5 đề và đáp án gợi ý tham khảo môn Văn thi THPT Quốc gia
Được đăng bởi Ban biên tập    07/07/2021 17:56

ĐỀ SỐ 1

 I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
            Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
            Một lần tình cờ tôi đọc được bài viết “Hạnh phúc là gì?” trên blốc của một người bạn. Bạn ấy viết rằng: "Hạnh phúc là được nằm trong chăn ấm xem ti vi cùng với gia đình. Hạnh phúc là được trùm chăn kín và được mẹ pha cho cốc sữa nóng. Hạnh phúc là được cùng đứa bạn thân nhong nhong trên khắp phố. Hạnh phúc là ngồi co ro hàng giờ trong quán cà phê, nhấm nháp li ca-cao nóng và bàn chuyện chiến sự... thế giới cùng anh em chiến hữu...“.
            Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao? Ừ nhỉ! Dường như lâu nay chúng ta chỉ quen với việc than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc. (9) Hãy một lần thử nghĩ xem: Khi chúng ta than phiền vì bố mẹ quá quan tâm đến chuyện của mình thì ngoài kia biết bao nhiêu người thèm hơi ấm của mẹ, thèm tiếng cười của bố, thèm được về nhà để được mắng; khi chúng ta cảm thấy thiệt thòi khi không được ngồi xe hơi chỉ vì phải chạy xe máy giữa trời nắng thì ngoài kia biết bao nhiêu bạn của chúng ta mồ hôi nhễ nhại, gò mình đạp xe lên những con dốc vắng; khi chúng ta bất mãn với chuyện học hành quá căng thẳng thì ngoài kia biết bao người đang khao khát một lần được đến trường, một lần được cầm cây bút để viết lên những ước mơ; khi chúng ta...
            (Dẫn theo Bài tập Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục 2007)
            Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích. (0,5 điểm)
            Câu 2: Tại sao tác giả lại “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?”?(1,0 điểm)
            Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (9).(1,0 điểm)
            Câu 4: Anh/Chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích trên. (0,5 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (NLXH)
                        Qua đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về: Hạnh phúc của giới trẻ trong thời đại ngày nay.       
Câu 2 (NLVH)
Về nhân vật ông lái đò trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân, có ý kiến cho rằng: “Ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa”. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: “Ông lái đò là một người lao động bình thường”.
Từ cảm nhận về nhân vật ông lái đò, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên ?
 
