Chiến thắng phát xít
Được đăng bởi Ban biên tập    17/05/2019 16:02


            Ngày 9/5/1945, tại Béc-lin, Chính phủ mới của Đức ký kết văn kiện đầu hàng không điều kiện trước đại biểu các nước Đồng minh, chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu.

Diễn biến

Ngày 1/9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ khi phát xít Đức tấn công Ba Lan. Sau hơn 1 năm thôn tính Ba Lan, Đức đã thống trị hầu như toàn bộ châu Âu.

Đồng thời với cuộc tấn công của Đức, quân phiệt Nhật và phát xít Italy đã tiến hành xâm lược những thuộc địa cũ của Hà Lan, Anh, Pháp tại châu Á, châu Phi, Trung Đông.

Sáng 22/6/1941, Đức tấn công Liên Xô. Đức đã huy động 190 sư đoàn với 5,5 triệu quân, 3712 xe tăng, 4950 máy bay tham chiến.

Đạo quân phía Bắc bao vây Lê-nin-grát, đạo quân trung tâm tiến tới ngoại vi thủ đô Mat-xcơ-va, đạo quân phía Nam chiếm Ki-ép và U-crai-na.

Tháng 12/1941, Hồng quân Liên Xô do tướng Giu-cốp chỉ huy đã đẩy lùi quân Đức. Chiến thắng Mát-xcơ-va đã làm phá sản chiến lược “chiến tranh chớp nhoáng” của Hít-le.

Cuối năm 1942, Đức tấn công Xta-lin-grát “nút sống” của Liên Xô nhưng không chiếm được.

Ở mặt trận Bắc Phi:

Tháng 9/1940, I-ta-li-a tấn công Ai Cập và cuộc chiến giằng co giữa liên quân Đức – I-ta-li-a và liên quân Anh - Mĩ.

Tháng 10/1942, liên quân Anh - Mĩ giành thắng lợi trong trận En A-la-men và chuyển sang phản công trên toàn mặt trận.

Tháng 9/1940, Nhật kéo vào Đông Dương.

Ngày 7/12/1941, Nhật bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng - căn cứ hải quân của Mĩ ở Thái Bình Dương. Bị thiệt hại nặng nề, Mĩ tuyên chiến với phe phát xít, chiến tranh lan rộng toàn thế giới.

Sau trận Trân Châu cảng, Nhật tấn công vào Đông Nam Á và Thái Bình Dương, trong thời gian 6 tháng, Nhật đã chiếm Thái Lan, Mã Lai, Xin-ga-po, Phi-líp-pin, Miến Điện, In-đô-nê-xi-a.                 

Khối Đồng minh chống phát xít hình thành.

Hành động xâm lược của phe phát xít trên toàn thế giới đã thúc đẩy các quốc gia cùng phối hợp với nhau trong một liên minh chống phát xít. Việc Liên Xô tham chiến làm thay đổi căn bản cục diện chính trị và quân sự của cuộc chiến, cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào kháng chiến của nhân dân các nước bị phát xít chiếm đóng.

Anh, Mĩ thay đổi thái độ, bắt tay cùng Liên Xô chống chủ nghĩa phát xít.

Ngày 1/1/1942, tại Oa-sinh-tơn, 26 quốc gia, đứng đầu là Liên Xô, Mĩ, Anh đã ra “Tuyên ngôn Liên hiệp quốc” cam kết cùng nhau chống phát xít với toàn bộ lực lượng của mình. Khối Đồng minh chống phát xít được thành lập.

Quân Đồng minh phản công (từ tháng 11/1942 đến tháng 6/1944), ở  mặt trận Xô – Đức:

Ở trận phản công Xta-lin-grát (từ tháng 11/1942 đến tháng 2/1943), Hồng quân Liên Xô đã tấn công tiêu diệt, bắt sống toàn bộ đội quân tinh nhuệ của Đức gồm 33 vạn người do thống chế Pao-lút chỉ huy. Từ đây, Liên Xô và phe Đồng minh chuyển sang tấn công trên các mặt trận.

