7 mẹo giúp cải thiện khả năng nghe
Được đăng bởi Trần Thị Ngân Giang    25/07/2019 13:21




1. Chọn tài liệu luyện nghe phù hợp
Điều quan trọng nhất bạn cần làm nếu muốn cải thiện khả năng nghe chính là tìm tài liệu nghe phù hợp với khả năng của bản thân.
Trình độ của mỗi người mỗi khác nên khó mà đánh giá khách quan được; nhưng nhìn chung thì bất kì nguồn audio nào bạn nghe hiểu khoảng 60%-80% là ổn.
Nếu bạn cứ cố nghe những tài liệu bạn không hiểu gì thì chỉ gây nản lòng mà thôi. Đành rằng có thể tra từ, nhưng bạn vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc liên kết các ý với nhau.
Ai cũng muốn nghe hiểu được phim ảnh, podcast và các video trên mạng nên chúng ta mới tập nghe. Tuy vậy, những tài liệu có giọng bản xứ quá khó so với trình độ hiện tại sẽ làm chậm tiến trình học của bạn đấy.
Muốn đạt được trình độ như trên thì cần phải có nền tảng trước. Bắt đầu từ những bài dễ, rồi từ từ nghe những nội dung khó dần lên khi trình độ đã tăng.

2. Nghe nội dung yêu thích
Hiểu được những gì bạn nghe chính là bước nền tảng để cải thiện kĩ năng này. Khi đến được mức đó rồi, bạn cần quyết định chính xác nội dung bạn muốn luyện tập.
Điều này quan trọng vì các tài liệu nào thú vị sẽ giúp người học thích thú khi nghe hơn. Nếu bạn thích những gì bạn nghe thì bạn sẽ có thêm động lực để nghe tiếp và không bỏ cuộc hay mất tập trung.
Nói chung, bạn nên chọn lọc những gì mình nghe.

3. Chú trọng đến bức tranh tổng thể chứ đừng nề hà tiểu tiết
Trong tất cả các kỹ năng chính để học ngoại ngữ, kỹ năng nghe đòi hỏi sự tập trung nhất. Điều này là do nếu bạn không tập trung khi nghe thì bạn có thể bỏ lỡ "thông điệp" cốt lõi đang được truyền đạt.
Không nên cứ ý nào không nghe được là lại tua lại từ đầu. Như vậy vừa mất thời gian,lại dễ nản. Vì vậy, điều quan trọng là bạn nên tập trung nắm ý chính khi nghe, tránh để phân tâm vì các chi tiết nhỏ.
"Bức tranh tổng thể" ở đây nghĩa là các ý chính mà bạn nghe được. Nếu có ai hỏi "What kind of movies do you like?", bạn không cần phải hiểu hết cả câu mà chỉ cần nghe ra các từ khóa như "what", "movies" và "like" là được, hoặc thậm chí chỉ cần bạn nghe được hai từ "movies" và "like" là cũng đoán ra nghĩa cả câu rồi. Hai từ đó đã bao hàm gần đủ ngữ cảnh của câu, dù bạn chưa kịp hiểu nghĩa của 5 từ còn lại cũng không sao.
Đây là lý do vì sao kĩ năng nghe hiểu lại quan trọng như vậy. Dù không hiểu được hết những gì đang nghe thì những từ bạn đã biết cũng sẽ giúp bạn đoán được ngữ cảnh. Thế nên, bạn đừng vội bỏ cuộc nếu chưa hiểu được từ này từ kia. Bạn chỉ cần tiếp tục kiên trì tập nghe và tập trung nắm ý chính để lấp vào chỗ những thông tin còn thiếu.

4. Nghe lui nghe tới bằng nhiều tốc độ khác nhau
Bất cứ người nào mới học một ngôn ngữ đều phải đồng tình rằng người bản xứ nói chuyện quá nhanh.
Họ nói nhanh và trôi chảy đến nỗi người mới học không có đủ thời gian để chia nhỏ các âm, các từ cũng như phần nghĩa mà họ đang nghe - thậm chí khi vừa kịp hiểu phần này thì đối phương bản xứ đã chuyển sang chủ đề khác rồi.
Muốn nghe được người bản xứ nói chuyện ở tốc độ bình thường thì trước tiên bạn khoan hãy đâm đầu vào tập nghe ở tốc độ nhanh. Tốc độ giống như từ vựng, cũng là một nhân tố góp phần vào khả năng nghe hiểu. Vì vậy, bạn nên tập nghe ở tốc độ chậm trước, rồi tăng tốc từ từ ngang với tốc độ nói của người bản xứ.
Có một vài cách có thể giúp bạn:
- Khi trò chuyện với người bản xứ, bạn có thể lịch sự nhờ họ nói chậm lại hoặc lặp lại một vài chi tiết nào đó.
- Khi tập nghe bằng audio, bạn có thể tua lại ở nhiều tốc độ, 0.25x hoặc 0.5x. Có một số nền tảng miễn phí cho phép tùy chỉnh tốc độ phát như YouTube, Audacity, and VLC media player
Cách thứ hai này thường là cách tiện nhất. Bạn chỉ cần chọn file audio rồi điều chỉnh tốc độ ở mức mình nghe hiểu được. Cứ nghe vài lần ở tốc độ chậm rồi tăng tốc lên dần cho đến khi đạt tốc độ của người bản xứ.