GỢI Ý
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích. (0,5 điểm)
            - Đoạn trích thuộc phong cách ngôn ngữ Chính luận
Câu 2:Tại sao tác giả lại “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?”?(1,0 điểm)
             Tác giả “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?” bởi vì:
            - Khi nghĩ đến hạnh phúc thì con người thường nghĩ đến những gì cao xa, to lớn nhưng thực ra hạnh phúc là những gì rất giản dị, gần gũi quanh ta.
            - Con người thường không nhận ra giá trị của những gì mình đang có, vì vậy thường “than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc”.
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu cuối đoạn văn? (1,0 điểm)
             - Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (9): liệt kê, điệp ngữ, tương phản-đối lập.
            - Tác dụng: 
                        + Tạo giọng điệu thiết tha, hùng hồn, mạnh mẽ để tăng tính thuyết phục.
                        + Nhấn mạnh sự tương phản về hoàn cảnh của chúng ta và biết bao nhiêu người để từ đó gợi ra quan niệm về một hạnh phúc giản đơn.
Câu 4: Anh/Chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích trên. (0,5 điểm)
            - Thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích:
            Chúng ta cần biết trân trọng những hạnh phúc bình dị, giản đơn nhưng thiết thực trong cuộc sống.
PHẦN LÀM VĂN
Câu 1 (NLXH)         
            * Giải thích 
             Hạnh phúc là một trạng thái tâm lý của con người khi ta cảm thấy vui vẻ, thoả mãn. (Câu mở)
            * Bình luận 
             * Giới trẻ hiện nay quan niệm về hạnh phúc như thế nào?
            Giới trẻ hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc:
            + Hạnh phúc là hưởng thụ;
            + Hạnh phúc là trải nghiệm;
            + Hạnh phúc là sống vì người khác;
            + Hạnh phúc là hài hòa giữa lợi ích của cá nhân và cộng đồng…
* Vì sao giới trẻ hiện nay lại có những quan niệm khác nhau về hạnh phúc?
            - Thời đại mà kinh tế xã hội ngày càng phát triển, con người dễ coi trọng lối sống vật chất, vì vậy dễ nảy sinh quan niệm hạnh phúc là hưởng thụ.
            - Thời đại ngày nay cũng đặt ra nhiều thách thức, cơ hội, vì vậy giới trẻ cũng năng động hơn, dám sống dám trải nghiệm, dám hi sinh vì người khác…
            * Bài học nhận thức và hành động
             - Cần có những quan niệm đúng đắn về hạnh phúc.
            - Luôn hoàn thiện mình để hướng tới một hạnh phúc chân chính.
Câu 2 (NLVH): Tham khảo đáp án trên internet
* Vài nét về tác giả, tác phẩm
- "Nguyễn Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ tài hoa" (Nguyễn Minh Châu). Toàn bộ cuộc đời cũng như gần 5000 trang viết của ông đã tạo nên một "huyền sử" - huyền sử của một người ưu lối chơi "độc tấu".
-  "Người lái đò sông Đà" được coi là một trong những tác phẩm thành công xuất sắc nhất trong “ Tùy bút sông Đà”. Với khát khao truy tìm "chất vàng mười của tâm hồn vùng Tây Bắc" - "thứ vàng mười đã được thử lửa" (Đi mở đường), Nguyễn Tuân đã viết lên bài ca cuộc sống của con người và thiên nhiên Tây Bắc với nhiều nét độc sáng mới lạ.
* Giải thích ý kiến
- Người nghệ sĩ tài hoa: là những người có rung động tâm hồn mãnh liệt trước mọi vui buồn của đời sống và có khả năng thể hiện những rung động ấy bằng những phương tiện nghệ thuật đặc thù. Ở ý kiến trên, người nghệ sĩ tài hoa được hiểu là người đạt tới trình độ điêu luyện trong nghề nghiệp và có đời sống tâm hồn đậm chất nghệ sĩ.
- Người lao động bình thường: là người lao động thầm lặng, vô danh, không tên tuổi giống như bao người lao động khác trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
=> 2 ý kiến trên bổ sung cho nhau, làm hoàn thiện chân dung, tính cách người lái đò sông Đà.
* Phân tích, chứng minh
- Ông lái đò - một nghệ sĩ tài hoa
+ Ông lái đò có tính cách phóng khoáng, thích đối mặt với thử thách, mạo hiểm, gian nguy.
+ Ông nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá như một nghệ sĩ điêu luyện, cao cường.
+ Cuộc băng ghềnh vượt thác ngoạn mục đã khẳng định vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của một "tay lái ra hoa”:
+ Vòng vây thứ nhất, sông Đà bày ra nhiều cạm bẫy. Ông lái đò bị sóng thác đánh miếng đòn độc hiểm. Nhưng bằng tinh thần dũng cảm, ông đã tỉnh táo chỉ huy sáu bơi chèo, chiến thắng trùng vi thạch trận đầy nguy hiểm.
+ Vòng vây thứ hai, sông Đà thay đổi chiến thuật. Ông lái đò đã nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá, xác định đúng cửa sinh và chiến thắng thằng đá tướng đứng chiến ở cửa giữa.
+ Vòng vây thứ ba, sông Đà tiếp tục thay đổi chiến thuật, bên phải bên trái đều là cửa tử. Ông lái đò phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa. Thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được. Thế là hết thác.
- Ông cũng là một người lao động bình thường:
+ Ông lái đò sinh ra bên bờ sông Đà và gắn bó với nghề sông nước như bao người lái đò khác nơi thượng nguồn sông Đà khuất nẻo.
+  Đời sống tâm hồn giản dị: không nói nhiều về chiến công; dù đi đâu cũng luôn nhớ về nương ruộng, bản mường.
* Nghệ thuật thể hiện:
- Ngôn ngữ phong phú, sáng tạo, tài hoa; kết hợp kể với tả nhuần nhuyễn và đặc sắc, nghệ thuật khắc họa nhân vật độc đáo, sáng tạo.
- Bút pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, liên tưởng độc đáo, thú vị; vận dụng tri thức của nhiều ngành văn hóa, nghệ thuật góp phần miêu tả cuộc chiến hào hùng và khẳng định vẻ đẹp tâm hồn nhân vật.
* Bình luận, đánh giá
- Qua cảm nhận hình tượng ông lái đò, có thể thấy, ông lái đò là một nghệ sĩ tài hoa trên sông nước; đồng thời, cũng là một người lao động giản dị bình thường.
- Hai ý kiến không đối lập mà bổ sung cho nhau đem đến một cái nhìn đầy đủ, toàn diện về nhân vật.

