Uy-lít-xơ trở về

I. Tiểu dẫn

- I-li-at và Ô-đi-xê là hai bộ sử thi nổi tiếng của Hi Lạp, được coi là của Hô-me-rơ, nhà thơ mù sống vào khoảng thế kỉ IX và VIII trước Công nguyên. Ông sinh trưởng trong một gia đình nghèo bên kia sông Mê-lét.

- Ô-đi-xê ra đời vào thời kì người Hi Lạp mở rộng địa bàn hoạt động ra biển cả. Trong sự nghiệp khám phá và chinh phục thế giới. Con người ngoài lòng dũng cảm đòi hỏi phải có những phẩm chất như thông minh, tỉnh táo, khôn ngoan. Hình tượng Uy-lít-xơ chính là lí tưởng hóa sức mạnh trí tuệ của người Hi Lạp.

- Đoạn trích Uy-lít-xơ trở về thuộc khúc ca XVIII trong Ô-đi-xê miêu tả việc tác động đối với nàng Pê-nê-lốp và cuộc đấu trí giữa Pê-nê-lốp và Uy-lít-xơ qua cuộc thử thách để gia đình được đoàn tụ, hạnh phúc.

II. Văn bản (SGK)

1. Bố cục và nội dung của đoạn trích

- Đoạn trích được chia làm ba phần:

+ Phần 1 từ đầu đến “Và người giết chúng”: Tác động của nhũ mẫu với nàng Pê-nê-lôp.

+ Phần 2 tiếp theo đến “Con cũng không phải ngưòi kém gan dạ”: Tác động của Tê-lê-mác với mẹ.

+ Phần 3 (còn lại): Cuộc đấu trí hay thử thách giữa Pê-nê-lốp và Uy-lít-xơ để gia đình đoàn tụ.

2. Tâm trạng của Uy-lít-xơ khi gặp lại vợ mình biểu hiện như thế nào? Cách ứng xử của chàng bộc lộ phẩm chất gì?

- Tâm trạng của Uy-lít-xơ khi gặp lại vợ và gia đình là mừng rỡ, hồi hộp, vui sướng nhưng vẫn rất bình tĩnh, sáng suốt.

- Chàng đóng vai người hành khất, bình tĩnh lập mưu kế cùng cậu con trai Tê-lê-mác giết chết bọn cầu hôn láo xược và những gia nhân phản bội.

- Khi gặp lại vợ, chàng vẫn bình tĩnh, kiên nhẫn chờ Pê-nê-lốp nhận ra mình “Nghe nàng nói vậy, Uy-lít-xơ cao quý và nhẫn nại mỉm cười”... cho thấy trí tuệ và nhân phẩm cao quý của chàng.

3. Tâm trạng “rất đỗi phân vân” của Pê-nê-lốp và việc chọn cách thử thách cho thấy vẻ đẹp gì ở nàng?

- Tâm trạng phân vân của Pê-nê-lốp thể hiện ở dáng điệu, cử chỉ, sự lúng túng tìm cách ứng xử: “Không biết nên đứng xa hay nên lại gần ôm lấy đầu, cầm lấy tay mà hôn”.

- Nàng dò xét, suy nghĩ, tính toán mông lung nhưng cũng không giấu được sự bàng hoàng xúc động khôn cùng “Ngồi lặng thinh trên ghế hồi lâu, lòng sửng sốt, khi thì đăm đăm âu yếm nhìn chồng, khi lại không nhận ra chồng dưới bộ áo quần rách mướp”.

- Việc chọn cách thử “bí mật của chiếc giường” cho thấy Pê-nê-lôp là con người trí tuệ, thông minh và tỉnh táo, biết kìm nén tình cảm của mình. Bên cạnh sự thông minh, tỉnh táo là sự thận trọng phù hợp với hoàn cảnh của nàng lúc này. Pê-nê-lốp là người tỉnh táo mà tế nhị, kiên quyết mà thận trọng, trí tuệ mà rất giàu tình cảm, là người phụ nữ có phẩm chất cao thượng.

4. Cách kể chuyện của Hô-me-rơ qua đoạn trích tạo ra hiệu quả gì? Biện pháp nghệ thuật nào thường được sử dụng để khắc họa phẩm chất nhân vật? Biện pháp nào được sử dụng ở khổ cuối của đoạn trích?

- Cách kể chuyện của Hô-me-rơ qua đoạn trích tạo hiệu quả bất ngờ và xúc động làm nổi bật phẩm chất của hai nhân vật Pê-nê-lốp và Uy-lít-xơ.

- Biện pháp nghệ thuật thường được sử dụng trong đoạn trích là tương phản, tạo kịch tính, gây bất ngờ...

- Trong đoạn cuối, biện pháp nghệ thuật được sử dụng thành công là so sánh hình ảnh “mặt đất” và “người đi biển” nói lên tâm trạng khao khát đến tuyệt vọng nhưng cũng mừng vui khôn xiết của nàng Pê-nê-lôp khi gặp lại chồng sau hai mươi năm vì chiến tranh và lưu lạc.

- Tâm trạng của Pê-nê-lôp khi gặp lại chồng được so sánh với người đi biển bị đắm tàu, trong cơn tuyệt vọng bỗng nhận ra đất liền.