Cuối tháng 8/1943, Hồng quân đã bẻ gãy cuộc phản công của quân Đức tại vòng cung Cuốc-xcơ. Tháng 6/1944, phần lớn lãnh thổ Liên Xô được giải phóng.

Ở Mặt trận Bắc Phi:

Từ tháng 3 đến tháng 5/1943, liên quân Mĩ - Anh phản công quét sạch quân Đức – I-ta-li-a khỏi châu Phi.

Ở I-ta-li-a: Từ tháng 7/1943 đến tháng 5/1945, liên quân Mĩ – Anh tấn công truy kích quân phát xít, làm cho chủ nghĩa phát xít I-ta-li-a bị sụp đổ, phát xít Đức phải khuất phục.

Ở Thái Bình Dương: Sau chiến thắng quân Nhật trong trận Gu-a-đan-ca-nan (1/1943), Mĩ phản công đánh chiếm các đảo ở Thái Bình Dương.

Phát xít Đức bị tiêu diệt, Nhật Bản đầu hàng, chiến tranh kết thúc.

Sau khi giải phóng các nước Trung và Đông Âu (1944), tháng 1/1945, Hồng quân Liên Xô mở cuộc tấn công Đức ở Mặt trận phía Đông, tiến quân vào giải phóng các nước ở Trung và Đông Âu, tiến sát biên giới nước Đức.

Từ tháng 2 đến tháng 4/1945, Liên Xô tấn công Béc-lin, đánh bại hơn 1 triệu quân Đức.

Ngày 30/4, lá cờ đỏ búa liềm được cắm trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức. Ngày 9/5/1945, nước Đức kí văn bản đầu hàng không điều kiện. Chiến tranh chấm dứt ở Châu Âu.

Ở mặt trận Thái Bình Dương, từ năm 1944, liên quân Mĩ, Anh tấn công đánh chiếm Miến Điện và quần đảo Phi-líp-pin.

Ngày 6/8/1945, Mĩ ném quả bom nguyên tử xuống Hi-rô-si-ma làm 8 vạn người thiệt mạng.

Ngày 8/8, Liên Xô tuyên chiến với Nhật và tấn công đạo quân Quan Đông gồm 70 vạn quân Nhật ở Mãn Châu.

Ngày 9/8, Mĩ ném tiếp quả bom nguyên tử thứ hai hủy diệt thành phố Na-ga-xa-ki, giết hại 2 vạn người.

Ngày 15/8, Nhật Bản đầu hàng không điều kiện. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Hậu quả

Đây là cuộc chiến tranh lớn nhất, tàn khốc nhất thế giới, hơn 70 quốc gia với 1700 triệu người đã bị lôi cuốn vào vòng chiến, khoảng 60 triệu người chết, 90 triệu người bị tàn phế, tổn thất về vật chất ước tính khoảng 4.000 tỉ USD.

Ý nghĩa lịch sử

Thắng lợi của Liên Xô và phe Đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã dẫn đến sự biến đổi căn bản của tình hình thế giới, kết thúc một thời kỳ của lịch sử thế giới hiện đại, tạo ra những tiền đề đưa lịch sử thế giới chuyển sang một thời kỳ mới.

Tư liệu tham khảo 

http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3097/16331/5-1945-chu-nghia-phat-xit-djuc-bi-tieu-diet-trong-djai-chien-the-gioi-thu-hai.html

http://hanoimoi.com.vn/infographic/The-gioi/934468/chien-thang-phat-xit---thien-anh-hung-ca-choi-loi

http://baophuyen.com.vn/76/131805/y-nghia-thoi-dai-chien-thang-phat-xit-duc-trong-dai-chien-the-gioi-thu-2.html

http://www.quocphonganninh.edu.vn/lich-su/catid/7/item/1584/%C4%91%E1%BA%ADp-tan-th%C3%A0nh-tr%C3%AC-c%E1%BB%A7a-ch%E1%BB%A7-ngh%C4%A9a-ph%C3%A1t-x%C3%ADt

http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2015/33281/Vai-tro-quyet-dinh-cua-Lien-Xo-trong-Chien-tranh-the-gioi.aspx

 

Xem thêm