỡng, say sưa mà đa tình của lính Tây Tiến trước vẻ đẹp phương xa xứ lạ (Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa … Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ)

- Bốn câu thơ tiếp: Kỷ niệm buổi chiều chia tay nơi sông nước: gợi chứ không tả, chỉ làm nổi bật linh hồn cảnh vật: đẹp và buồn man mác.

=> Người lính hiện ra với tâm hồn lạc quan, yêu đời của người lính, cốt cách hào hoa phong nhã và một thi tài hiếm có”.

(3) Một tượng đài người lính Tây Tiến bất tử với thời gian (Tây Tiến đoàn binh … độc hành)

- Chân dung rất gân guốc, lạ hoá và phi thường: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc … dữ oai hùm

           + Bắt nguồn từ hiện thực đến từng chi tiết. Không mọc tóc là hậu quả của trận sốt rét rừng. Rồi trải qua nơi rừng thiêng nước độc, gian khổ thiếu thốn, thuốc men không có. Quân xanh màu lá cũng là thực tế hiển nhiên.

           + Bút pháp lãng mạn -> trở thành cách nói mang khẩu khí lính Tây Tiến. Không mọc tóc chứ không phải tóc không thể mọc. Quân xanh màu lá còn là xanh áo lính, xanh lá nguỵ trang. Thế mới xứng với những chữ dữ oai hùm. Đó mới thực là khí phách, tinh thần của đoàn quân.

- Tâm hồn bay bổng rất lãng mạn, mộng mơ: Mắt trừng gửi mộng … dáng kiều thơm

           Tâm tưởng đi về trong mộng ước với dáng hình người đẹp. Dáng kiều thơm gợi vẻ đẹp yêu kiều, thanh lịch, sắc nước hương trời của người thiếu nữ Hà thành – nơi mà ở đó người lính từng sống, từng học tập và cũng là nơi các anh từ giã người thân lên đường đi chiến đấu. Nơi hậu phương ấy trở thành động lực thúc giục người lính quên gian khổ để tiến lên phía trước, vượt qua bom đạn để trở về.

- Lí tưởng, khát vọng của người lính Tây Tiến: Rải rác biên cương …. chẳng tiếc đời xanh

            Đời xanh tuổi trẻ, đời xanh bao mơ ước còn đang phía trước. Nhưng với các anh, còn gì quý hơn Tổ quốc thân yêu, còn gì “quý hơn độc lập tự do”. Vì thế, dù biết rằng đời lính gửi vào đầu súng mũi lê, ra đi không hẹn ngày về , nhưng các anh vẫn chấp nhận ra đi để dâng hiến, để xả thân. Họ chẳng khác nào các vị tướng ngày xưa tung hoành chiến trận. Hai câu thơ như gợi lại hào khí của cha ông ta xưa.

            Hào khí thời đại cũng ùa vào chắp cánh cho hai câu thơ này. Nó gợi cái âm vang của lời thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" (Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi – Nào có sá chi đâu ngày trở về - Ra đi ra đi bảo tồn sông núi – Ra đi ra đi thà chết không lùi…). Tinh thần "nhất khứ bất phục phản" ngàn đời ấy đã trở thành lí tưởng, khát vọng của người chiến sĩ Tây Tiến.

- Sự hi sinh của người lính: Áo bào thay ……khúc độc hành

            Quang Dũng không hề né tránh hiện thực khắc nghiệt, dữ dội. Trên chặng đường hành quân, nhiều người lính không thể vượt qua đã vĩnh viễn gục lên súng mũ bỏ quên đời. Dọc đường Tây Tiến cũng là vô vàn nấm mồ liệt sĩ mọc lên Rải rác biên cương mồ viễn xứ. Tuy nhiên, ấn tượng để lại với người đọc là cái đẹp trong tâm tưởng của họ. Họ đều là những chiến tướng ngày xưa rực rỡ với chiếc áo bào.

           Cái chết đã được sang trọng hoá lên để xứng với ngoại hình, nội tâm và lí tưởng của họ. Về đất là cách nói giảm nhằm thể hiện sự ra đi thanh thản của người lính sau khi làm tròn trách nhiệm người trai. Cái chết của họ như thiêng liêng và động đến cả đất trời: Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Câu trên nhẹ nhàng, thanh thản, kìm nén. Câu dưới dữ dội, gào thét. Tất cả nội lực câu thơ đều dồn xuống từ gầm và gợi ra một âm hưởng thật bi tráng cho đoạn thơ.

           Cả đoạn thơ như một khúc ca mang âm điệu bi tráng về tượng đài người lính Tây Tiến. Những câu thơ với hàng loạt các từ Hán Việt trang trọng, những hình ảnh phi thường đã làm sống lại một thời oanh liệt của dân tộc ta.

* KẾT LUẬN

          Với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa, Quang Dũng đã khắc hoạ thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên cái nền cảnh thiên nhiên núi rừng miền tây hùng vĩ, dữ dội và mĩ lệ. Hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng sẽ còn có sức hấp dẫn lâu dài đối với người đọc.

           Tây Tiến rất tiêu biểu cho hồn thơ và phong cách thơ Quang Dũng.

Câu hỏi ôn tập:

1. Hoàn cảnh sáng tác giúp anh chị hiểu sâu nội dung bài thơ Tây Tiến?

2. Vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc trong bài thơ Tây Tiến (hoặc phân tích một đoạn thơ).

3. Hình tượng người lính Tây Tiến.

Xem thêm