Ngày truyền thống học sinh - sinh viên
Được đăng bởi Ban biên tập    17/01/2020 14:14



Lịch sử ngày học sinh - sinh viên

Tháng 2/1950 tại Việt Bắc, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất đã quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm là Ngày truyền thống học sinh - sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam.

Những mốc thời gian liên quan

Sau cách mạng Tháng Tám, lực lượng học sinh, sinh viên Việt Nam tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện 3 nhiệm vụ: Diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm.

Từ năm 1947 đến 1949, Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến được thành lập ở các địa phương như Sài Gòn, Huế, Hà Nội. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến rất phong phú và đa dạng, lan rộng cả khu vực Đông Dương.

Ngày 9/11/1949, học sinh Huế bãi khóa.

Ngày 22/11/1949, học sinh Sài Gòn bí mật vận động kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và đề xướng phản đối việc bắt nữ sinh Huế, đồng thời yêu sách cải tổ chính sách giáo dục.

Ngày 9/1/1950, Đoàn thanh niên Cứu Quốc và Đoàn học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn đã vận động trên 10.000 người, trong đó đông nhất là học sinh sinh viên xuống đường. Anh Trần Văn Ơn, 19 tuổi đã bị trúng đạn của kẻ thù và hy sinh. Đám tang của anh đã trở thành cuộc biểu tình của hàng vạn người.

Tiểu sử Trần Văn Ơn

Trần Văn Ơn sinh ngày 14/4/1931 tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Thuở nhỏ, anh học tiểu học ở thị xã Mỹ Tho, sau đó cùng gia đình chuyển lên Sài Gòn ngụ tại khu vực Hòa Hưng.

Tháng 8/1945, anh thi đậu vào lớp năm thứ nhất, bậc cao đẳng tiểu học tại Trường Pétrus Ký. Năm học 1948-1949, anh học xong năm thứ ba bậc cao tiểu và thi vượt lớp đỗ bằng đệ nhất cấp Pháp. Đến năm học 1949-1950, khi lên lớp năm thứ tư cao tiểu thì Trần Văn Ơn được đặc cách lên lớp Ban tú tài.

Từ năm 1947, anh tham gia vào phong trào học sinh yêu nước của trường, tham gia Hội học sinh sinh viên Việt Nam -  Nam Bộ. Anh là hội viên mật của Đoàn học sinh kháng chiến nội thành, đồng thời nhận nhiệm vụ tuyên truyền, vận động học sinh trong trường tham gia vào các hoạt động chống Pháp. Anh cũng là cột trụ của phong trào học sinh yêu nước của Trường Pétrus Ký.

Nguồntham khảo

http://thtranvanon.bentre.edu.vn

http://www.baclieu.gov.vn

https://backan.gov.vn

http://tinhdoanbacninh.gov.vn

Xem thêm