5. Phương pháp học chủ động bằng cách ghi chú
Người mới học thường cho rằng việc tập nghe là thụ động. Không giống như nói, đọc, hay viết, khi nghe thì không cần làm gì cả, âm thanh sẽ tự động lọt vào tai.
Những giá trị tĩnh lặng của việc nghe sẽ rất tuyệt khi bạn chỉ muốn ngồi xuống thư giãn và nghe một bản nhạc hoặc một cuộc trao đổi trong một bộ phim. Tuy nhiên, đây không phải cách hay nếu muốn luyện nghe có hiệu quả.
Để đạt hiệu quả tối đa từ việc nghe, bạn cần thay đổi cách học từ thụ động sang chủ động, giúp làm tăng phần nội dung bạn có thể hiểu cũng như động lực để tiếp tục duy trì việc tập nghe. Một trong những cách hiệu quả nhất chính là ghi chú khi nghe.
Khi tập nghe, hãy lấy ra một quyển sổ hoặc một mảnh giấy và thực hiện các bước sau:
• Viết ra chủ đề của đoạn audio.
• Nếu có nhiều nhân vật thì viết ra tên của họ hoặc đặt tên chung chung như Nhân vật A, Nhân vật B...
• Viết ra các ý chính mà mỗi nhân vật nói
• Nếu có một từ nào đó bạn không hiểu nhưng được lặp lại nhiều thì cũng viết ra để tra nghĩa sau
• Nếu có từ hoặc câu nào đó bạn thấy thú vị thì ghi lại để tập sử dụng khi nói chuyện.
Vừa nghe vừa ghi chú sẽ giúp bạn thấy hứng thú hơn với nội dung đoạn audio, nhờ vậy mà việc tiếp thu sẽ có tổ chức và hiệu quả hơn.

6. Thay đổi thói quen tập nghe
Thói quen học đối với bất kỳ ngôn ngữ nào cũng vậy, muốn thành công thì cần phải "giữ được lửa". Bạn nên lồng ghép nhiều hoạt động lại để tăng độ thử thách, khiến bạn muốn tiếp tục học. Chẳng hạn, dù thích ngồi tại bàn học tua audio tới lui để tập nghe thì thỉnh thoảng bạn cũng hãy đổi không gian, thời gian học cho tươi mới.
Trong lúc nghe, bạn có thể:

• Đọc bản script của audio
• Làm việc nhà
• Ngồi xe buýt đến trường, đến chỗ làm
• Tập thể dục
• Nghe nhạc bằng thứ tiếng đang học

Hãy cứ thử bất kì hoạt động nào bạn nghĩ ra. Khi đã tìm ra một số hoạt động nhất định, bạn cứ thực hiện ngẫu nhiên các hoạt động này vào các ngày trong tuần.

7. Tập kiên nhẫn
Bất kì điều gì tốt đẹp cũng cần thời gian bồi đắp và phát triển, trình độ nghe cũng vậy. Chúng phụ thuộc vào nhiều yếu tố (bao gồm cả thời gian bỏ ra, số lượng audio đã nghe qua, và cả vốn từ vựng), không có điều gì trong số này có thể đạt được chỉ trong thời gian ngắn.
Cách duy nhất để nhanh chóng cải thiện chính là tập nghe mỗi ngày, đa dạng tài liệu, làm phong phú các hoạt động và tiến hành xen kẽ vào thời khóa biểu thường ngày.
Nếu bạn duy trì được thói quen này theo tháng, theo năm thì sớm muộn gì khả năng nghe hiểu cũng tiến bộ vượt bậc cho mà xem. Nếu bạn không đủ kiên nhẫn thì sẽ tiến bộ chậm hơn nhiều.




Xem thêm