-----------------------------

ĐỀ SỐ 2

 

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) Đọc đoạn trích:

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

“...Với học sinh, thách thức của các em cũng vô cùng to lớn.

Là thế hệ của thế kỉ 21, các em sẽ phải đối mặt với một thế giới đầy biến động: những biến đổi khí hậu bất thường, nguồn tài nguyên đang cạn kiệt, môi trường đang bị ô nhiễm và bị tàn phá ghê gớm. Ngoài ra, những định hướng nghề nghiệp em chọn cho mình trong hôm nay, chưa chắc có thể tồn tại ở ngày mai. Trong một công trình nghiên cứu của mình, Howard Gardner, cha đẻ của thuyết đa trí tuệ đã từng chỉ ra: đến năm 2030, 47% nghề nghiệp hiện nay sẽ biến mất. Nghĩa là có những nghề nghiệp mới ra đời và thay thế nghề nghiệp cũ, em đã chuẩn bị tâm thế cho mình trước sự thay đổi đó chưa?

Lại thêm một câu hỏi nữa đặt ra “Liệu chúng ta, thế hệ của một Việt Nam đầy sức trẻ có tụt hậu với cuộc cách mạng 4.0 như chúng ta tụt hậu với cuộc cách mạng 3.0 hay không?"

Cốt lõi của sự thay đổi là sự dũng cảm của mỗi người. Dũng cảm để thừa nhận, dũng cảm để học hỏi, dũng cảm để tìm giải pháp, cách thức, dũng cảm để đối đầu.

Các em dũng cảm để đối mặt với việc lười nhác, với việc học tập thụ động. Đối mặt với những thói hư tật xấu của mình và xã hội. Đối mặt với sự vô cảm của mình ngay cả với những người thân yêu nhất. Đối mặt với thách thức để các em nhận ra mình thiếu tư duy phản biện, một phẩm chất không thể thiếu của công dân thế kỷ 21...”

(Bài phát biểu khai giảng - Thầy Nguyễn Minh Quý -

THPT Trần Nguyên Hãn - Hải Phòng 05/09/2017)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Trong đoạn trích, người viết đã chỉ ra những thách thức nào mà học sinh phải đối mặt ở thế kỉ XXI?

Câu 3. Nêu hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong câu văn sau: Liệu chúng ta, thế hệ của một Việt Nam đầy sức trẻ có tụt hậu với cuộc cách mạng 4.0 như khi ta tụt hậu với cuộc cách mạng 3.0 hay không?

Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với quan điểm: Những định hướng nghề nghiệp em chọn cho mình trong hôm nay, chưa chắc có thể tồn tại ở ngày mai? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm) 

Câu 1 (2,0 điểm).

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trả lời câu hỏi: Làm thế nào để rèn tư duy phản biện ở mỗi người?

Câu 2 (5,0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu qua đoạn trích sau:

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương

Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở

Dù muôn vời cách trở

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ

(Trích Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, Tập một, 

Nxb Giáo dục Việt Nam, 2019)

-HẾT-

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

-----------------------------

ĐỀ SỐ 3

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 ĐIỂM)

Đọc đoạn thơ sau:

(1) “Giấc mơ của anh hề

Thấy mình thành triệu phú (…)

Giấc mơ người hát xẩm nhục nhằn

Thức dậy giữa lâu đài rực rỡ

Thằng bé mồ côi lạnh giá

Thấy trong tay chiếc bánh khổng lồ

Trên đá lạnh, người tù

Gặp bầy chim cánh trắng

Kẻ u tối suốt đời cúi mặt

Bỗng thảnh thơi đứng dưới mặt trời.

(2) Giấc mơ đêm cứu vớt cho ngày

Trong hư ảo người sống phần thực nhất

Cái không thể nào tới được

Đã giục con người

Vươn đến những điều đạt tới

Những giấc mơ êm đềm

Những giấc mơ nổi loạn

Như cánh chim vẫy gọi những bàn tay.

(3) Đời sống là bờ

Những giấc mơ là biển

Bờ không còn nếu chẳng có khơi xa…”

(Trích “Giấc mơ của anh hề” – Lưu Quang Vũ)

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được tác giả sử dụng trong đoạn thơ ?

Câu 2. Nêu tác dụng của phép đối lập được tác giả sử dụng trong đoạn (1) ?

Câu 3. Anh / chị hiểu như thế nào về nội dung của hai câu thơ:

“Giấc mơ đêm cứu vớt cho ngày

Trong hư ảo người sống phần thực nhất” ?

