Một số lưu ý để bài văn nghị luận đạt điểm cao
Được đăng bởi Ban biên tập    08/11/2017 11:17

- Cần xác định đúng vấn đề phải bàn luận và dạng văn nghị luận.

- Các luận điểm rõ ràng. Để làm được vậy, thân bài cần tách thành 3 – 4 đoạn, luận điểm nên đặt ở đầu đoạn văn. Cách đơn giản nhất là thể hiện luận điểm bằng những câu hỏi. Chẳng hạn: trước hết, chúng ta cần phải hiểu câu nói có ý nghĩa gì? Tại sao nói như vậy? Hậu quả của thực trạng này là gì? Thực trạng trên bắt nguồn từ những nguyên nhân nào? Giải pháp nào cần thiết để khắc phục tình trạng nêu trên? ...

- Viết đúng độ dài mà đề bài đã yêu cầu. Viết ngắn thì bài viết sẽ không đủ ý, còn viết dài sẽ sa vào lan man, không còn thời gian để làm những câu khác.

- Nên đọc sách báo nhiều để nắm được các vấn đề thời sự, các tấm gương về nghị lực, ý chí, lòng kiên trì, vị tha... trong cuộc sống.

Một số đề bài và dàn bài tham khảo thêm

1. Đề bài: Biết nhận khuyết điểm và sửa chữa sai lầm là một hành vi hướng thiện, trốn tránh hay ngụy biện cho khuyết điểm, sai lầm là dấu hiệu của sự thoái hóa về đạo đức. Anh/ chị hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Dàn bài

* Giải thích

- Khuyết điểm, sai lầm là những thiếu sót, những lỗi lầm mà con người mắc phải, có thể là những sai lầm nhỏ, cũng có thể là những sai lầm rất lớn. Có thể do vô tình mà mắc phải cũng có thể do những phút yếu lòng, những sai lầm trong tư tưởng mà mắc phải.

- Hướng thiện là hướng tới những điều tốt đẹp, biết nhận ra và sửa chữa sai lầm, khuyết điễm là biết chiến thắng bản thân để hoàn thiện mình.

- Trốn tránh hay ngụy biện là không dám thừa nhận hay đưa ra những lí lẽ giả dối đế che đậy. Những hành vi ấy chỉ khiến con người dấn dâu vào khuyết điểm, sai lầm và dần dần trở thành tha hóa, biến chất.

Ý kiến trên khuyên người ta phải dũng cảm thừa nhận những khuyết điểm, sai lầm của mình để hoàn thiện bản thân.

* Bàn luận

- Khuyết điểm, sai lầm là những điều khó tránh khỏi trong cuộc sống. Có khi chỉ gây ành hưởng nhỏ đến bản thân nhưng có khi nó lại gây hậu quả lớn thậm chí còn nguy hại đối với xã hội.

- Cần biết nhìn nhận lại chính bản thân, nghiêm khắc đối diện với những khuyết điểm, sai lầm của mình để bản thân ngày càng tiến bộ, rút ra những kinh nghiệm để không lặp lại những sai lầm, khuyết điểm này. Từ đó, nhân cách con người sẽ trở nên cao quý hơn, xã hội sẽ tốt đẹp hơn.

- Trốn tránh, ngụy biện cho những khuyết điểm, sai lầm sẽ nguy hại cho xã hội, làm thoái hóa biến chất nhân cách, con người sẽ trở nên ích kỉ, hèn nhát hoặc trở nên xảo trá, đáng khinh bỉ.

- Xã hội luôn khoan hồng, độ lượng với những người biết nhận khuyết điểm, sửa chữa sai lầm. Mặt khác, các quy định về đạo đức, pháp luật là để trừng trị, răn đe những người chỉ biết cái sai của mình mà không chịu sửa chữa, thay đổi.

* Bài học về nhận thức và hành động

Biết nhìn nhận, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm là thái độ và hành động cần có của người có nhân cách.

Luôn biết đấu tranh bản thân cũng như đấu tranh và góp ý trước những sai lầm, khuyết điểm của người khác để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

---------

2. Đề bài: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: “Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là một việc phải nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ.”

Dàn bài

* Giải thích

- Điều phải: điều đúng, điều tốt, đúng với lẽ phải, đúng với quy luật, tốt với xã hội, với mọi người, với Tổ quốc, với dân tộc.

- Điều trái: việc làm sai trái, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và bị đánh giá tiêu cực.

- Nhỏ: mang tầm vóc nhỏ, diễn ra hàng ngày, xung quanh, có thể ít ai để ý. Lời dạy của Bác có ý nghĩa: đối với điều phải, dù nhỏ, chúng ta phải cố hết sức làm cho kì được, tuyệt đối không được có thái độ coi thường những điều nhỏ. Bác cũng khuyên đối với điều trái nhỏ phải hết sức tránh, tuyệt đối không làm.

* Phân tích

- Vì sao điều phải chúng ta phải cố làm cho kì được, dù là nhỏ?

Vì việc làm phản ánh đạo đức của con người. Nhiều việc nhỏ hợp lại sẽ thành việc lớn.

- Vì sao việc trái lại phải tránh, dù là nhỏ?

Vì tất cả đều có hại cho mình và cho người khác. Làm điều trái, điều xấu sẽ trở thành thói quen.

