Ngày Nam bộ kháng chiến
Được đăng bởi Ban biên tập    20/09/2019 09:45

Lịch sử ngày Nam bộ kháng chiến

Ngày 2/9/1945, khoảng 50.000 người dân đang tham dự mít tinh mừng ngày Quốc khánh tại Sài Gòn thì bị lính Pháp tấn công làm gần 50 người chết và nhiều người bị thương.

Với sự tiếp tay của Phái bộ Anh, hàng nghìn lính Pháp đã tỏa ra đường phố Sài Gòn để khiêu khích, gây rối. Phái bộ Anh đòi Việt Minh phải giải tán lực lượng dân quân, tự vệ để họ quản lý cảng Sài Gòn, xưởng Ba Son và buộc chính quyền Việt Nam phải rút hết lực lượng vũ trang ra ngoài thành phố, rời khỏi trụ sở UBND Nam Bộ và trao lại cho quân Pháp.

Sau khi tập hợp được hơn 4.000 lính có vũ trang và khoảng 5.000 quân Nhật, đêm 22/9/1945, quân Pháp nổ súng tấn công trụ sở UBND Nam Bộ, trụ sở Quốc gia tự vệ, bưu điện, nhà đèn, đài phát thanh… bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

Sáng 23/9/1945, Xứ ủy, UBND, Ủy ban Kháng chiến và đại diện Tổng bộ Việt Minh đã tổ chức hội nghị liên tịch và nhất trí phát động kháng chiến, hiệu triệu quân dân Nam Bộ chống Pháp, từ đó, ngày 23/9 trở thành ngày Nam bộ kháng chiến.

Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam bộ, quân dân Sài Gòn đã anh dũng đánh trả, kìm giữ quân Pháp để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ.

Diễn biến

Đêm 22/9/1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm các trụ sở của chính quyền cách mạng tại Sài Gòn, các đơn vị vũ trang của chính quyền cách mạng đã đánh trả địch đến rạng sáng 23/9/1945.

Chiều 23/9/1945, nhiều công sở, xí nghiệp, cửa hàng tại Sài Gòn đều đóng cửa, nhiều chướng ngại vật mọc trên các nẻo đường. Các đơn vị xung phong, Công đoàn và Thanh niên tiền phong chiếm lĩnh vị trí chiến đấu đánh trả quân địch.

Sau khi Ủy ban Kháng chiến Nam bộ phát "Lời kêu gọi kháng chiến", quân dân Nam Bộ liên tiếp đánh địch tại các khu vực như Tân Định, Cầu Muối, cầu Lái thiêu, cầu chữ Y... bên cạnh đó, nhân dân Sài Gòn còn thực hiện chiến lược bất hợp tác với phương châm “thành phố không điện, không nước, không chợ” gây khó khăn cho quân Pháp.

Quân dân Sài Gòn đã hình thành 4 mặt trận bao vây nội đô gồm: Mặt trận Thị Nghè; Bà Điểm - Tham Lương; Phú lâm; Nhà Bè - Cần Giuộc...

Thực hiện phương châm "Trong đánh ngoài vây", tại nội thành Sài Gòn, chỉ có 320 đội tự vệ chiến đấu và một số tiểu đoàn Cộng hòa vệ binh tuần tra canh gác công sở.

Tuy mới hình thành, tổ chức còn phân tán, trang bị vũ khí thô sơ nhưng các đơn vị vũ trang đã cùng nhân đã vây hãm đội quân viễn chinh Pháp trong thời gian hơn một tháng.

Tài liệu tham khảo

http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3097/61816/ngay-nam-bo-khang-chien-23-9-1945.html

http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/ky-niem-72-nam-ngay-nam-bo-khang-chien-23-9-1945-23-9-2017-100644.html

http://baobinhduong.vn/nam-bo-khang-chien-vang-mai-khuc-trang-ca-a188344.html

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Luan-ban-Hanh-dong/808469/tinh-than-nam-bo-khang-chien-co-vu-toan-dan-toc

http://baolongan.vn/nam-bo-khang-chien-trang-su-hao-hung-a43288.html


Xem thêm