Nguyên nhân
Gần 10 năm sau cuộc chiến tranh biên giới 1979, Việt Nam đã hao tổn không ít nhân lực, vật lực và đến năm 1988 là đỉnh điểm khó khăn khi cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước ngày càng trầm trọng; nước ủng hộ Việt Nam là Liên Xô cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn, cải tổ.
Lợi dụng lúc Việt Nam gặp khó khăn về kinh tế do phải khắc phục hậu quả của chiến tranh, Trung Quốc đã huy động các lực lượng không quân, hải quân tấn công chiếm 6 điểm trên quần đảo Trường Sa với mưu toan kiểm soát Biển Đông.
Diễn biến
Đầu năm 1988, Trung Quốc chiếm đóng trái phép các bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Subi, Huy Gơ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bênh cạnh đó còn tăng cường từ 9 lên 12 tàu chiến gồm khu trục tên lửa, hộ vệ tên lửa, hộ vệ pháo và tàu đổ bộ... hoạt động trên quần đảo Trường Sa.
Trước tình hình đó, Hải quân Việt Nam đã xây dựng thế trận phòng thủ tại các đảo Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Đông, Tốc Tan nhằm ngăn chặn việc mở rộng phạm vi chiếm đóng của Trung Quốc ra các đảo lân cận.
Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam cho công binh ra xây dựng đảo, tiến hành chiến dịch Bảo vệ chủ quyền 1988 (CQ-88). Ngày 14/3/1988, tàu chiến hải quân Trung Quốc đã tấn công các tài hải quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo. Cán bộ chiến sĩ hải quân Việt Nam quyết liệt chống trả, trận chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo này được đặt tên là CQ- 88 (Chủ quyền- 88).
Trung Quốc đã sử dụng pháo 100mm từ 2 tàu chiến bắn sang làm hỏng nặng tàu HQ-604 và cho quân đổ bộ định chiếm tàu. Đại úy thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Trung tá Lữ đoàn phó 146 Trần Đức Thông, cùng một số thủy thủ đã hy sinh cùng tàu HQ-604 ở khu vực đảo Gạc Ma.
Khi giao tranh xảy ra, tàu HQ-505 đang làm nhiệm vụ bảo vệ tại đảo Cô Lin thấy tàu HQ- 604 bị Trung Quốc bắn chìm nên thuyền trưởng Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo cho tàu ủi bãi để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với đảo này. Khi phát hiện tàu HQ-505 lên bãi, 2 tàu Trung Quốc quay sang tấn công và tàu HQ-505 chỉ trườn được 2/3 thân tàu lên đảo thì bốc cháy. Còn phía đảo Len Đao, tàu trung Quốc dùng hoả lực mạnh bắn xối xả vào tàu HQ-605 khiến tàu của Việt Nam bị bốc cháy và chìm ngay tại chỗ.
Khi tàu đánh đắm tàu của Việt Nam, tàu chiến của Trung Quốc còn ngăn cản không cho tàu của Hội Chữ thập đỏ vào cứu chữa thương binh.
Trong cuộc giao tranh ác liệt đó, Hải quân Nhân dân Việt Nam mất ba tàu: HQ-505, HQ-604, HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146, Trung đoàn công binh 83. Trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc, 64 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh tại khu vực các bãi đá ngầm Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin.
Mốc thời gian liên quan tới trận chiến CQ-88:
Trong năm 1988, Trung Quốc đã đem quân tới chiếm đóng các bãi đá và đảo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa.
Ngày 31/1/1988, Trung Quốc cho quân chiếm đóng Đá Chữ Thập.
Ngày 18/2/1988, Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng bãi đá Châu Viên.
Ngày 26/2/1988, Trung Quốc chiếm Ga Ven.
Ngày 28/2/1988, Trung Quốc chiếm Huy Gơ.
Ngày 14/3/1988, tàu chiến Trung Quốc tấn công đảo Gạc Ma, Len Đao.
Ngày 23/3/1988, Trung Quốc chiếm Xu Bi.
Tháng 4/1988, Trung Quốc thông qua một nghị quyết thành lập tỉnh Hải Nam, trong đó bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tham khảo:
https://laodong.vn/xa-hoi/xuc-dong-le-tuong-niem-64-chien-si-hi-sinh-o-gac-ma-662381.ldo
https://vnexpress.net/thoi-su/ky-uc-ve-tran-chien-gac-ma-nam-1988-2436566.html
https://thanhnien.vn/thoi-su/dong-doi-tuong-nho-liet-si-gac-ma-815191.html
https://vov.vn/chinh-tri/su-kien-gac-ma-la-mot-cuoc-chien-tranh-xam-luoc-739146.vov