Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ văn năm 2018 Sở GD-ĐT Đồng Tháp (có đáp án)
Được đăng bởi Ban biên tập    11/05/2018 14:38

Đề thi  

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
          "Trong cuộc đời, mỗi chúng ta đều có ba kẻ thù cần phải tiêu diệt: Do dự, nghi ngờ và sợ hãi. Ba kẻ thù này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi cảm thấy nghi ngờ và sợ hãi, tất yếu bạn sẽ do dự trong việc đưa ra quyết định và hành động. Phân tích thất bại trong cuộc sống của hơn 25 ngàn người, các chuyên gia cho biết: Do dự gần như đứng đầu danh sách những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại của họ.

Trái với do dự là tính quyết đoán và đây chính là một trong những biểu hiện của lòng dũng cảm. Sự bất tử của mỗi người nằm ở việc họ có dám đưa ra quyết định hay không. Để có được một quyết định rõ ràng, mỗi người cần phải có lòng dũng cảm và đôi khi phải cực kỳ can đảm. Bên cạnh đó, giá trị của các quyết định lại phụ thuộc vào mức độ dũng cảm khi hành động. Những quyết định vĩ đại làm nền móng cho văn minh nhân loại đã được đưa ra bất chấp rủi ro, thậm chí bất chấp cả việc phải hy sinh tính mạng. Con người ta sẽ chẳng làm nên trò trống gì nếu không có một ý tưởng táo bạo, một tư duy đột phá và lòng can đảm để hiện thực hóa chúng. Chẳng thà bạn phạm sai lầm khi hành động còn hơn cứ ôm khư khư mối lo thất bại rồi chùn bước. Cuộc đời bạn sẽ ra sao nếu bạn không bao giờ dám làm một điều gì lớn lao?

    Lòng dũng cảm là tài sản vô giá mà tự nó đã tiềm ẩn sức mạnh vô hình có thể giúp con người sống một cuộc đời đích thực. Với lòng dũng cảm bạn sẽ tự tạo ra cơ hội cho bản thân và đủ bản lĩnh để đối mặt với những trở ngại cuộc sống. Tất cả chúng ta sinh ra đều có lòng dũng cảm. Nhưng chỉ những ai biết tôi rèn và vận dụng nó thường xuyên thì mới có thể sở hữu lòng dũng cảm thật sự.

Hãy vận dụng lòng dũng cảm để củng cố sức mạnh tinh thần của bạn. Hãy tìm cho mình một hướng đi thích hợp và sống một cuộc đời ý nghĩa. Hãy thử những công việc mới và phá bỏ các rào cản trong cuộc sống của bạn. Với lòng dũng cảm bạn sẽ vững vàng tiến về phía trước".

(Nhiều tác giả, Đánh thức khát vọng, NXB Hồng Đức 2018, trang 50,51)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được tác giả sử dụng trong đoạn trích trên? (0,5 điểm)

Câu 2: Anh chị hiểu như thế nào về câu: “Hãy thử những công việc mới và phá bỏ những rào cản cuộc sống của bạn”? (0,5 điểm)

Câu 3: Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng: “Lòng dũng cảm là một tài sản vô giá mà tự nó đã tiềm ẩn một sức mạnh vô hình có thể giúp cho con người sống một cuộc sống đích thực?” (1 điểm)

Câu 4: Thông điệp sâu sắc nhất mà anh/chị rút ra từ đoạn trích trên? (Trả lời trong khoảng 5 – 7 dòng) (1 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

“...Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.

Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay sè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.

Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà...”

(Kim Lân, Vợ nhặt, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục, 2011)

Câu 1: (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của lòng dũng cảm đối với thành công của mỗi cá nhân.

Câu 2: (5,0 điểm)

Cảm nhận về tâm trạng của nhân vật Tràng trong đoạn trích trên. Từ đó liên hệ đến tâm trạng của Chí Phèo sau đêm gặp Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao (Ngữ văn 11) để thấy sự thành công của hai nhà văn trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật.

HẾT

Đáp án

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được tác giả sử dụng trong đoạn trích trên?

Gợi ý đáp án:

Vì đề yêu cầu xác định “phương thức biểu đạt chính” nên học sinh (HS) chỉ có thể đưa ra 1 đáp án chính là: Phương thức biểu đạt nghị luận/ Nghị luận.

Câu 2: Anh chị hiểu như thế nào về câu: “Hãy thử những công việc mới và phá bỏ những rào cản cuộc sống của bạn”?

