Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt

- Tả cảnh sinh hoạt là dùng khả năng quan sát và lời văn gợi tả, làm sống lại bức tranh sinh hoạt, giúp người đọc hình dung được rõ nét về không khí, đặc điểm nổi bật của cảnh đó.

- Yêu cầu:

+ Giới thiệu được cảnh sinh hoạt, thời gian và địa điểm diễn ra cảnh sinh hoạt.

+ Tả lại cảnh sinh hoạt theo một trật tự hợp lí (từ xa đến gần, từ bao quát đến cụ thể...).

+ Thể hiện được hoạt động của con người trong thời gian, không gian cụ thể.

+ Gợi tả được quang cảnh, không khí chung, những hình ảnh tiêu biểu, nổi bật của bức tranh sinh hoạt.

+ Sử dụng phù hợp các từ ngữ chỉ đặc điểm, tính chất, hoạt động...

+ Nêu được suy nghĩ, cảm nhận của người viết về cảnh được miêu tả.

+ Cấu trúc bài văn gồm ba phần:

* Mở bài: giới thiệu cảnh sinh hoạt.

* Thân bài: miêu tả cảnh sinh hoạt theo một trình tự hợp lí.

* Kết bài: phát biểu suy nghĩ hoặc nêu ấn tượng chung về cảnh sinh hoạt.

Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

1. Đoạn mở bài và kết bài đã đáp ứng được yêu cầu về bài văn tả cảnh sinh hoạt chưa?

Đoạn mở bài và kết bài của bài văn đã đáp ứng yêu cầu của bài văn tả cảnh sinh hoạt.

+ Mở bài: giới thiệu cảnh sinh hoạt chợ nổi Cái Răng.

+ Kết bài: phát biểu ấn tượng, cảm xúc sau khi thăm chợ nổi.

2. Tác giả miêu tả cảnh chợ nổi trên sông theo trình tự nào?

Tác giả miêu tả cảnh chợ nổi trên sông theo trình tự từ bao quát đến cụ thể.

3. Bài văn có gợi tả được cử chỉ, hành động của con người gắn với thời gian, không gian cụ thể? Tác giả đã sử dụng các biện pháp tu từ nào để miêu tả?

- Bài văn đã gợi tả được cử chỉ, hành động của con người gắn với thời gian, không gian cụ thể.

- Tác giả đã sử dụng các biện pháp tu từ:

+ So sánh (những vựa trái cây chất cao có ngọn như hòn núi…).

+ Hoán dụ (tiếng rao trên các con thuyền).

+ Liệt kê (rau củ, trái cây, quần áo, dao thớt, hàng gia dụng, hàng xa xỉ…).

4. Người viết có phối hợp các giác quan trong khi quan sát cảnh chợ nổi trên sông?

Người viết đã phối hợp thị giác (hình ảnh những con thuyền trên mặt sông với các loại hàng hóa đa dạng, màu sắc hấp dẫn), thính giác (âm thanh rao hàng) khi quan sát cảnh chợ nổi trên sông.

5. Người viết đã đứng ở đâu để quan sát? Vị trí ấy là cố định hay có dịch chuyển, thay đổi và có giúp việc quan sát thuận lợi hơn không?

Người viết đứng ở trên xuồng máy để quan sát. Xuồng máy di chuyển trên sông nên vị trí của tác giả luôn dịch chuyển, thay đổi và có thể quan sát khung cảnh chợ nổi rõ ràng, chi tiết, mang lại cảm giác chân thực.

6. Từ bài văn trên, em học được những gì về cách miêu tả một cảnh sinh hoạt?

- Để tả một cảnh sinh hoạt chân thực nhất cần giới thiệu được cảnh sinh hoạt, thời gian và địa điểm diễn ra cảnh sinh hoạt.

- Tả cảnh sinh hoạt theo trật tự hợp lí.

- Cần tả quang cảnh, không khí chung, những hình ảnh, hoạt động tiêu biểu, nổi bật.

- Đan xen các từ ngữ chỉ đặc điểm, hoạt động... khi miêu tả

- Trình bày được suy nghĩ, cảm nhận về cảnh sinh hoạt mà mình miêu tả.

Đề bài: Hãy tả lại một cảnh sinh hoạt mà em có dịp quan sát hoặc tham dự.

Hướng dẫn quy trình viết

Bước 1: Chuẩn bị.

- Xác định đề tài: Ví dụ cảnh sum họp của gia đình trong ngày cuối tuần hoặc ngày lễ, tết.

+ Cảnh thu hoạch ngày mùa.

+ Cảnh mua bán trong một siêu thị.

+ Cảnh sân trường trong giờ ra chơi.

- Thu thập tư liệu từ nhiều nguồn như từ thực tế hoặc tài liệu lưu trữ.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý.

- Tìm ý.

+ Cần xác định quan sát đối tượng miêu tả từ khoảng cách gần hay xa, miêu tả theo trình tự nào, cần tập trung khắc họa hình ảnh nào…

+ Ghi lại mọi ý tưởng trong quá trình thu thập tài liệu và tìm ý cho bài viết.

+ Nếu có điều kiện thì quan sát lại nơi diễn ra cảnh sinh hoạt mà mình sẽ miêu tả.

+ Tham khảo các quan sát, tả cảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt của các tác giả đã học.

- Lập dàn ý.

+ Mở bài: Giới thiệu cảnh sinh hoạt được tả, thời gian, địa điểm.

+ Thân bài:

* Tả cảnh sinh hoạt chung bằng cái nhìn bao quát.

* Tả một số hình ảnh cụ thể, nổi bật cở cự li gần.

* Tả sự thay đổi của sự vật của bức tranh sinh hoạt trong thời gian, không gian.

+ Kết bài: nêu cảm nghĩ hoặc ấn tượng chung về cảnh sinh hoạt.

Bước 3: Viết bài.

Bước 4: Xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm.