Viết văn bản thuyết minh thuật lại một sự kiện

- Cuộc sống quanh ta hàng ngày diễn ra biết bao sự kiện đáng quan tâm. Nhưng vì nhiều lí do, rất nhiều sự kiện chúng ta không được tham gia hoặc chứng kiến. Kiểu bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện sẽ giúp người viết chia sẻ với người đọc các thông tin và diễn biến của sự kiện mà mình đã tham gia hoặc chứng kiến.

- Thuyết minh thuật lại một sự kiện là kiểu bài người viết dùng lời văn và một số phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ để thuật lại một sự kiện theo đúng diễn biến trong thực tế nhằm giúp người đọc, người nghe nắm được diễn biến của sự kiện và những thông tin liên quan đến sự kiện ấy.

- Yêu cầu đối với kiểu bài:

+ Giới thiệu được sự kiện, thời gian và địa điểm diễn ra sự kiện.

+ Thuật lại đủ các hoạt động chính của sự kiện theo một trình tự hợp lí.

+ Sử dụng thông tin chính xác, tin cậy trong khi thuật lại sự kiện.

+ Đưa ra được nhận xét, đánh giá hoặc cảm nhận của người viết về sự kiện.

+ Bài văn đảm bảo bố cục:

* Mở bài: giới thiệu sự kiện cần thuyết minh thuật lại.

* Thân bài: thuyết minh thuật lại sự kiện theo một trình tự hợp lí.

* Kết bài: bài phát biểu cảm nhận hoặc đánh giá về sự kiện.

Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

1. Các thông tin về tên sự kiện, thời gian và địa điểm được giới thiệu như thế nào trong bài viết?

Các thông tin về tên sự kiện, thời gian và địa điểm được giới thiệu rõ ràng và cụ thể ngay trong phần mở bài.

2. Người viết đã thuật lại những hoạt động nào của sự kiện? Nhận xét về cách sắp xếp các hoạt động.

Người viết đã thuật lại những hoạt động của sự kiện:

+ Nghi thức và khai mạc (lễ rước đuốc, thắp lửa truyền thống).

+ Cuộc diễu hành của bốn khối lớp.

+ Chương trình đồng diễn thể dục.

+ Thi đấu (kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố…).

3. Khi thuật lại sự kiện, người viết đã đưa ra những thông tin cụ thể nào?

- Khi thuật lại sự việc người viết đã đưa ra các thông tin cụ thể về thời gian, thời điểm gắn với diễn biến của sự kiện (bắt đầu lúc 8 giờ sáng, đến 10 giờ 30 kết thúc lễ khai mạc), cung cấp số liệu chính xác về sự kiện (10 huy chương, 400 người tham gia, tăng 15%).

4. Người viết nêu cảm nhận hoặc nhận xét, đánh giá gì về sự kiện?

Người viết nhận xét, đánh giá về sự kiện (vui vẻ, tưng bừng) và đưa ra cảm nhận (có lẽ mãi in đậm sâu trong tâm trí).

Đề bài: Viết bài văn khoảng 400 chữ thuyết minh lại một sự kiện (lễ hội) mà em đã từng tham dự hoặc chứng kiến.

Hướng dẫn quy trình viết

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết.

- Xác định đề tài:

+ Sự kiện đã tham gia hoặc chứng kiến.

+ Sự kiện yêu thích, có hứng thú để thuật lại.

+ Sự kiện thuận lợi trong việc quan sát thực tế, tìm kiếm tư liệu, thông tin chuẩn bị cho bài viết (lễ khai giảng, bế giảng năm học; lễ chào cờ, Hội khỏe Phù Đổng…).

- Thu thập tư liệu:

+ Những hồi tưởng và ghi chép về một số hoạt động chính trong sự kiện mà em đã tham dự, chứng kiến.

+ Những bài báo, hồi kí, trang web viết về sự kiện muốn thuật lại.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý.

- Tìm ý:

Để hình thành ý tưởng, tìm ý cho bài viết, cần ghi lại những thông tin liên quan đến sự kiện được thuyết minh. Ví dụ: thời gian, địa điểm; các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ có thể sử dụng; những hoạt động chính; cảm nhận, nhận xét, đánh giá về sự kiện.

- Lập dàn ý: Hãy xác định các hoạt động chính và sắp xếp theo trình tự hợp lí.

+ Tìm các tấm ảnh liên quan đến cảnh sinh hoạt đã lưu giữ để đưa vào bài viết.

+ Xác định định hướng bài viết như: bắt đầu thuật lại từ đâu, hoạt động nào trước, hoạt động nào sau, kết thúc ở đâu, kết hợp thuật với miêu tả, biểu cảm ở mức độ nào, hình ảnh, hoạt động nào trong lễ hội là điểm nhấn.

+ Hình dung về mạch gắn kết giữa mở bài, kết bài với thân bài (cần lưu ý làm thế nào để giúp người đọc hình dung rõ về sự kiện) và lập dàn ý cho bài viết theo một trình tự logic dưới dạng đề cương hoặc sơ đồ.

Dàn ý của bài văn gồm ba phần:

* Mở bài: Giới thiệu sự kiện được thuật lại (sự kiện gì, diễn ra ở đâu, vào thời điểm nào).

* Thân bài: Thuật lại các hoạt động trong sự kiện theo diễn tiến thời gian (quang cảnh, không khí nơi sự kiện diễn ra; sự việc, hoạt động mở đầu; các sự việc, hoạt động thiếp theo; sự việc, hoạt động cuối cùng), sử dụng thông tin chính xác, tin cậy.

* Kết bài: Đưa ra lời nhận xét, đánh giá hoặc nêu cảm nhận chung về sự kiện.

Bước 3: Viết bài.

Dựa vào dàn ý, viết thành một bài văn hoàn chỉnh. Khi viết, cần đảm bảo yêu cầu của kiểu bài thuyết minh về một sự kiện.

Bước 4: Xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm.