Lịch sử ngày giải phóng thủ đô
Ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội đã chia thành nhiều cánh quân tiến vào thủ đô, từ đó, ngày 10/10 được coi là ngày giải phóng thủ đô.
Ngoài tên gọi ngày giải phóng thủ đô, ngày 10/10 còn được gọi là ngày tiếp quản vì khi tiếp nhận không xảy ra giao tranh giữa 2 bên mà tiếp nhận trong hòa bình.
Công việc chuyển giao diễn ra trước sự chứng kiến của Ủy ban Quốc tế kiểm soát đình chiến ở Đông Dương gồm đại diện của 3 quốc gia là Ấn Độ, Ca-na-đa và Ba Lan theo tinh thần của Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Việc tiếp quản không xảy ra giao tranh vì đây là kết quả của cuộc kháng chiến trường kì trong thời gian 9 năm của nhân dân Việt Nam.
Chi tiết
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, thực dân Pháp đã gây hấn và phát động chiến tranh trong cả nước. Gần một thập kỉ kháng chiến, các hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày 30/9/1954 và ngày 2/10/1954 tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương. Chính phủ Việt Nam đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản.
Sáng 8/10/1954, các đơn vị quân đội chia thành nhiều đường tiến vào ngoại thành, đến 16 giờ 30 phút thì tới đường Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy, Nhật Tân.
Sáng 9/10/1954, các đơn vị tiền trạm từ ngoại thành vào nội thành theo nhiều đường, tiến vào năm cửa ô chính, từ đó tỏa đi tiếp quản ga Hàng Cỏ, Phủ toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu hồ Hoàn Kiếm, Bắc Bộ Phủ…
16h ngày 9/10/1954, quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, rút sang phía Bắc cầu Long Biên. Đến 16 giờ 30, quân đội Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội.
Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn tiến vào trung tâm Hà Nội. Hàng vạn người dân Hà Nội đổ ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng.
Tài liệu tham khảo
https://www.nhandan.com.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/24500202-nho-ngay-giai-phong-thu-do.html
https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/lich-su-ngay-giai-phong-thu-do-10101954-3901955-c.html