Nguồn gốc của ngày giỗ tổ Hùng Vương
Được đăng bởi Ban biên tập    12/04/2019 12:01

Nguồn gốc ngày giỗ tổ
            Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, thời Hậu Lê và Lĩnh Nam trích quái (góp nhặt chuyện lạ đất Lĩnh Nam) của Trần Thế Pháp, tạm giản lược nguồn gốc dân Việt như sau:

Cháu ba đời Thần Nông là Đế Minh đi chơi phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh cưới Vụ Tiên, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục làm vua, xưng hiệu Kinh Dương Vương, cai trị từ núi Ngũ Lĩnh xuống phương Nam (gọi là đất Lĩnh Nam). Kinh Dương Vương xuống chơi thủy phủ, cưới Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm thay cha trị nước, xưng hiệu Lạc Long Quân, rồi cưới Âu Cơ sinh ra một bọc nở thành trăm con. Con trưởng lên làm vua, xưng hiệu Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang. Cha truyền con nối 18 đời, đều xưng hiệu Hùng Vương.

Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.

Mốc thời gian liên quan

Cách nay hơn 2000 năm, dưới thời Thục Phán – An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”.

Trong ngọc phả Hùng Vương soạn đời Hồng Đức năm thứ nhất (1470), từ thời Nhà Đinh, Lê, Lý, Trần và Hậu Lê có ghi lại việc thờ cúng ở làng Cổ Tích, xã Hy Cương. Những ruộng đất, sưu thuế được để lại dùng vào việc cúng tế và nhân dân các vùng của đất nước đều đến lễ để tưởng nhớ các "đấng thánh tổ ngày xưa". Đồng thời cũng từ Hồng Đức hội đền Hùng được "gia hạn quốc tế", việc tế lễ do Nhà nước chủ trì ủy quyền cho quan trấn thay mặt triều đình vào tế.

Thời Minh Mạng, bài vị thờ Hùng Vương được rước vào Huế thờ ở miếu Lịch Đại Đế Vương, còn ở đền Hùng thì cấp sắc để phụng thờ.

Năm Tự Đức thứ 27 (1874), lễ hội đền Hùng mới cho khôi phục như cũ và cho xây lăng Hùng Vương ngay cạnh đền Thượng.

Thời Nguyễn năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày Quốc tế (quốc lễ, quốc giỗ) và Giỗ Tổ Hùng Vương được chính thức hóa bằng luật pháp.

Sau cách mạng tháng Tám, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL - CTN cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.

Năm 1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng có chỉ thị về việc tổ chức các ngày lễ lớn trong năm, trong đó có tổ chức giỗ tổ Hùng Vương.

Ngày 26/7/1999, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 11-NQ/TW về tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2000, trong đó có giỗ tổ Hùng Vương.

Năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP về nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức ngày giỗ tổ Hùng Vương. Theo đó, ngày giỗ tổ Hùng Vương (ngày 10 tháng 3 âm lịch) được xác định là một trong 6 ngày lễ lớn của cả nước.

Ngày 9/2/2004, Bộ Chính trị (khoá 9) ra Nghị quyết số 35-NQ/TW, tiếp tục khẳng định giỗ tổ Hùng Vương là một trong những sự kiện trọng đại của đất nước năm 2005.

Ngày 23/3/2007 Quốc hội đã thông qua nghị quyết bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 73 của bộ luật Lao động, quy định người lao động nghỉ một ngày vào lễ giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) nhưng vẫn hưởng nguyên lương. Luật mới được áp dụng từ ngày giỗ tổ 10/3 âm lịch năm 2007.

Ngày 6/12/2012, ngày giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nghi thức giỗ tổ

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong cả nước hiện có 1.417 di tích thờ vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương.

Trong văn bản hướng dẫn nghi thức tưởng niệm các vua Hùng có ghi rõ, hàng năm, lễ giỗ tổ sẽ được tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch với lễ phẩm gồm 18 chiếc bánh chưng bọc lá dong tươi, buộc lạt màu đỏ; 18 chiếc bánh dày có dán chữ phúc và hương hoa; trầu cau; rượu nước; ngũ quả.

Tài liệu tham khảo

https://vov.vn/doi-song/nguon-goc-y-nghia-va-viec-to-chuc-cung-le-ngay-gio-to-hung-vuong-609959.vov

https://vtc.vn/lich-su-va-y-nghia-ngay-gio-to-hung-vuong-d395135.html

http://www.baogiaothong.vn/lich-su-y-nghia-ngay-gio-to-hung-vuong-d201381.html

http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/18030/gio-to-hung-vuong-nien-bieu-va-su-kien.html

https://baodautu.vn/lich-su-y-nghia-ngay-gio-to-hung-vuong-d19278.html

Xem thêm