Một Số Mẹo Nâng Cao Khả Năng Đọc Hiểu Tiếng Anh
Được đăng bởi Trần Thị Ngân Giang    10/04/2019 09:47


1. Đừng nói thầm


Đây là thói quen đầu tiên ta cần loại bỏ khi đọc hiểu văn bản. Nói thầm là thói quen của chúng ta khi đọc bất cứ văn bản nào, dù là tiếng Anh hay tiếng Việt. Thường khi đọc văn bản, trong đầu chúng ta rất hay tự phát ra âm tiết của con chữ mà chúng ta nhìn vào. Sở dĩ như vậy là vì lối đọc văn bản truyền thống đã dạy chúng ta rằng nếu phát thầm những âm tiết lên chúng ta sẽ đọc nhanh hơn. Nhưng thực ra làm như vậy tiêu tốn rất nhiều năng lượng của não bộ mà không giúp được gì nhiều, vì ta phải thầm phát âm từng tiếng một.

Có 2 giải pháp cho vấn đề này:

Cách thứ nhất là đọc to văn bản lên. Tức là khi nào có mong muốn phát thầm âm tiết thì chúng ta hãy đọc to chúng lên. Làm như vậy sẽ rèn luyện được kỹ năng phát âm và kỹ năng nghe dù ban đầu chúng ta có thể phát âm sai. Khi nào thanh quản mệt rồi thì tự khắc chúng ta sẽ quen với nhịp điệu của câu và không còn mong muốn đọc thầm nữa.

Cách thứ hai là loại bỏ âm tiết thầm bằng ý thức của mình. Thay vì phát thầm âm tiết lên thì chúng ta không chú ý tới âm nữa mà để tâm vào nghĩa của chữ cái và văn bản. Thực tế dưới góc độ tiếp nhận thông tin, chúng ta tiếp thu chữ cái bằng mắt và xử lý bằng não bộ nhằm xác định ý nghĩa của văn bản, chứ không cần sử dụng thanh quản để phát âm lên. Nếu làm được điều này thì ta sẽ không tốn thời gian phát lên âm tiết mà vẫn hiểu được ý nghĩa của văn bản.

2. Loại bỏ những âm thanh bạn phân tâm

Nhiễu hay còn gọi là tiếng ồn, là bất cứ loại thông tin xuất hiện trong môi trường người đọc, khiến cho việc tiếp nhận thông tin từ văn bản khó khăn hơn. Bất cứ loại tiếng ồn nào cũng làm người đọc rất khó tập trung.

Giải pháp cho vấn đề này là:

- Thứ nhất: Hãy tìm kiếm một môi trường yên tĩnh cho việc đọc, tránh phân tâm. Dành khoảng thời gian tương đối cho việc đọc, nhưng cần đọc nghiêm túc.

- Thứ hai: Sử dụng tai nghe khi đọc. Tai nghe có thể phát ra nhạc hay âm thanh nào tạo cảm hứng cho việc học và cách ly được tiếng ồn bên ngoài. Tuy nhiên cần thận trọng khi dùng cách này vì có thể chính âm thanh ấy sẽ gây phân tâm cho việc đọc. Nên nghe các loại âm thanh hay nhạc không lời, không chứa nội dung hay thông điệp cụ thể nào, để não bộ không phải tiếp nhận và xử lý thông tin từ đó.  

3. Đừng đọc từng từ một

Đọc từng từ một (word by word) là thói quen đọc văn bản nhằm nắm lấy ý nghĩa của từ trong văn bản đó rồi suy ra nghĩa của toàn bộ câu. Trên thực tế cách đọc này gây mất thời gian và công sức của người đọc, vì phải làm sáng tỏ nghĩa của từng từ một trước khi đi vào làm rõ nghĩa cả câu. Chỉ nên đọc từng từ một với những văn bản đòi hỏi sự chính xác từng câu từng chữ như văn bản luật pháp, hợp đồng, các văn bản giao dịch.

Cách giải quyết vấn đề này là “mở rộng mắt ra” khi đọc. Tức là thay vì chú ý tới từng từ mới một thì chúng ta hãy chú ý tới cả cụm từ hay cả câu. Sở dĩ như vậy vì mắt chúng ta thường bao quát một không gian lớn trong văn bản, nếu chỉ chú ý vào một từ thì tự ta sẽ làm hẹp tầm bao quát của mắt. Nếu như gặp từ mới và nhất thiết phải hiểu nghĩa của nó, chúng ta nên sử dụng các phần mềm như Just click and see để hiểu ngắn gọn nội dung chính của từ đó, đặt trong bối cảnh của câu. Không nên sa đà vào một từ mới, bởi mỗi từ mới đều chỉ có nghĩa khi ta đặt nó vào bối cảnh của văn bản. 

4. Đừng níu từ

Níu từ là cách mình gọi để chỉ việc phải quay lại một từ nào đó trong khi đọc, nhằm hiểu toàn bộ nội dung câu. Thói quen này có liên quan tới thói quen đọc từng chữ một ở chỗ người đọc phải phụ thuộc vào việc hiểu một chữ để hiểu toàn văn. Thực tế thì ngay cả trong văn bản tiếng Việt, chúng ta vẫn thường làm như thế. Tưởng chừng như việc này có thể giúp ta hiểu văn bản nhanh hơn, nhưng lại làm giảm tốc độ đọc cũng như phá vỡ quy trình đọc của chúng ta, làm loãng cấu trúc câu mà ta đã tiếp nhận.

Giải pháp thứ nhất cho vấn đề này là thay đổi quy trình đọc thẳng truyền thống. Tức là thay vì bắt đầu đọc từ chữ đầu tiên tới chữ cuối cùng, chúng ta hãy đi thẳng vào những từ khóa (keywords) trong câu, từ đó suy rộng ra nghĩa của toàn bộ câu. Làm như vậy sẽ tránh phải đọc quá nhiều chữ mà vẫn nắm được ý của câu. Việc tập trung làm rõ nghĩa của những từ khóa đòi hỏi phải suy đoán nhiều, nên cách đọc này phù hợp với những người có khả năng khái quát tốt.

Giải pháp thứ hai là hãy tập đọc thẳng từ đầu đến cuối, đừng níu chữ. Có thể chúng ta sẽ không hiểu đôi ba chỗ trong văn bản và cảm thấy mơ hồ, nhưng sẽ gìn giữ được cấu trúc câu mà mình đã tiếp nhận. Để hiểu được ý nghĩa câu thì việc nắm bắt được cấu trúc câu là rất quan trọng. Riêng với những từ chưa hiểu, hãy dành một chút thời gian để não bộ xử lý chúng, dần dần tự khắc chúng ta sẽ hiểu được từ đó trong bối cảnh của cả câu. Trong trường hợp nhất thiết phải dùng từ điển thì áp dụng phương pháp như ở phần “đọc từng từ một”.


Xem thêm