Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam
Được đăng bởi Ban biên tập    14/06/2019 12:01

Cột mốc ra đời Ngày Báo chí

Theo Quyết định số 52-QĐ/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2.1985) lấy ngày 21.6 hàng năm là Ngày Báo chí Việt Nam nhằm kỷ niệm, tri ân sự cống hiến của các nhà báo.

Lịch sử khai sinh ngày báo chí Việt Nam

Ngày 21.6.1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo Thanh niên (cơ quan của tổ chức Thanh niên Cách mạng Việt Nam) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên, khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Thanh niên là tờ báo xuất bản bí mật, không hợp pháp, được viết bằng chữ quốc ngữ trên giấy sáp, in bằng bàn in tay. Nguyễn Ái Quốc vừa là Tổng Biên tập, vừa trực tiếp viết tin bài cho 88 số báo và mở lớp đào tạo 300 học viên.

Thời gian đầu, Thanh niên ra mỗi tuần/kỳ trên 100 bản, sau đó các số báo ra cách nhau từ 3- 5 tuần, khổ báo có kích thước bằng 13 x 19 cm.

Nội dung chính của báo Thanh Niên gồm:

Vạch rõ mâu thuẫn giữa dân tộc ta và các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc là không thể điều hòa được.

Khẳng định con đường của cách mạng Việt Nam.

Lực lượng cách mạng là toàn dân, lấy công nông làm nền tảng.

Người cách mạng phải hy sinh vì sự nghiệp, và phải có phương pháp cách mạng đúng.

Cần có Đảng Cộng sản lãnh đạo và tổ chức quần chúng cách mạng.

Cách mạng Việt Nam đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười mới giành thắng lợi..

Những kỉ lục trong lịch sử báo chí Việt Nam

Tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt là Gia Định báo, xuất bản ở Gia Định, số đầu tiên ra ngày 15.4.1865.

Tờ báo phụ nữ đầu tiên là Nữ giới chung (Tiếng chuông của phụ nữ) xuất bản ở Sài Gòn, số đầu tiên ra ngày 1.2.1918.

Tờ báo kinh tế đầu tiên là Tuần báo Nông cổ mín đàm (nghĩa là bàn chuyện canh nông và thương mãi) khổ 27 x 20 cm, 8 trang, xuất bản số đầu tiên vào ngày 1.8.1901.

Tờ báo song ngữ đầu tiên là Đại Việt Tân Báo gồm chữ Quốc ngữ và chữ Hán, xuất bản số đầu tiên vào năm 1905.

Trung Bắc Tân Văn sau 4 năm thành lập đã tăng tần số phát hành và trở thành nhật báo đầu tiên của VIệt Nam từ tháng 1.1919.

Tờ báo cách mạng đầu tiên là Tuần báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, số đầu tiên ra mắt bạn đọc ngày 21.6.1925.

Tờ báo tôn giáo đầu tiên là Pháp Âm do Thượng tọa Thích Khánh Hòa làm chủ biên, số đầu tiên ra ngày 13.8.1929.

Tờ báo hài đầu tiên là Duy Tân, xuất bản tại Hà Nội năm 1931.

Tờ báo khoa học kỹ thuật đầu tiên là Khoa học tạp chí, do Ông Nguyễn Công Tiễu sáng lập và làm chủ bút, xuất bản tại Hà Nội, ra số đầu tiên vào ngày 1.7.1931.

Tờ báo văn học đầu tiên là Nam Phong tạp chí xuất bản tại Hà Nội, ra mỗi tháng 1 kỳ, khổ 19 x 28 cm, phát hành số đầu tiên vào tháng 7.1917.

Tờ báo đầu tiên của trẻ em là Cậu ấm cô chiêu, khổ 19 x 30 cm, phát hành số đầu tiên vào ngày 8.5.1935.

Tài liệu tham khảo

http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201506/huong-toi-ky-niem-90-nam-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-21-6-1925-2015-lich-su-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-2271756/

http://btlsqsvn.org.vn/Relic/bai-viet/noi-ra-doi-to-bao-cach-mang-dau-tien-cua-viet-nam-5100

http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3097/18263/nhung-cai-nhat-cua-bao-chi-viet-nam.html

http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/36747102-ky-niem-93-nam-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam.html

 

Xem thêm