Câu 4. Anh / chị có đồng tình với tác giả khi ông cho rằng:

“Đời sống là bờ

Những giấc mơ là biển

Bờ không còn nếu chẳng có khơi xa…” ?

Lí giải vì sao ?

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 ĐIỂM)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn thơ ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: giấc mơ vẫy gọi con người.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn người mẹ qua nhân vật bà cụ Tứ (“Vợ nhặt” – Kim Lân)

ĐÁP ÁN

I. ĐÁP ÁN PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 ĐIỂM)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính là: Nghị luận

Câu 2. Tác dụng của phép đối lập được tác giả sử dụng trong đoạn (1):

- Làm rõ sự tương phản giữa ước mơ và hiện thực

- Cho thấy giấc mơ chính là khát vọng của mọi người về một hiện thực tươi đẹp, hạnh phúc trong tương lai; đối lập với hiện thực đau khổ ở hiện tại.

Câu 3. Hai câu thơ:

“Giấc mơ đêm cứu vớt cho ngày

Trong hư ảo người sống phần thực nhất” có thể hiểu là:

- Những giấc mơ tươi đẹp vào ban đêm chính là “liều thuốc an thần”, giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng, tạm thời quên đi những khó khăn, mệt mỏi trong cuộc sống thực ban ngày.

- Những điều đến với ta trong giấc mơ chính là cái khát vọng thầm kín nhưng chân thực nhất: đó là những điều ám ảnh ta nhất, khiến ta khát khao muốn đạt được nhất.

Câu 4.

Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm, miễn là có lý giải phù hợp thì đều đạt điểm. Gợi ý:

- Đồng tình

- Lý giải:

+ Bờ luôn là cái nhỏ bé, trong khi biển luôn là cái rộng lớn, bao la. Cũng như vậy, đời sống luôn là cái hạn hẹp, nghèo nàn; trong khi đó giấc mơ luôn mở ra một thế giới vô cùng rộng lớn và phong phú.

+ Nếu không có biển, bờ sẽ không còn lí do để tồn tại. Cũng như vậy, nếu không có những giấc mơ, những khát vọng để hướng về những điều tốt đẹp; cuộc đời sẽ trở nên vô vị, mất hết ý nghĩa.

II. ĐÁP ÁN PHẦN LÀM VĂN (7,0 ĐIỂM)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn thơ ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: giấc mơ vẫy gọi những con người.

Thí sinh có thể vận dụng các thao tác lập luận khác nhau để triển khai vấn đề cần nghị luận, tuy nhiên phải đúng trọng tâm mà đề bài yêu cầu. Có thể tham khảo hướng sau:

- Giấc mơ ở đây có thể hiểu là khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp, để làm cho cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn. “Giấc mơ vẫy gọi con người” muốn nói về ý nghĩa của giấc mơ trong việc thúc đẩy con người tiến về phía trước.

- Giấc mơ vẽ nên một viễn cảnh tươi đẹp, từ đó tạo ra động lực, niềm cảm hứng để giúp chúng ta tiến về phía trước.

- Giấc mơ giúp chúng ta có đủ sức mạnh để đối mặt và vượt qua những khó khăn

- Giấc mơ giúp chúng ta bớt bận tâm bởi những việc vô bổ; tránh xa những cám dỗ xấu xa để tập trung vào những việc có ích

- Giấc mơ giúp chúng ta có cái nhìn tích cực, lạc quan hơn về cuộc sống

v.v…

Xem thêm tài liệu văn mẫu phân tích hình tượng nhân vật bà cụ Tứ để

Câu 2 (5,0 điểm)

Mở bài:

- Nêu những nét khái quát về tác giả Kim Lân và truyện ngắn “Vợ nhặt”

- Nêu ra được vấn đề: vẻ đẹp tâm hồn người mẹ qua nhân vật bà cụ Tứ

Thân bài: 

1. Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của bà cụ Tứ

a. Giới thiệu: Bà cụ Tứ là một người mẹ nghèo khổ, lam lũ

b. Vẻ đẹp tâm hồn:

- Bà cụ Tứ là một người rất mực thương con: 

+ Khi biết Tràng lấy vợ, bà vừa ai oán cho hoàn cảnh, vừa xót thương cho số kiếp con mình

+ Khi nghĩ đến cái hiện thực đói khát mà các con mình phải đối mặt, bà đã không cầm được nước mắt

+ Ở bữa cơm đón dâu, bà đã cố gắng, chắt chiu để có được nồi cháo cám, cố gắng để niềm vui của các con không bị gián đoạn

+ Khi nghe tiếng trống thúc thuế vang lên, một lần nữa bà lại khóc khi nghĩ đến cuộc sống của những đứa con mình.