* Bàn luận, mở rộng

- Tác dụng của lời dạy: nhận thức, soi đường đặc biệt cho thế hệ trẻ.

- Phê phán những việc làm vô ý thức, thiếu trách nhiệm.

* Bài học và liên hệ bản thân     

- Lời dạy định hướng cho chúng ta thái độ đúng đắn trong hành động để làm chủ cuộc sống, để thành công và đạt ước vọng.

- Liên hệ bản thân.

--------

 3. Đề bài:Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: Tự hào dân tộc không phải là việc vỗ ngực xưng tên, xem nhẹ các nền văn hóa khác mà là thể hiện bản sắc người Việt trong bối cảnh quốc tế.

Dàn bài

* Yêu cầu về hình thức

Viết đúng yêu cầu một đoạn văn nghị luận ngắn khoảng 200 chữ. Yêu cầu trình bày rõ ràng mạch lạc, không mắc lỗi chính tả dùng từ đặt câu...

* Yêu cầu về nội dung

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các nội dung sau:

Giải thích ngắn gọn khái niệm tự hào dân tộc: Đó là thái độ ngưỡng mộ, trân trọng, sự tự tôn trước những vẻ đẹp trong bản sắc văn hoá dân tộc. Tự hào dân tộc là biểu hiện của tình yêu đất nước, ý thức trách nhiệm công dân đối với đất nước...

* Bàn luận

Khẳng định ý kiến trên là hoàn toàn đúng đắn bởi lẽ:

Tự hào dân tộc không phải là sự tự tôn mù quáng đề cao văn hoá dân tộc mình mà hạ thấp văn hoá các dân tộc khác.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần hoà nhập để thể hiện bản sắc văn hoá nhưng không hoà tan và luôn có ý thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam.

Cần nhận thức sâu sắc và đầy đủ về văn hoá dân tộc, những nét đẹp và cả những điểm hạn chế, phát huy nét đẹp và loại trừ những hủ tục lạc hậu, thói quen xấu...

Phê phán những người quay lưng lại với văn hoá dân tộc, bài xích, xem thường văn hoá cha ông, chạy theo lối sống lai căng, học đòi, sùng ngoại...

* Bài học nhận thức hành động

 Mỗi cá nhân cần có những hành động thiết thực, trực tiếp để thể hiện niềm tự hào dân tộc.

------------

4. Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến: Sau này con có trở thành bất cứ ai trên cuộc đời này, làm bất cứ công việc gì thì cũng làm việc một cách tử tế, ứng xử với bản thân, với gia đình, bạn bè, những người xung quanh, với cộng đồng và thậm chí là với cả trái đất này một cách tử tế!

Dàn bài

*Yêu cầu về hình thức

Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận: Có câu mở đoạn, các câu phát triển ý và câu kết đoạn. Đảm bảo số lượng chữ phù hợp với yêu cầu (khoảng 200 chữ), không quá dài hoặc quá ngắn. Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

* Yêu cầu về nội dung

* Giải thích

- Tử tế: Đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi mà lệ thường phải có để được coi trọng, có lòng tốt trong đối xử.

- Làm việc tử tế:

+ Việc tử tế: Không nhất thiết phải là những việc to tát, sang trọng mà có khi chỉ là những việc nhỏ bé, bình thường nhưng là những việc tốt, có ý nghĩa.

+ Cách làm tử tế: Có trách nhiệm đối với việc mình làm.

- Ứng xử tử tế:

+ Ứng xử có trách nhiệm, có văn hóa.

+ Trong mọi mối quan hệ, kể cả với bản thân, với trái đất.

- Nội dung ý kiến: Sau này con có thể trở thành bất cứ ai (thành vĩ nhân hay chỉ là thường dân), có thể làm việc gì (việc lớn lao hay việc nhỏ bé) không quan trọng. Quan trọng là phải tử tế, làm việc tử tế, ứng xử tử tế.

* Phân tích, bình luận

- Nêu và phân tích những biểu hiện của việc tử tế và những người tử tế.

- Tương lai là những gì sẽ diễn ra ở phía trước mà con người khó lường hết được. Vì vậy người ta thường lo lắng và chuẩn bị chu đáo hành trang cho tương lai.

- Bằng kinh nghiệm của những người đi trước, trách nhiệm đối với thế hệ sau, mong ước trên của bậc phụ huynh là rất đáng trân trọng. Đó là ý kiến đúng đắn, sâu sắc và có trách nhiệm.

+ Trước hết, đáp ứng được thực tế: "ứng vạn biến" (có thể trở thành bất cứ ai, làm bất cứ việc gì).

+ Sau nữa nó đảm bảo được chân lí "dĩ bất biến", có thể giúp con người trưởng thành, vững vàng trong mọi tình huống thử thách (làm việc tử tế, ứng xử tử tế). Dù xét ở góc độ nào đi nữa thì làm việc tử tế, ứng xử tử tế vẫn phải là thước đo giá trị con người trong mọi thời đại. Nó phải được tôn vinh.

(Thí sinh có thể có suy nghĩ khác nhưng không trái với tinh thần của câu nói, không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật)

* Bài học nhận thức và hành động

Xem thêm