Khó khăn của việc học từ mới
Được đăng bởi
30/05/2019 09:54
Đã bao giờ bạn rơi vào các tình huống sau đây khi học một ngôn ngữ mới chưa:
• Mới học một từ nào đó mà vài ngày sau đã quên mất?
• Chật vật lắm mới nhớ ra được một từ nào đó khi nói hoặc viết?
• Đọc không nổi một bài văn vì biết quá ít từ vựng?
• Khó mà tạo được các câu hoàn chỉnh?
• Hiểu nhầm ý các câu nói đơn giản vì không nhận diện được một số từ nào đó?
Nếu có thì bạn không cần lo đâu; không phải mình bạn bị vậy!
Thực ra thì hầu như ai học cũng gặp khó khăn khi phải học thuộc một lượng từ vựng lớn để tự tin khi sử dụng ngôn ngữ. Tuy nhiên, để vượt qua được trở ngại này, chúng ta cần tự hỏi chính mình một số câu hỏi quan trọng sau:
• Học từ mới có khó không?
• Có học hỏi được từ người nào cách tiếp thu từ vựng nhanh và ít tốn công không?
• Nếu có thì những người này có thể truyền đạt lại cho bạn cách học từ mới hiệu quả nào?
Hãy sử dụng câu trả lời cho những câu hỏi này để có một cách tiếp cận mới hiệu quả hơn, qua đó tạo cho mình một vốn từ vựng phong phú.
Một cách tiếp cận tự nhiên trong việc tiếp thu từ vựng
Học từ vựng có phải lúc nào cũng khó?
Bạn thử nghĩ mà xem, ngữ cảnh là chính cuộc sống thường ngày của bạn. Bạn thấy có phải học từ mới lúc nào cũng khó đối với tất cả các thứ tiếng bạn nói không?
Đương nhiên là không rồi!
Dù bạn thấy khó nhớ từ mới khi học ngoại ngữ nhưng cá một điều là bạn không bao giờ thấy khổ sở khi học các từ hay cụm từ như "ba", "mẹ", "có", "không", "muốn", "không muốn" trong ngôn ngữ mẹ đẻ đúng không, vì đây là thứ tiếng bạn đã bi bô từ khi còn nhỏ.
Cũng vậy, số lượng từ vựng tiếng mẹ đẻ bạn biết dù có tăng theo cấp số nhân thì bạn cũng không bao giờ thấy căng thẳng hoặc thậm chí bạn còn chẳng nhận ra là mình đã học, hay ít nhất là cho đến khi phải cắp sách đến trường.
Bạn cứ học thêm từ mới một cách tự động và tự nhiên vậy thôi chứ chả phải để tâm gì nhiều.
Thế nên, câu trả lời là "không". Học từ mới không phải lúc nào cũng khổ sở. Việc này có thể khá dễ dàng, và chính bạn chắc chắn đã đôi lần trải nghiệm mức độ dễ của việc này trong đời rồi.
Câu hỏi tiếp theo: Có người nào để bạn học hỏi cách học từ vựng vừa nhanh vừa ít tốn sức không?
Nếu có theo dõi ví dụ trên đây thì hẳn là bạn biết câu trả lời rồi. Câu trả lời chính là: trẻ con. Các bé tiếp thu và học từ mới không chút khó khăn.
Đến với câu hỏi thứ ba: Trẻ con có thể dạy cho chúng ta điều gì về cách học từ hiệu quả?
Bạn có thấy đứa trẻ nào cầm một sớ từ vựng ngồi học thuộc lòng không? Nếu bạn từng chứng kiến cách trẻ con tiếp thu từ vựng thì hẳn chúng sẽ làm theo những cách sau đây:
• Học thông qua tiếp xúc, lắng nghe và lặp lại những gì mà cha mẹ và bạn bè nói với chúng.
• Tập trung học và dùng những từ liên quan nhất đến những nhu cầu và mong muốn của chúng.
• Xây dựng một vốn từ căn bản tạo thành từ những từ hữu ích nhất trong cuộc sống thường ngày, sau đó bổ sung những cách nói thường gặp ở trường hoặc những nơi khác.
• Tiếp thu các từ và cụm từ mới thông qua việc vui chơi và các hoạt động thư giãn khác như phim ảnh, truyền hình, sách vở, trò chơi video, v.v...
Tất cả các hoạt động này diễn ra gần như một cách tự nhiên trong cuộc sống của tất cả những đứa trẻ có chức năng ngôn ngữ bình thường. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa đây là một quá trình đơn giản; sự thật là, để tiếp thu được từ mới bằng những phương pháp này đòi hỏi hàng giờ đồng hồ tiếp xúc, lắng nghe, lặp lại, thử hết lần này đến lần khác.
Nhưng dù không đơn giản và tốn thời gian nhưng chúng lại cực kỳ hiệu quả. Đó là cách mà bạn cùng hầu hết những người bạn quen đã học hàng ngàn từ vựng mà thậm chí còn không nhận ra.
Áp dụng các phương pháp như trẻ con vào việc học của người lớn? Có phải vậy là xong? Muốn học từ ít tốn sức có phải chỉ cần học như trẻ con là được không?
Câu trả lời là Có và Không.
Nếu bạn đọc được bài viết này thì hẳn là bạn không còn là một đứa trẻ nữa. Khi lớn lên, bạn sẽ gặp một số thuận lợi cũng như bất lợi khi học ngoại ngữ so với một đứa trẻ tiếp thu ngôn ngữ đầu tiên.
Bạn sẽ có những lợi thế như sau:
• Có sẵn khả năng nói, đọc và viết một (hoặc nhiều) ngôn ngữ
• Kiến thức sẵn có về thế giới sẽ giúp bạn học những điều mới nhanh hơn
• Kiến thức sẵn có về cách học bạn mong muốn cùng những phương pháp và nguồn tài liệu bạn thích.
Về mặt bất lợi:
• Ít thời gian dành cho việc học ngôn ngữ hơn vì phải ưu tiên những việc khác (công việc, trường học, gia đình, ...)
• Ít được tiếp xúc với từ mới, có lẽ do không được hoàn toàn đắm mình vào môi trường và xã hội hoàn toàn sử dụng ngoại ngữ mà bạn đang học.
Như đã nói, mặt bất lợi có thể sẽ lớn hơn, đơn giản là vì bạn không thể sống suốt 18 năm, 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần, 365 ngày/ năm chỉ nghe toàn thứ tiếng bạn đang học được.
Nên cụ thể, bạn cần:
• Nắm được những nguyên tắc liên quan đến kinh nghiệm đằng sau việc tiếp thu từ vựng hiệu quả
• Sử dụng những phương pháp quản lý thời gian và xây dựng thói quen hiệu quả để giúp bạn tạo được lịch trình cố định trong việc học từ.
• Tận dụng kiến thức và kiến thức có sẵn để tiếp sức và duy trì lịch trình đó theo thời gian.