Gợi ý đáp án:

Với dạng câu hỏi giải nghĩa nội dung của 1 câu nói có trong đoạn văn đọc hiểu, HS cần dựa vào nội dung của đoạn văn bản có câu nói đó, và theo hiểu biết của bản thân đưa ra cách lí giải phù hợp. Và với câu hỏi trên, ta có thể đưa ra cách hiểu như sau:

Câu nói khuyến khích con người thay đổi bản thân, chấp nhận đương đầu với thử thách cuộc sống; phá bỏ những mặc cảm, rào cản cố hữu để có được thành công phía trước. Tóm lại, câu nói khuyến khích con người cần có lòng dũng cảm để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống và chiến thắng bản thân.

Câu 3: Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng: “Lòng dũng cảm là một tài sản vô giá mà tự nó đã tiềm ẩn một sức mạnh vô hình có thể giúp cho con người sống một cuộc sống đích thực?”

Gợi ý đáp án:

HS cần đọc kĩ văn bản và tìm cách lí giải của tác giả (có trong đoạn đọc hiểu), HS có thể tóm tắt ý tác giả nói như sau: Tác giả cho rằng “Lòng dũng cảm là một tài sản vô giá mà tự nó đã tiềm ẩn một sức mạnh vô hình có thể giúp cho con người sống một cuộc sống đích thực?” bởi vì với lòng dũng cảm bạn sẽ tự tạo ra cơ hội cho bản thân và đủ bản lĩnh để đối mặt với những trở ngại trong cuộc sống.

Tất cả chúng ta sinh ra đều có lòng dũng cảm, nhưng chỉ có ai biết tôi rèn và vận dụng nó thường xuyên mới có thể sở hữu lòng dũng cảm thực sự... Với lòng dũng cảm bạn sẽ vững vàng tiến về phía trước.

Câu 4: Thông điệp sâu sắc nhất mà anh/chị rút ra từ đoạn trích trên? (Trả lời trong khoảng 5 – 7 dòng)

Gợi ý đáp án:

a. Về hình thức: HS không nên viết dài quá hoặc ngắn quá, nên viết khoảng 5-7 dòng đúng như đề yêu cầu; cần bám sát vào nội dung câu hỏi; trả lời mạch lạc, rõ ràng.

b. Về nội dung: HS nêu được “thông điệp sâu sắc nhất” mà mình rút ra qua đoạn trích; tránh viết lan man, dài dòng, nêu quá nhiều thông điệp. Và dựa vào phần đọc hiểu ta có thể thấy thông điệp nổi bật là: khuyến khích, kêu gọi mọi người cần có lòng dũng cảm. Lòng dũng cảm là một tài sản vô giá mà tự nó đã tiềm ẩn một sức mạnh vô hình có thể giúp cho con người sống một cuộc sống đích thực. Với lòng dũng cảm bạn sẽ vững vàng tiến về phía trước.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm) Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của lòng dũng cảm đối với thành công của mỗi cá nhân.

Gợi ý đáp án:

1. Yêu cầu hình thức: HS đảm bảo viết thành 1 đoạn văn, dung lượng khoảng 200 chữ; HS nêu được luận điểm, thao tác và cách lập luận, diễn đạt rõ ràng.

2. Yêu cầu nội dung: HS triển khai vấn đề nghị luận tập trung, hiệu quả:

- HS nêu được vấn đề của đề bài – dẫn dắt từ nội dung của phần đọc hiểu gợi cho em nhiều suy nghĩ về “ý nghĩa của lòng dũng cảm đối với thành công của mỗi cá nhân”.

- HS cần giải thích được vấn đề “lòng dũng cảm” là gì: đó là không sợ nguy hiểm, khó khăn, không run sợ, không hèn nhát, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, các thế lực tàn bạo để bảo vệ công lí, chính nghĩa; nhờ lòng dũng cảm giúp mỗi cá nhân con người có thành công hơn.

- HS phân tích và chứng minh: “ý nghĩa của lòng dũng cảm đối với thành công của mỗi cá nhân” (cần có dẫn chứng minh họa).

+ Dũng cảm là phẩm chất tốt đẹp của con người ở mọi thời đại: trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm; trên mặt trận lao động sản xuất, đấu tranh phòng chống tội phạm; trong cuộc sống hàng ngày... Lòng dũng cảm giúp cá nhân lựa chọn con đường đi cho mình, dù biết rằng con đường đó gian nan vất vả. Con người sẽ có lòng tin vào cuộc sống hiện tại, họ sẽ vui sống để đón chờ một tương lai tươi sáng phía trước.

