Đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn năm 2018 (có đáp án và thang điểm)
Được đăng bởi Ban biên tập    10/08/2018 14:09

Đề thi

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
----------------
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2018
Bài thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài:120 phút, không kể thời gian phát đề

 

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Hãy thức dậy, đất đai!

cho áo em tôi không còn vá vai

cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn…

xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm

rồi thì đi xa hơn - đẹp, và giàu, và sung sướng hơn

 

Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non

châu báu vô biên dưới thềm lục địa

rừng đại ngàn bạc vàng là thế

phù sa muôn đời như sữa mẹ

sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể

còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?

lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?

***

Lúc này ta làm thơ cho nhau

đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt

ta ca hát quá nhiều về tiềm lực

tiềm lực còn ngủ yên…

Tp. Hồ Chí Minh 1980 - 1982

(Trích “Đánh thức tiềm lực”, Ánh trăng - Cát trắng - Mẹ và em, Nguyễn Duy, NXB Hội Nhà văn, 2015, tr. 289-290)

 

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những yếu tố nào thuộc về tiềm lực tự nhiên của đất nước?

Câu 3. Nêu hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong đoạn trích.

Câu 4. Theo anh/chị, quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ: ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/tiềm lực còn ngủ yên có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay.

Câu 2 (5.0 điểm)

Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu)$^1.$ Từ đó, anh/chị hãy liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam)$^2$ để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.

----------------- Hết -----------------

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Họ, tên thí sinh: .............................................................; Số báo danh: ...................................................

Chữ ký của cán bộ coi thi 1: ..........................; Chữ ký của cán bộ coi thi 2: ..................................

-------------------------------------------

1 Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016

2 Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016

---------------------------------------------------------------------

Đáp án – Thang điểm

Phần I. Đọc hiểu (3đ)

Câu 1. Đoạn trích được viết theo thể thơ tự do. (0.5 đ)

Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến các yếu tố thuộc về tiềm lực tự nhiên của đất nước: đất đai, khoáng sản, rừng, phù sa, sông, bể. (0.5đ)

Câu 3. Câu hỏi tu từ: còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?/lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao? - Hiệu quả: tạo giọng điệu suy tư; bộc lộ sự trăn trở của tác giả trước thực trạng đất nước giàu tài nguyên nhưng vẫn còn nghèo. (1.0đ)

Câu 4. Thí sinh có thể trả lời: Quan điểm của tác giả còn phù hợp/không còn phù hợp/phù hợp một phần nhưng phải lí giải hợp lí, thuyết phục. (1.0đ)

Phần II. Làm văn (7đ)

Câu 1. Trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay. (2.0đ)

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành. (0.25đ)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay. (0.25đ)

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay. Có thể theo hướng sau:

Xuất phát từ thực tiễn đất nước, mỗi cá nhân cần ý thức được sứ mệnh của mình, có hành động cụ thể để đánh thức tiềm lực của bản thân; từ đó tác động tích cực đến cộng đồng nhằm đánh thức tiềm lực của đất nước. (1.0đ)

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. (0.25đ)

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. (0.25đ)

Câu 2. Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài. Từ đó, liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả. (5.0đ)

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề. (0.25đ)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài; liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu; nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả. (0.5đ)

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Minh Châu và tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa (0.5đ)

* Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài - Sự đối lập: + Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa với những con người được bao phủ trong lớp sương mờ ảo và màu hồng của ánh ban mai tạo nên vẻ đẹp hài hòa, toàn bích; điều đó khiến nghệ sĩ Phùng xúc động, say mê, hạnh phúc. + Những con người bước ra khỏi màn sương mờ ảo bỗng trở thành tội nhân và nạn nhân của bạo lực gia đình; điều đó khiến nghệ sĩ Phùng kinh ngạc, phẫn nộ. - Ý nghĩa của sự đối lập: + Thể hiện những thay đổi trong nhận thức của nhân vật Phùng về nghệ thuật và đời sống. + Thể hiện những trăn trở của Nguyễn Minh Châu về cuộc sống, con người. (2.0đ)

* Liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu - Sự đối lập giữa ánh sáng lấp lánh và bóng tối dày đặc; giữa âm thanh vang động và không khí tịch mịch; giữa hành khách trên tàu sang trọng, ồn ào và người dân phố huyện nghèo khổ, âm thầm. - Ý nghĩa của sự đối lập: thể hiện khát vọng đổi đời của con người trong hiện thực tăm tối, tù đọng; cái nhìn vừa cảm thương vừa trân trọng của Thạch Lam đối với cuộc sống bế tắc và mơ ước xa xôi của những kiếp người nhỏ bé. (0.5đ)

* Nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả

- Tương đồng: Bằng việc tạo dựng những tương quan đối lập, cả hai tác giả đều hướng tới khám phá hiện thực ở bề sâu, phát hiện bản chất đời sống, từ đó đặt ra những vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc; thể hiện sự đồng cảm, xót thương với những con người bé nhỏ, bất hạnh.

- Khác biệt:

+ Nguyễn Minh Châu: nhìn hiện thực với cảm hứng thế sự, bằng cái nhìn đa chiều để khám phá những nghịch lí của đời sống; cách nhìn hiện thực mang phong cách tự sự - triết lí.

+ Thạch Lam: nhìn hiện thực với cảm quan lãng mạn, không chỉ nhìn thấy hiện thực tăm tối, tù đọng của đời sống mà còn đi sâu vào tâm hồn để khám phá khát vọng của con người; cách nhìn hiện thực mang phong cách tự sự - trữ tình. (0.5đ)

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. (0.25đ)

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. (0.5đ)

Xem thêm