Vội vàng (Xuân Diệu)

I. Tiểu dẫn

- Xuân Diệu (1916 - 1985) có bút danh là Trảo Nha, tên khai sinh là Ngô Xuân Diệu. Ông từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III, năm 1996, ông được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

- Các tác phẩm thơ tiêu biểu: Thơ thơ, Gửi hương cho gió, Riêng chung…

- Bài thơ Vội vàng được in trong tập Thơ thơ (1938).

II. Văn bản (SGK)

1. Bố cục bài thơ và ý chính từng đoạn.

- Bài thơ được chia thành ba đoạn:

+ Đoạn 1 (13 câu thơ đầu): Bộc lộ tình yêu tha thiết với cuộc sống.

+ Đoạn 2 (từ câu 14 đến câu 29): Nỗi băn khoăn về sự ngắn ngủi của kiếp người trước sự trôi qua nhanh chóng của thời gian.

+ Đoạn 3 (còn lại): Lời giục giã cuống quýt, vội vàng tận hưởng những giây phút tuổi xuân.

- Ba đoạn thơ vận động tự nhiên về cảm xúc, chặt chẽ về luận lí, bài thơ là dòng chảy dào dạt, hồn nhiên của tâm trạng.

2. Cảm nhận của tác giả về thời gian.

- Thời gian của tự nhiên luôn tuân thủ quy luật bất biến nhưng quan niệm về thời gian, sự cảm nhận về thời gian ở mỗi cá nhân có thể khác nhau.

- Trong Vội vàng, Xuân Diệu đưa ra quan niệm mới, cảm nhận mới về thời gian, thời gian là tuyến tính, một đi không trở lại. Vũ trụ không ngừng vận động, thời gian luôn luôn trôi, mỗi giây phút trôi qua là mất đi vĩnh viễn.

“Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già”.

- Nhà thơ lấy lấy khoảng thời gian quý giá nhất của mỗi cá nhân là tuổi trẻ để làm thước đo thời gian. Ông khẳng định dẫu vũ trụ có thể vĩnh viễn, thời gian có thể tuần hoàn nhưng "tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại".

- Nhìn thấu sự trôi chảy nhanh chóng, một đi không trở lại của thời gian nên cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu là mỗi khoảnh khắc trôi qua là một sự mất mát, chia lìa:

"Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi

Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt".

- Mỗi sự vật trong vũ trụ đang từng giây, từng phút ngậm ngùi chia li, tiễn biệt một phần của đời mình.

- Cách cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu là do ý thức sâu sắc về "cái tôi" cá nhân, về sự tồn tại có ý nghĩa của mỗi cá nhân trên đời, nâng niu trân trọng từng giây, từng phút của cuộc đời, nhất là những năm tháng tuổi trẻ. Vì thế hãy mau lên, "vội vàng" lên để tận hưởng những giây phút tuổi xuân, tận hưởng những gì mà cuộc đời ban tặng. Đó là niềm khát khao sống sôi nổi, mãnh liệt của thanh niên, của tuổi trẻ.

3. Hình ảnh thiên nhiên được tác giả diễn tả trong bài thơ.

- Vội vàng cuống quýt níu giữ thời gian, khát khao sống, Xuân Diệu đã phát hiện ra vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên và thổi vào đó một tình yêu rạo rực, đắm say, ngây ngất. Tuy nhiên hình ảnh thiên nhiên và sự sống qua cảm nhận của Xuân Diệu còn nhuốm màu chia li, mất mát:

" Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi [...]

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa".

Đây chính là hình ảnh thiên nhiên và cuộc sống được cảm nhận qua lăng kính thời gian, một thời gian trôi qua nhanh chóng, một đi không trở lại.

- Thiên nhiên qua con mắt Xuân Diệu đều nhuốm màu tình tứ, tràn ngập xuân tình, qua cách miêu tả hình ảnh thiên nhiên, Xuân Diệu đã thể hiện quan niệm mới về cuộc sống, về tuổi trẻ và hạnh phúc. Thời gian quý giá nhất của mỗi đời người là tuổi trẻ, mà hạnh phúc lớn nhất của tuổi trẻ chính là tình yêu. Đó là một quan niệm mới, tích cực, thấm đượm nhân văn.

4. Đặc điểm của hình ảnh, ngôn từ và nhịp điệu của đoạn thơ cuối.

- Hình ảnh trong đoạn thơ cuối gần gũi, quen thuộc mà tươi mới, giàu sức sống, đầy quyến rũ và tình tứ.

- Ngôn từ của bài thơ tự nhiên, gần với lời nói đời thường, nhưng được nâng lên thành nghệ thuật. Cảm xúc dào dạt, mãnh liệt đã tạo nên những làn sóng ngôn từ vừa đan vào nhau, vừa cộng hưởng với nhau theo chiều tăng tiến. Tác giả dùng dồn dập những động từ mạnh, tăng tiến chỉ động tác đắm say; nhiều danh từ chỉ vẻ đẹp thanh tân, tươi trẻ; nhiều tính từ chỉ xuân sắc; nhiều điệp từ, điệp cú pháp có tác dụng nhấn mạnh ý khiến nhịp điệu của đoạn thơ dồn dập, sôi nổi, hối hả, cuồng nhiệt.