VB 1: Gió lạnh đầu mùa

Truyện là một loại tác phẩm văn học, sử dụng phương thức kể chuyện, bao gồm các yếu tố chính như: cốt truyện, bối cảnh, nhân vật...
- Chi tiết tiêu biểu là chi tiết gây ấn tượng, cảm xúc mạnh đối với người đọc, góp phần quan trọng tạo nên hình tượng nghệ thuật gợi cảm và sống động trong tác phẩm.
- Ngoại hình của nhân vật là những biểu hiện đặc điểm bên ngoài của nhân vật, thể hiện qua hình dáng, nét mặt, trang phục.
- Ngôn ngữ nhân vật là lời của nhân vật trong tác phẩm, thường được nhận biết về mặt hình thức qua các dấu hiệu như: câu nói được đặt thành dòng riêng và có gạch đầu dòng, câu nói được đặt trong ngoặc kép sau dấu hai chấm.
- Hành động của nhân vật là những động tác, hoạt động của nhân vật, những hành vi, ứng xử của nhân vật với những nhân vật khác và với các sự vật, hiện tượng trong tác phẩm.
- Ý nghĩ của nhân vật là những suy nghĩ của nhân vật về con người, sự vật hay sự việc nào đó. Ý nghĩ thể hiện một phần tính cách, tình cảm, cảm xúc của nhân vật, chi phối hành động của nhân vật.
- Một trong những công dụng của dấu ngoặc kép là đánh dấu cách hiểu một từ ngữ không theo nghĩa thông thường.
- Văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, thường là tập hợp của các câu, đoạn, hoàn chỉnh về nội dung và hình thức, có tính liên kết chặt chẽ và nhằm đạt một mục tiêu giao tiếp nhất định.
- Đoạn văn là đơn vị trực tiếp tạo nên văn bản, thường do nhiều cấu tạo thành và có những đặc điểm sau:
+ Biểu đạt một nội dung tương đối trọn vẹn.
+ Bắt đầu từ chỗ viết hoa lùi vào đầu dòng và kết thúc bằng dấu câu dùng để ngắt đoạn.
+ Có thể có câu chủ đề hoặc không có câu chủ đề. Câu chủ đề nêu ý chính trong đoạn.
+ Câu chủ đề có thể đứng đầu hoặc cuối đoạn văn.
- Nhà văn Thạch Lam (1910 - 1942) tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đó đổi là Nguyễn Tường Lân, sinh tại Hà Nội. Ông là tác giả của nhiều truyện ngắn in trong các tập truyện Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Ngày mới… truyện của Thạch Lam nhẹ nhàng, giàu tình thương con người, đặc biệt là tình thương đối với trẻ thơ.

- Văn bản Gió lạnh đầu mùa được in trong tập ba của tác phẩm Văn chương Tự lực văn đoàn do NXB Giáo dục, Hà Nội xuất bản năm 2001.

- Nội dung truyện Gió lạnh đầu mùa kể về cuộc sống của những đứa trẻ nơi phố chợ nghèo trong một ngày đầu đông. Đoạn trích nằm ở phần cuối truyện kể về việc hai chị em Lan và Sơn được mẹ lấy quần áo rét cho mặc và xem chiếc áo bông cũ của Duyên, người em gái đã mất.

Chuẩn bị đọc

1. Dựa vào nhan đề, em đoán xem văn bản này viết về điều gì?

Dựa vào nhan đề, có thể đoán văn bản viết về những cơn gió lạnh vào đầu mùa đông.

2. Em đã bao giờ làm một việc tốt nhưng bị người khác hiểu lầm và chê trách hay chưa?

Em đã từng gặp một chị bán vé số ngất xỉu trước mặt nên kêu thêm người dìu chị ấy vào ven đường và chờ chị ấy tỉnh lại nhưng sau khi tỉnh, chị ấy lại nghi ngờ em và người bạn kia lấy ví tiền của chị ấy nên em rất buồn.

Trải nghiệm cùng văn bản

1. Hình ảnh Cúc, Xuân, Tý, Túc gợi cho em suy nghĩ gì về cuộc sống của những đứa trẻ nghèo?

- Hình ảnh của Cúc, Xuân, Tý ,Túc gợi hình ảnh về cuộc sống của những đứa trẻ nghèo khổ phải mặc quần áo mỏng manh, rách rưới khi đông về nên rét đến nỗi môi tím tái, da thịt thâm đi và răng thì đập vào nhau.

- Những hình ảnh ấy khiến em cảm thấy đau lòng, thương xót cho cuộc sống của những đứa trẻ bần hàn.

2. Việc Sơn và chị quyết định cho Hiên cái áo thể hiện tính cách gì của hai chị em?

Việc Sơn và chị quyết định cho Hiên cái áo thể hiện chị em Sơn có lòng nhân ái, tốt bụng, trắc ẩn với những số phận bất hạnh.

3. Theo em, trong đoạn tiếp theo, chị em Sơn sẽ gặp chuyện gì?

Trong đoạn tiếp theo, hai chị em Sơn có thể được mẹ khen ngợi vì hành động nhân ái, giúp đỡ người nghèo khổ hoặc có thể bị trách mắng vì tự ý quyết định đem áo cho người khác.

Suy ngẫm và phản hồi

1. Chỉ ra một số từ ngữ thể hiện những ý nghĩ, cảm xúc của nhân vật Sơn trong đoạn văn dưới đây:

Sơn bây giờ mới chợt nhớ ra là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa. Sơn thấy động lòng thương, cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên ngày trước vẫn chơi cùng với Hiên, đùa nghịch ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí, (...).

Những từ ngữ thể hiện những ý nghĩ, cảm xúc của nhân vật Sơn trong đoạn văn: Chợt nhớ, động lòng thương, nhớ thương, ý nghĩ tốt.

2. Các sự việc chính trong Gió lạnh đầu mùa có thể tóm tắt thành chuỗi như sau:

a. Những cơn gió lạnh đầu mùa thổi đến phố chợ.

b. Chị em Lan, Sơn xúng xính trong những chiếc áo ấm đắt tiền; những đứa trẻ nghèo hàng xóm vẫn mặc những chiếc áo mong manh thường ngày; riêng Hiên vẫn mặc chiếc áo rách tơi tả, đang co ro vì lạnh.

c. Ái ngại về hoàn cảnh của Hiên, Sơn và Lan quyết định về nhà lấy áo bông của Duyên (đứa em xấu số), giấu mẹ, mang sang cho Hiên.

d. Chuyện đến tai người nhà, Sơn và Lan sợ bị mẹ mắng, đi đòi lại áo không được, không dám về nhà.

đ. Mẹ Hiên mang áo bông sang nhà trả lại, may mắn được mẹ Sơn và Lan cho vay tiền mua áo ấm cho Hiên.

Em hãy cho biết:

- Các sự việc trên liên quan với nhau như thế nào?

- Nếu không có sự việc (c) thì có xảy ra sự việc (đ) hay không?

- Các sự việc trên liên quan chặt chẽ với nhau, sự việc đứng trước là nguyên nhân dẫn đến sự việc sau, tạo thành chuỗi liền mạch cho văn bản.

- Nếu không có sự kiện (c) thì sẽ không có sự kiện (d) vì từ hành động cho Hiên áo của hai chị em Sơn thì mẹ Hiên mới mang áo đến trả lại.

3. Hành động cho áo góp phần thể hiện tính cách gì của Sơn và Lan? Hành động ấy có ý nghĩa gì với Hiên?

- Hành động cho áo góp phần thể hiện tính cách tốt bụng, biết quan tâm, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn của chị em Sơn.

- Hành động đó của hai chị em Sơn có ý nghĩa lớn với Hiên vì ngoài sự ấm áp của chiếc áo còn có sự ấp áp của tình bạn, tình người.

4. Vì sao người mẹ không trách mắng Sơn và Lan? Hành động của hai đứa trẻ đã tác động thế nào đến cách ứng xử của hai người mẹ ở cuối truyện?

- Người mẹ không trách mắng Sơn và Lan vì hai đứa con đã có hành động đúng, thể hiện sự tốt bụng, quan tâm và sẻ chia.

- Hành động đẹp của hai đứa trẻ đã tác động tới cách ứng xử của hai người mẹ ở cuối truyện, mẹ Sơn tự hào vì con mình đã làm việc tốt, biết đồng cảm, sẻ chia với người khó khăn hơn mình, còn mẹ của Hiên thì ấm lòng vì được cảm thông và trợ giúp.

5. Theo em, việc Lan và Sơn giấu mẹ lấy chiếc áo bông của em Duyên đem cho Hiên là đáng khen hay đáng trách? Vì sao?

- Việc Lan và Sơn giấu mẹ lấy chiếc áo bông của em Duyên đem cho Hiên vừa đáng khen vừa đáng trách.

+ Đáng khen là hai đứa trẻ tốt bụng, sẻ chia và quan tâm những người có hoàn cảnh khó khăn.

+ Đáng trách là chưa xin phép mẹ mà hai chị em đã đem áo đi cho người khác. Đó còn là chiếc áo đặc biệt vì là kỉ vật của đứa em đã mất.

6. Văn bản này viết về đề tài gì?

Đề tài của văn bản là cuộc sống của những đứa trẻ nơi phố chợ nghèo trong cơn gió lạnh đầu đông.

7. Nêu chủ đề của câu chuyện.

Chủ đề của truyện xoay quanh các tình huống cuộc sống hàng ngày, đó là sự khác biệt giữa những đứa trẻ trong các tầng lớp xã hội và vẻ đẹp tâm hồn của chúng.