- Bà là một người mẹ nhân hậu, bao dung:

+ Bà chấp nhận việc người phụ nữ theo không con mình, mà lại là theo không ngay giữa nạn đói

+ Không những thế, bà còn bày tỏ lòng yêu thương, cảm thông và biết ơn đối với người đàn bà xa lạ

- Bà cụ Tứ còn là một người mẹ giàu tinh thần lạc quan:

+ Khi hiểu ra việc Tràng lấy vợ, bà đã động viên, an ủi các con tin tưởng vào tương lai: Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời

+ Sáng hôm sau, bà tỏ ra vui vẻ, hoạt bát khác hẳn ngày thường. Bà thu dọn nhà cửa, với niềm tin rằng cuộc đời rồi sẽ tốt đẹp hơn

+ Trong bữa cơm đón dâu, bà toàn nói chuyện vui, chuyện sung sướng về sau

+ Kể cả khi phải ăn sang cháo cám, thái độ của bà vẫn rất vui vẻ.

=> Tất cả những vẻ đẹp tâm hồn ấy đều xuất phát từ một cội nguồn duy nhất: đó là lòng thương con vô bờ bến của người mẹ già nghèo khổ.

2. Vài nét đặc sắc về nghệ thuật:

- Nghệ thuật tạo tình huống độc đáo

- Nghệ thuật trần thuật sinh động

- Nghệ thuật miêu tả tâm lý đặc sắc

Kết luận: Khái quát lại vấn đề, nêu cảm nhận của em về nhân vật.

-----------------------------

ĐỀ SỐ 4

I – ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Bài học về việc đón nhận thành công luôn thật dễ hiểu và dễ thực hiện. Nhưng đối mặt với thất bại, nhất là thất bại đầu đời, lại là điều không hề dễ dàng. Với tất cả mọi người, thất bại - nhất là thất bại trong các mối quan hệ - thường vẫn tạo ra những tổn thương sâu sắc. Điều này càng trở nên nặng nề đối với các bạn trẻ. Nhưng bạn có biết rằng tất cả chúng ta đều có quyền được khóc? Vậy nên nếu bạn đang cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng thì hãy cho phép mình được khóc. Hãy để những giọt nước mắt ấm nồng xoa dịu trái tim đang thổn thức của bạn. Và hãy tin rằng ở đâu đó, có một người nào đó vẫn đang sẵn lòng kề vai cho bạn tựa, muốn được ôm bạn vào lòng và lau khô những giọt nước mắt của bạn... Muốn nhìn thấy cầu vồng, ta phải đi qua cơn mưa... Vì thế, hãy tin ngày mai nắng sẽ lên, và cuộc đời lại sẽ ươm hồng những ước mơ của bạn, một khi bạn còn giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin.

 (Theo Hạt giống tâm hồn dành cho tuổi teen, Tập 2 -Nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012, trang 02)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả, điều gì có thể giúp con người đứng lên sau thất bại?

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Muốn nhìn thấy cầu vồng, ta phải đi qua cơn mưa…

Câu 4. Anh/chị có đồng ý với ý kiến: “hãy tin ngày mai nắng sẽ lên, và cuộc đời lại sẽ ươm hồng những ước mơ của bạn, một khi bạn còn giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin”? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của bản thân về cách ứng xử của bản thân khi gặp thất bại trong cuộc sống.

Câu 2. (5,0 điểm)

Trong bài thơ Sóng, Xuân Quỳnh viết:

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

(Theo Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr155)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét về nét riêng trong cách thể hiện tình yêu của nhà thơ Xuân Quỳnh.

HẾT

(Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)

ĐÁP ÁN

I. Đọc hiểu

Câu 1. Phương thức biểu đạt: nghị luận

Câu 2. Theo tác giả, niềm tin vào ngày mai, vào những điều tốt đẹp sẽ giúp con người đứng lên sau thất bại

Câu 3.

- Biện pháp tu từ: ẩn dụ: Cầu vồng (thành công), cơn mưa (khó khăn, thất bại)

- Tác dụng: làm cho cách diễn đạt trở nên gợi hình, gợi cảm. Nó cũng giúp chúng ta liên tưởng một điều: Muốn có được thành công, chúng ta phải trải qua những thử thách, gian khổ.

