Hội nghị Paris
Ngày 27/1/1973, tại trung tâm các Hội nghị quốc tế ở Paris, Pháp đã diễn ra lễ ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Trong gần 5 năm (từ ngày 13/5/1968 – 27/1/1973) với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1000 cuộc phỏng vấn… Hội nghị Paris là cuộc đấu trí giữa nền ngoại giao non trẻ của Việt Nam và nền ngoại giao lão luyện của Hoa Kỳ.
Những mốc thời gian liên quan
Ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và cử người đàm phán với đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris.
Ngày 3/4/1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với đại diện của Mỹ.
Ngày 13/5/1968, Hội nghị Paris khai mạc.
Ngày 18/1/1969, phiên họp đầu tiên diễn ra với sự tham dự của bốn đoàn đại biểu (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn).
Ngày 25/1/1969, khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Hội nghị bốn bên về Việt Nam.
Ngày 8/5/1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đưa ra giải pháp hòa bình Mười điểm.
Ngày 14/5/1969, phía Mỹ đưa ra đề nghị Tám điểm.
Ngày 8/6/1969, Tổng thống Mỹ Níchxơn tuyên bố rút 25 nghìn quân đợt đầu tiên khỏi miền Nam Việt Nam.
Ngày 10/6/1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trở thành đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Ngày 4/8/1969, tiến sĩ Kítxinhgiơ, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà trắng bí mật gặp Bộ trưởng Xuân Thủy lần đầu ở Paris.
Ngày 21/2/1970, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy gặp Kítxinhgiơ.
Ngày 17/9/1970, tại phiên họp toàn thể lần thứ 84, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã đưa ra đề nghị Tám điểm.
Ngày 18/10/1970, Tổng thống Níchxơn đưa ra đề nghị Năm điểm.
Ngày 10/12/1970, trong phiên họp toàn thể lần thứ 94, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã đưa ra đề nghị Ba điểm về ngừng bắn, đòi quân Mỹ rút khỏi miền Nam vào ngày 30/6/1971.
Ngày 31/5/1971, tại cuộc họp riêng giữa Bộ trưởng Xuân Thủy và Kítxinhgiơ, phía Mỹ đưa ra đề nghị “cuối cùng” Bẩy điểm.
Ngày 26/6/1971, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra đề nghị Chín điểm. Tiếp đó, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra giải pháp Bẩy điểm, đòi quân Mỹ rút khỏi miền Nam trong năm 1971.
Ngày 16/8/1971, phía Mỹ đưa ra đề nghị Tám điểm, đàm phán rơi vào bế tắc.
Ngày 25/1/1972, Tổng thống Mỹ Níchxơn đơn phương công bố nội dung các cuộc gặp riêng về đề nghị Tám điểm đưa ra ngày 16/8/1971.
Ngày 31/1/1972, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố giải pháp Chín điểm.
Ngày 2/2/1972, tại Hội nghị bốn bên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã nói rõ thêm hai vấn đề then chốt trong lập trường Bẩy điểm đã đưa ra ngày 1/7/1971 của Chính phủ Cách mạng lâm thời.
Ngày 24/3/1972, Tổng thống Níchxơn tuyên bố hoãn vô thời hạn các phiên họp công khai Hội nghị Paris về Việt Nam.
Ngày 8/5/1972, Níchxơn tuyên bố tiến hành mở rộng quy mô đánh phá miền Bắc Việt Nam.
Ngày 13/7/1972, Mỹ chấp nhận họp lại Hội nghị toàn thể bốn bên.
Ngày 8/10/1972, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ động đưa ra bản dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
Ngày 22/10/1972, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ đã hoàn thành văn bản Hiệp định nhưng ngày 23/10/1972, Mỹ trì hoãn việc ký kết Hiệp định.
Ngày 26/1/1972, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố những thỏa thuận đã đạt được và vạch trần thái độ lật lọng của Níchxơn.
Ngày 2/11/1972, Tổng thống Níchxơn ra lệnh cho máy bay B.52 tiến công phía Bắc khu phi quân sự.
Ngày 20/11/1972, Mỹ đòi sửa đổi hầu hết các vấn đề theo yêu cầu của chính quyền Sài Gòn, đồng thời tính toán leo thang chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 18/12/1972, Tổng thống Níchxơn ra lệnh cho B.52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng đồng thời Mỹ gửi công hàm cho Việt Nam yêu cầu họp lại.
Ngày 23/1/1973, ký tắt Hiệp định Paris.
Ngày 27/1/1973, chính thức ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Nội dung hiệp định
Bản Hiệp định Pari về Việt Nam gồm 9 chương, 23 điều. Nội dung chủ yếu của Hiệp định là: Hoa Kỳ cùng các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Hoa Kỳ hoàn toàn chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua Tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ. Việc thống nhất nước Việt Nam được thực hiện bằng phương pháp hòa bình.
Ngày 28/1/1973, ngừng bắn trên toàn miền Nam.
Ngày 31/1/1973, Tổng thống Nichxơn gửi công hàm cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc Hoa Kỳ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam.
Ngày 2/3/1973, ký Định ước Paris về Việt Nam.
Ngày 29/3/1973, người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi miền Nam Việt Nam.
Ý nghĩa
Hiệp định Paris 1973 là thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.
Việc ký kết Hiệp định Paris 1973 buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, rút khỏi Việt Nam và Đông Dương. Chính quyền Sài Gòn mất chỗ dựa về quân sự và bị suy yếu. Thắng lợi của Hiệp định đã tạo điều kiện cho việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tài liệu tham khảo
https://vovworld.vn