+ Lòng dũng cảm còn giúp con người tạo dựng những giá trị vật chất và tinh thần. Một người có hoàn cảnh khó khăn mà dũng cảm vượt qua mọi thử thách họ sẽ lớn lên nhiều, họ có thể tự tạo lập cho mình cuộc sống riêng. Như vậy lòng dũng cảm còn thúc đẩy sự tự lập trong mỗi con người, dũng cảm vượt lên cuộc sống, để sống tốt hơn.

+ Xã hội ta đang đứng trước nhiều tệ nạn, sự phát triển của các tệ nạn này càng lan rộng. Có những cá nhân lại thờ ơ lãnh đạm; nhưng cũng có người mạnh dạn tố cáo những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật của bọn xấu. Những việc như vậy rất được xã hội tuyên dương.

+ Đối với những học sinh lòng dũng cảm được thể hiện trong sự vươn lên học tập tốt trong hoàn cảnh khó khăn, rồi biết đấu tranh cho những tiêu cực ở học đường… Lòng dũng cảm sẽ giúp hình thành một nhân cách tốt cho thế hệ trẻ. Nếu thế hệ trẻ ngày nay không dũng cảm đương đầu với thử thách họ sẽ trở thành những người sống thu mình, khép kín, sống thiếu bản lĩnh.

+ Lòng dũng cảm nâng giá trị của bản thân cá nhân con người, khẳng định sức mạnh của cá nhân con người trước những thế lực của tự nhiên và xã hội. Nhưng nếu ta dũng cảm chiến đấu đến cùng thì cái xấu bao giờ cũng tiêu diệt.

-Mở rộng, liên hệ thực tế: Phê phán những người hèn nhát, bạc nhược không dám đấu tranh, không dám đương đầu với khó khăn thử thách để vươn lên trong cuộc sống; phê phán những người nhầm tưởng lòng dũng ảm với hành động liều lĩnh, mù quáng…

- Bài học nhận thức và hành động của bản thân:

Câu 2: (5,0 điểm) Yêu cầu thí sinh cảm nhận về tâm trạng của nhân vật Tràng trong đoạn trích đề bài. Từ đó liên hệ đến tâm trạng của Chí Phèo sau đêm gặp Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao (Ngữ văn 11) để thấy sự thành công của hai nhà văn trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật.

Gợi ý đáp án:

Yêu cầu hình thức: HS đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận; diễn đạt rõ ràng, hành văn mạch lạc lập luận chặt chẽ; liên hệ so sánh phù hợp; dùng từ, đặt câu, viết chính tả chuẩn mực... diễn đạt rõ ràng.

Xác định yêu cầu của đề:

- Yêu cầu cơ bản của đề là thí sinh cảm nhận về tâm trạng của nhân vật Tràng trong đoạn trích đề bài.

- Yêu cầu nâng cao (phân loại thí sinh) là: Từ đó liên hệ đến tâm trạng của Chí Phèo sau đêm gặp Thị Nở trong tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao (Ngữ văn 11) để thấy sự thành công của hai nhà văn trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật.

3. Yêu cầu nội dung: HS triển khai vấn đề nghị luận tập trung, hiệu quả. Dưới đây là một số gợi ý tham khảo:

A. Mở bài – nêu vấn đề của đề bài

- Giới thiệu đôi nét về nhà văn Kim Lân và tác phẩm “Vợ nhặt”; giới thiệu khái quát về nhân vật Tràng trong tác phẩm (đặc biệt được thể hiện qua đoạn trích của đề bài).

- Từ đoạn trích trên, giúp liên hệ đến tâm trạng của Chí Phèo sau đêm gặp Thị Nở trong tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao (Ngữ văn 11).

- Qua việc khắc họa 2 nhân vật; ta thấy được sự thành công của hai nhà văn trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật.

B. Thân Bài: Triển khai vấn đề

1. Yêu cầu cơ bản: Cảm nhận về tâm trạng nhân vật Tràng trong đoạn trích.

a. Về nội dung:

- Tràng sung sướng, hạnh phúc, hãnh diện: thấy “trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”, việc có vợ đối với hắn vẫn hết sức bất ngờ.

- Tràng nhận ra sự thay đổi xung quanh khiến anh cảm động: “có cái gì vừa thay đổi mới lạ”: “Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc cây ổi đã kín nước đầy ăm ắp”, bà cụ Tứ lúi húi giẫy cỏ, nàng dâu quét tước, nấu nướng. Tất cả những cảnh tượng đó thật bình thường nhưng đủ làm cho hắn cảm động vì chưa bao giờ Tràng được trải qua niềm hạnh phúc giản dị như thế.