Câu 4

- Thí sinh thể hiện rõ quan điểm: có thể đồng tình/không đồng tình/ đồng tình một phần.


- Thí sinh lí giải được quan điểm của mình một cách hợp lý

II. Làm văn

Câu 1. Viết đoạn văn về cách ứng xử của con người khi gặp thất bại

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

cách ứng xử của bản thân khi gặp thất bại

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ cách ứng xử của bản thân khi gặp thất bại

Có thể triển khai theo hướng:

- Tìm hiểu nguyên nhân thất bại

- Phải đối diện với thất bại và thừa nhận nó.

- Có thái độ phù hợp: tích cực, không bi quan

- Từ thất bại rút ra bài học kinh nghiệm, học hỏi thêm để hoàn thiện bản thân

- Đừng ngồi yên quá lâu, đứng dậy tiếp tục lập kế hoạch và hành động…

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2. Cảm nhận về đoạn thơ trong bài thơ Sóng, từ đó nhận xét về nét riêng trong cách cảm nhận tình yêu của Xuân Quỳnh.

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Hình tượng sóng và em trong khổ 5,6,7 của bài thơ Sóng.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Xuân Quỳnh, bài thơ “Sóng” và vấn đề nghị luận.

*Cảm nhận đoạn thơ :

- Nhân vật trữ tình thể hiện chiều sâu nỗi nhớ thiết tha, mãnh liệt. Nỗi nhớ đi cả vào tâm thức, tiềm thức khiến nhân vật trữ tình trăn trở: con sóng dưới lòng sâu…

- Người phụ nữ khẳng định tình yêu thuỷ chung, son sắt dù có đi về nơi nào cũng chỉ hướng về một phương – đó là phương anh : Dẫu xuôi về phương Bắc…

- Nhân vật trữ tình tiếp tục chiêm nghiệm về những con sóng ngoài khơi xa luôn tìm về bờ dù xa xôi cách trở cũng như em luôn hướng về anh, anh là bến bờ bình yên của đời em .Từ những chiêm nghiệm về quy luật của sóng. Con nào...cách trở nhân vật trữ tình thể hiện niềm tin mãnh liệt vào tình yêu, lòng thủy chung có thể chiến thắng mọi khoảng cách, trở ngại để cập bến bình yên

+ Đánh giá:

- Nội dung :

+ Đoạn thơ thể hiện hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ Sóng – người phụ nữ đang yêu với tình yêu tha thiết thuỷ chung trọn vẹn trước sau không đổi dù bất kỳ hoàn cảnh nào.

+ Thể hiện vẻ đẹp người phụ nữ vừa truyền thống, vừa hiện đại luôn tha thiết khắc khoải trong hạnh phúc đời thường.

+ Thể hiện phong cách thơ Xuân Quỳnh và đóng góp của tác giả đối với đề tài tình yêu trong thơ ca

- Nghệ thuật :

Thể thơ 5 chữ, nhịp điệu tiết tấu dồn dập tạo âm hưởng dạt dào của sóng; xây dựng hình tượng sóng đôi: sóng và em; ngôn ngữ sinh động, giàu hình ảnh, giàu sức biểu cảm; sử dụng thành công các biện pháp tu từ : điệp, nhân hoá, đối lập, ẩn dụ...

Nét riêng trong cách thể hiện tình yêu của Xuân Quỳnh:

- Xây dựng hai hình tượng sóng đôi: sóng và em, tình yêu bởi thế có lúc được thể hiện trực tiếp, có lúc thể hiện qua cách nói ẩn dụ.

- Xây dựng hình tượng nhân vật trữ tình – người phụ nữ vừa mang chiều sâu của tình cảm vừa có sự nặng trĩu của lý trí; vừa có sự lo âu, vừa có sự tin tưởng về tình yêu. Tất cả được thể hiện qua cách nói mộc mạc, dung dị, gần gũi.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

-----------------------------

ĐỀ SỐ 5

PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Sự thiếu trung thực sẽ ảnh hưởng đến bản thân ta rất nhiều: Sự thiếu trung thực trong kinh doanh, những mối quan hệ của doanh nhân cũng trở nên hời hợt, dẫn đến thiếu vắng những tình cảm chân thành, những điều giá trị hơn trong cuộc sống; Sự thiếu trung thực trong học tập làm người học sinh trở nên coi thường kiến thức, coi thường giá trị của sự khổ công trong học tập, rèn giũa của mình, mà chỉ còn chú ý đến những con điểm, đến những mánh khóe để đạt được điểm cao; Sự thiếu sự trung thực trong đời sống gia đình sẽ dẫn đến sự mất niềm tin lẫn nhau của mọi thành viên, là một nguy cơ làm gia đình tan rã… Thói quen thiếu trung thực dần dần khiến con người cũng phải tự lừa dối chính mình, huyễn hoặc mình, và không còn nhìn thấy những nguy cơ, thách thức sắp đến nên không có phản ứng kịp lúc và nhấn chìm mình trong sai lầm triền miên. (…) Chính vì vậy, mỗi khi định làm gì đó thiếu trung thực, trái với lương tâm của mình, bạn hãy nhớ kỹ: những gì mà việc đó đem lại cho bạn không thể bù đắp được “cái giá” mà bạn và những người xung quanh phải trả.

(2) Mỗi người đều có một “la bàn” cho chính mình, đó không phải là tài năng, không phải là ước mơ, nó không chỉ cho bạn cái đích cần đến, nhưng nó giữ cho bạn đi đúng hướng và không bị lạc đường, không bị sa ngã. Chiếc la bàn ấy là thứ tối quan trọng để bạn có thể “lãnh đạo chính mình”, nó được cất trong tim mỗi người, luôn sẵn sàng cho bạn, chỉ tùy thuộc vào bạn có đủ dũng khí sử dụng nó hay không thôi. Chiếc la bàn ấy có tên là Trung thực.

(Nhóm tác giả Nguyễn Thành Thân, Nguyễn Hoàng Sơn, Lương Dũng Nhân – Thắp ngọn đuốc xanh – NXB Trẻ, 2018, Tr 96,97)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5 điểm)

Câu 2: Theo tác giả, mỗi khi định làm gì đó thiếu trung thực, cần nhớ kỹ điều gì? (0,5 điểm)

Câu 3: Xác định và nêu hiệu quả của phép tu từ nổi bật được sử dụng trong đoạn (1) (1,0 điểm)

Câu 4: Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Tại sao? (1,0 điểm)

PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc sống trung thực.

Câu 2 (5,0 điểm)  

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sóng không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể


Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

(Trích Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD, 2018)

Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ trên. Theo anh/ chị những suy nghĩ của Xuân Quỳnh về tình yêu trong đoạn thơ trên có còn phù hợp với giới trẻ hôm nay?

Hết

GỢI Ý ĐÁP ÁN ĐỀ THI

PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận (0,5 điểm)

Câu 2:

Theo tác giả, mỗi khi định làm gì đó thiếu trung thực, cần nhớ kỹ: những gì mà việc đó đem lại cho không thể bù đắp được “cái giá” mà chúng ta và những người xung quanh phải trả. (0,5 điểm)

Câu 3: Xác định và nêu hiệu quả của phép tu từ nổi bật được sử dụng trong đoạn (1) (1,0 điểm). HS có thể nêu một trong hai biện pháp tu từ sau:

a. Phép điệp cấu trúc ngữ pháp (Sự thiếu trung thực trong….) (0,5 điểm)

- Tác dụng: tạo nhịp điệu cho câu văn; nhấn mạnh tác hại của việc sống thiếu trung thực. (0,5 điểm)

b. Phép liệt kê (...trong kinh doanh, trong học tập, trong đời sống gia đình...) (0,5 điểm)

-Tác dụng: diễn tả một cách đầy đủ, cụ thể, sâu sắc những biểu hiện của sự thiếu trung thực, qua đó nhấn mạnh tác hại của lối sống này. (0,5 điểm)

Câu 4:

Học sinh nêu thông điệp và lý giải. Có thể có những thông điệp khác nhau. (1,0 điểm).

- Nêu thông điệp: 0.25 điểm

- Lí giải: 0,75 điểm

Giáo viên tùy thuộc vào sự lý giải của học sinh để cho điểm phù hợp.

PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: Nghị luận xã hội (2,0 điểm)

a) Yêu cầu:

- Về kĩ năng: Học sinh biết viết đoạn văn nghị luận xã hội, biết triển khai luận điểm, diễn đạt mạch lạc.

- Về hình thức:

+ Không tách dòng (Tách dòng: - 0,5 điểm).

+ Số chữ theo quy định, được phép + 3 dòng.

- Yêu cầu về nội dung: Bài làm có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng phải phù hợp với chuẩn mực, biết cách vận dụng các thao tác nghị luận.

b) Gợi ý:

HS biết cách viết đoạn văn nghị luận, vận dụng tốt thao tác lập luận, có những ý cơ bản sau:

- Xác định được vấn đề nghị luận: ý nghĩa của sự trung thực trong đời sống.

- Giải thích sự trung thực: Trung thực là luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lí, lẽ phải; sống ngay thẳng, thật thà và dũng cảm nhận lỗi khi mắc khuyết điểm.

- Ý nghĩa của việc sống trung thực: Trung thực giúp có ý thức tốt trong học tập, trong công việc; Giúp có được tình cảm của mọi người và dần có chỗ đứng trong xã hội; Giúp sửa chữa được sai lầm để bản thân thành người tốt, hoàn thiện nhân cách. Trung thực khiến người khác tin tưởng, được giao phó những công việc quan trọng, có ý nghĩa trong cuộc sống. Trung thực sẽ giúp cho xã hội trong sạch, văn minh, phát triển hơn.

- Phê phán những người sống thiếu trung thực.

- Bài học: Học sinh cần rèn luyện đức tính trung thực để có hiệu quả học tập tốt nhất, thành công bằng chính lực học, kiến thức của bản thân.

c) Biểu điểm:

• Điểm 2: Văn viết lưu loát, mạch lạc, từ dùng chính xác, ấn tượng sử dụng được các thao tác lập luận.

• Điểm 1: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cơ bản của đề nhưng chưa có chiều sâu, diễn đạt có chỗ chưa thật lưu loát.

• Điểm 0: Để giấy trắng, lạc đề.

Câu 2: Nghị luận văn học (5,0 điểm)

* Yêu cầu về kĩ năng:

- Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học, nắm vững kĩ năng phân tích thơ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, văn viết có cảm xúc.

- Không mắc lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

- Khuyến khích những bài viết thể hiện cá tính, sáng tạo.

* Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau. Song trên cơ sở của việc phân tích đoạn thơ, học sinh cần chỉ ra được những vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam.

Cụ thể bài làm cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản:

1. Giới thiệu ngắn gọn (1,0 điểm)

- Tác giả Xuân Quỳnh

- Bài thơ “Sóng”

- Đoạn thơ cần phân tích + Trích dẫn đoạn thơ

2. Cảm nhận về đoạn thơ (2,0 điểm)

Qua việc phân tích đoạn thơ, học sinh phải nêu được những cảm nhận của bản thân về cái hay của đoạn trích và cái tài của tác giả. Đó là:

- Đoạn thơ nói về sóng nhưng lại gợi nhiều liên tưởng đến tình yêu : cả hai đều có nhiều cung bậc, trạng thái và luôn hướng đến cái lớn lao, cao cả (Khổ 1); bất biến với thời gian( khổ 2)

- Đoạn thơ cho thấy nhiều vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong bài Sóng Việt Nam.

3. Đánh giá (1,0 điểm)

- Sóng là một trong những bài thơ tình đặc sắc của Xuân Quỳnh.

- Viết về tài cũ nhưng Xuân Quỳnh có cách thể hiệY4n riêng (ngôn ngữ, âm điệu, nhân vật trữ tình…), qua đó tác giả đã đem đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về tình yêu và thích thú với những phát hiện của tác giả..

4. Liên hệ (1,0 điểm)

- Học sinh có quyền nêu những nhận xét của cá nhân với quan điểm của riêng mình ( cho rằng vẫn còn rất đúng hoặc cho rằng không còn phù hợp) nhưng phải lập luận có sức thuyết phục.

- Không cho điểm tối đa nếu nhận xét sơ sài hoặc quá chung chung.

- Không cho điểm cách viết thiếu tôn trọng.

Biểu điểm:

- Điểm 5: Bài làm đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của đề. Biết sử dung các thao tác lập luận trong văn nghị luận. Có khả năng cảm thụ tốt. Bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, lập luận chặt chẽ; có cảm xúc và sáng tạo.

- Điểm 3 – 4: Hiểu nhưng trình bày chưa có chiều sâu, phân tích đôi chỗ còn vụng. Bố cục rõ ràng, diễn đạt tương đối trôi chảy, lập luận tương đối chặt chẽ; còn mắc một số lỗi dùng từ, chính tả, ngữ pháp.

- Điểm 2: Bài làm còn sơ sài, nhiều chỗ sa vào diễn xuôi ý thơ. Mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

- Điểm 1: Chưa hiểu đề; sai lạc kiến thức; mắc rất nhiều lỗi diễn đạt.

- Điểm 0: Không làm bài.

 

Xem thêm