VB 1: Những cánh buồm

Thơ thuộc loại tác phẩm trữ tình, thiên về diễn tả tình cảm, cảm xúc của nhà thơ. Thơ có hình thức cấu tạo đặc biệt. Thơ cách luật có quy tắc nhất định về số câu, số chữ, gieo vần...
- Thơ tự do không có quy tắc nhất định về số câu số chữ, gieo vần... như thơ cách luật. Bài thơ tự do có thể liền mạch hoặc chia thành các khổ thơ. Số dòng trong một khổ thơ và số chữ trong một dòng cũng không theo quy tắc.
- Yếu tố miêu tả và tự sự trong thơ làm cho bài thơ thêm gợi tả, hấp dẫn. Yếu tố miêu tả góp phần làm rõ đặc điểm, tính chất của sự vật, hiện tượng. Yếu tố tự sự được dùng để thuật lại sự việc, câu chuyện khi cần. Cả hai yếu tố đều làm cho việc thể hiện tình cảm, cảm xúc trong thơ thêm sâu sắc, độc đáo.
- Ngôn ngữ thơ hàm súc, giàu nhạc điệu, hình ảnh, thể hiện những rung động, suy tư của người viết. Vì vậy, tìm hiểu một bài thơ cũng chính là khám phá những tình cảm, cảm xúc mà tác giả gửi gắm qua ngôn ngữ thơ.
- Từ đa nghĩa và từ đồng âm.
+ Từ đa nghĩa là từ có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa gốc và nghĩa chuyển. Nghĩa gốc là nghĩa xuất hiện trước, làm cơ sở để hình thành các nghĩa khác. Nghĩa chuyển là nghĩa được hình thành trên cơ sở nghĩa gốc.
Ví dụ: từ “đi” trong hai ví dụ sau là từ đa nghĩa:
* Hai cha con bước đi trên cát.
* Xe đi, chậm rì.
+ “Đi,” là nghĩa gốc chỉ hành động của người hay động vật tự di chuyển bằng những động tác liên tiếp của chân. “Đi,” là nghĩa chuyển chỉ hoạt động di chuyển của phương tiện vận tải trên một bề mặt.
+ Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh nhưng nghĩa khác nhau, không liên quan gì với nhau.
Ví dụ: từ “tiếng” trong hai ví dụ sau là hai từ đồng âm khác nghĩa:
* Lời của con hay tiếng sóng (1) thầm thì.
* Một tiếng (2) nữa con sẽ về đến nhà.
+ Tiếng (1) là từ chỉ âm thanh phát ra từ một sự vật, đối tượng. Tiếng (2) là chỉ thời gian một giờ đồng hồ.
+ Từ đồng âm đôi khi được sử dụng để tạo ra những cách nói độc đáo.
Ví dụ: Con ngựa đá con ngựa đá
.
- Nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925 - 1993) quê ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Thơ của ông giản dị, cô đọng, chứa đựng những cảm xúc trong sáng. Nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc.

- Bài thơ Những cánh buồm nằm trong tập thơ cùng tên của NXB Văn học, Hà Nội xuất bản năm 1964. Bài thơ là một trong những tác phẩm hay về ngôn từ, âm hưởng và có sức gợi cảm.

Chuẩn bị đọc

Gia đình là nơi chúng ta gắn bó và có nhiều kỉ niệm. Hãy nhớ lại một kỉ niệm sâu sắc giữa em và người thân để chia sẻ với các bạn trong lớp.

Kỉ niệm sâu sắc nhất là vào năm lớp 5, khi cùng gia đình chuyển đến nơi ở mới rất xa, em rất sợ nên cứ níu áo mẹ không chịu vào lớp học mới, mẹ rất bực nhưng vì thương em nên vẫn an ủi, vỗ về, giúp em bớt hoảng sợ và nhờ cô giáo cùng các bạn giúp em hòa nhập với môi trường mới. Sau này cả nhà thường trêu đùa em là sắp tốt nghiệp tiểu học mà vẫn nhát gan như thỏ, nhưng chính kỉ niệm ấy khiến em càng yêu thương, trân trọng gia đình hơn.

Trải nghiệm cùng văn bản

1. Em hình dung như thế nào về hình ảnh người cha và con qua câu thơ "Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng/Nghe con bước lòng vui phơi phới"?

Em hình dung ra dưới ánh nắng ban mai ấm áp, người cha nắm tay đứa con bé bỏng đi về phía mặt trời với niềm vui rạo rực và niềm tin phơi phới vào tương lai.

2. Câu thơ "Cha mượn cho con buồm trắng nhé/Để con đi..." thể hiện mong muốn gì của người con?

Đứa trẻ đứng trước không gian rộng lớn của biển khơi như đứng trước cánh cửa đời mở rộng với bao điều hấp dẫn, bí ẩn, mời gọi nên mong ước được căng buồm ra biển lớn, được khám phá về những điều chưa biết về biển rộng, về cuộc sống bao la vô bờ.

3. Em hiểu như thế nào về câu thơ: "Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con"?

Người cha nhìn con như thấy được hình ảnh của chính mình thời niên thiếu với bao ước mơ, khát vọng. Những gì người cha chưa thể làm được, thực hiện được có thể trong tương lai người con sẽ làm được. Vì thế người cha hi vọng con sẽ mang theo khát vọng của hai cha con đi xa hơn, làm được những điều mình mong muốn.

Suy ngẫm và phản hồi

1. Những dấu hiệu nào giúp em nhận biết Những cánh buồm là một bài thơ?

- Mỗi dòng là một câu khoảng 5 đến 7 tiếng.

- tác phẩm được chia thành nhiều đoạn nhỏ, mỗi đoạn từ 4 dòng.

- Từ ngữ được trình bày ngắn gọn, súc tích.

2. Theo em, bài thơ này có gì độc đáo? Nét độc đáo ấy được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ nào?

Nét độc đáo của bài thơ được thể hiện qua những yếu tố:

- Từ ngữ mang nghĩa chuyển gợi sự liên tưởng thú vị cho người đọc.

- Hình ảnh hai cha con cùng nhau đi dạo rất gần gũi, hình ảnh cánh buồm gợi cho người đọc những xúc cảm về ước mơ thời niên thiếu.

- Biện pháp tu từ được sử dụng là ẩn dụ (ánh mặt trời, ánh nắng bóng hai cha con); liệt kê (có cây, có cửa, có nhà); điệp từ (cha, con).

- Giọng điệu trìu mến, thân thương.

3. Bài thơ có chứa các yếu tố miêu tả và tự sự không? Nếu có em hãy chỉ ra và phân tích tác dụng của các yếu tố đó.

- Bài thơ có chứa các yếu tố tự sự và miêu tả:

+ Tự sự: cuộc đối thoại giữa hai cha con về những thắc mắc trẻ thơ, về ước mơ tuổi trẻ của người cha.

+ Miêu tả: hình ảnh hai cha con dắt nhau đi bên bờ biển trêm nền cát mịn, dưới ánh nắng ban mai hay hình ảnh những cánh buồm căng gió.

- Tác dụng: Làm nổi bật tình cha con thiêng liêng nói riêng và tình cảm gia đình nói chung. Các yếu tố này giúp tác giả thể hiện cảm xúc rõ nét hơn, làm cho bài thơ thêm ấn tượng và đặc sắc.

4. Tình cảm của hai cho con được thể hiện như thế nào trong bài thơ? Điều ấy gợi cho em suy nghĩ gì về tình cảm gia đình?

- Tình cảm của hai cha con dành cho nhau được thể hiện chân thực qua những câu hỏi ngây thơ của đứa trẻ và những câu trả lời của người cha.

- Người cha kiên nhẫn giải đáp những câu hỏi của con, trong câu trả lời chất chứa sự yêu thương vô bờ, sự chia sẻ và nâng cánh ước mơ của con bay cao hơn, xa hơn.

5. Em nhận xét như thế nào về tình cảm, cảm xúc của tác giả thể hiện qua bài thơ.

Tình cảm, cảm xúc của tác giả trong bài thơ rất sống động, chân thật thể hiện qua những suy nghĩ của người cha và cách thể hiện tình cảm cha con gieo vào lòng người đọc một khát vọng tốt đẹp cho cuộc sống.