- Tràng có sự thay đổi trong suy nghĩ: yêu thương, gắn bó với gia đình; thấy có trách nhiệm phải lo lắng cho vợ con; và ngời lên niềm tin vào tương lai tươi sáng. Tràng thấy cuộc đời mình bỗng nhiên thay đổi hẳn, hắn thấy mình trưởng thành (“nên người”) và cần có trách nhiệm với gia đình của mình:

 “Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng”. Bởi vì Tràng đã có một gia đình, và trong cái buổi sáng đầu tiên ấy, hắn đã được tắm mình trong không khí ấm áp, hạnh phúc của tổ ấm gia đình.

b. Về nghệ thuật: Tác giả đã đặt nhân vật vào tình huống độc đáo để nhân vật bộc lộ phẩm chất, tính cách; Miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, đậm chất nông thôn và có sự gia công sáng tạo của nhà văn. Cách kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn, dựng cảnh sinh động với nhiều chi tiết đặc sắc...

2. Yêu cầu nâng cao: Từ đó liên hệ đến tâm trạng của Chí Phèo sau đêm gặp Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao (Ngữ văn 11) để thấy sự thành công của hai nhà văn trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật.

- Tâm trạng của nhân vật Chí Phèo sau đêm gặp Thị Nở được thể hiện tập trung trong buổi sáng tỉnh rượu của Chí. Nam Cao khắc họa rất thành công chuỗi diễn biến tâm lí của Chí Phèo: Cảm nhận cuộc sống đời thường (lần đầu tiên sau 1 cơn say dài, Chí cảm nhận được những hình ảnh quen thuộc và lắng nghe rõ nhất những âm thanh cuộc sống xung quanh mình); hắn nhớ lại quá khứ xa xôi, thấm thía cuộc sống hiện tại, lo lắng cho tương lai cô độc, buồn tủi; khi được Thị Nở cho ăn cháo hành thì hắn ngạc nhiên, cảm động, ăn năn hối hận, tủi thân khi lần đầu tiên được cho bởi một người đàn bà; rồi hắn vui, khao khát được trở lại cuộc đời lương thiện, hi vọng, tin tưởng được trở lại cuộc đời hoàn lương.

- Điểm giống nhau: Cả Nam Cao và Kim Lân đều rất quan tâm đến đời sống tâm hồn của những người lao động nghèo Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Hai nhà văn đều mô tả chi tiết, chân thực, sinh động diễn biến tâm trạng của mỗi nhân vật ở thời điểm buổi sáng – gắn liền với sự thức tỉnh/ đổi thay của mỗi nhân vật – thông qua cảm xúc và dòng ý nghĩ.

Có khi các nhà văn khách quan kể lại diễn biến đó nhưng cũng có khi Nam Cao và Kim Lân nhập thân vào nhân vật, trần thuật lại diễn biến tâm trạng thông qua lời văn nửa trực tiếp. Tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của mỗi nhà văn không chỉ giúp cho các nhân vật nổi hình nổi sắc mà còn giúp các nhà văn thể hiện sâu sắc tình cảm nhân đạo của mình.

- Điểm khác nhau: Qua diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau buổi sáng gặp Thị Nở, ta thấy đó là tâm trạng của con người đang đứng trước bi kịch của đời mình; Chí Phèo “lần đầu tiên thức tỉnh” sau 1 con say dài - nhận thức sự bần cùng hóa dẫn đến tha hóa, lưu manh hóa của bản thân và khát khao muốn quay lại cuộc sống lương thiện; qua đó nhà văn Nam Cao thể hiện tin tưởng vào sự thức tỉnh lương tâm của người nông dân trước cách mạng.

Trong đoạn trích của “Vợ nhặt”, cùng tả tâm trạng nhân vật vào buổi sáng, Kim Lân đã phát hiện ra sự thay đổi và trưởng thành trong nhận thức, tình cảm và hành động của nhân vật Tràng. Nó không phải quá đột ngột bất ngờ mà nó là một lát cắt trong chuỗi diễn biến tâm trạng đầy ngạc nhiên, có sự thay đổi dần dần của Tràng từ lúc “nhặt”được vợ cho đến cuối truyện.

Qua đó, tác giả có cái nhìn trân trọng, ca ngợi người nông dân dù trong hoàn cảnh hết sức bi đát vẫn có ý thức xây dựng hạnh phúc gia đình. Nhân vật Chí Phèo tuy thức tỉnh để khao khát hoàn lương như cuối cùng rơi vào bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người, còn nhân vật Tràng cuối cùng đã được đổi đời, tìm thấy hạnh phúc đích thực của cuộc đời…

C. Kết thúc đánh giá khái quát vất đề: Qua hai đoạn trích đều thể hiện tài năng khắc họa nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của hai nhà văn; qua đó cũng góp phần thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc.

Xem thêm