Truyện Kiều

I. Tác giả

- Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh năm 1765, quê ở huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội). Sau đó di cư vào xã Nghi Xuân, huyện Tiên Điền (nay là làng tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).

- Nguyễn Du được tiếp nhận truyền thống văn hóa của nhiều vùng quê khác nhau, là tiền đề cho sự tổng hợp nghệ thuật sau này của đại thi hào.

- Cuộc đời Nguyễn Du trải qua nhiều thăng trầm, sống phiêu dạt, long đong. Hơn 10 năm sống gần nhân dân, thấm thía bao nỗi ấm lạnh của cuộc đời... Nguyễn Du để lại một sự nghiệp văn chương với giá trị hiện thực sâu sắc và giá trị nhân đạo lớn lao.

- Sáng tác của Nguyễn Du đạt tới trình độ nghệ thuật đỉnh cao của văn chương trung đại Việt Nam. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du giản dị mà tinh luyện, tài hoa. Thơ Nôm của ông, đặc biệt là Truyện Kiều là kiệt tác độc nhất vô nhị của văn học tiếng Việt. Nguyễn Du đóng góp lớn cho sự phát triển giàu đẹp của ngôn ngữ văn học dân tộc.

- Năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới đã công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới.

II. Sự nghiệp văn học

1. Sáng tác chính:

a). Sáng tác bằng chữ Hán: Giới nghiên cứu đã sưu tầm được 249 bài thơ chữ Hán của nguyễn Du.

- Thanh Hiên thi tập (Tập thơ của Thanh Hiên) gồm 78 bài, viết trong khoảng thời gian trước khi ra làm quan nhà Nguyễn.

- Nam trung tạp ngâm (Các bài thơ ngâm khi ở phương Nam) gồm 40 bài, viết trong thời gian làm quan ở Huế và Quảng Bình.

- Bắc hành tạp lục (Ghi chép trong chuyến đi sang phương Bắc) gồm 131 bài, viết trong thời gian đi sứ Trung Quốc.

-Nội dung thơ chữ Hán của Nguyễn Du chủ yếu là phê phán chế độ phong kiến chà đạp lên quyền sống của con người. Ca ngợi, đồng cảm với những người anh hùng, người nghệ sĩ tài hoa, cao thượng. Ông cũng bày tỏ sự cảm thông với những thân phận nghèo khổ, người phụ nữ tài hoa bạc mệnh.

b). Sáng tác bằng chữ Nôm:

- Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) được mô phỏng từ tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Tuy nhiên, nguyễn Du đã sáng tạo thành truyện thơ lục bát với cảm hứng mới, nhận thức lí giải nhân vật theo cách riêng khiến tác phẩm trở thành kiệt tác của văn học trung đại Việt Nam.

- Văn Chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh) viết bằng thể thơ song thất lục bát, thể hiện tấm lòng nhân ái của ông đối với những linh hồn bơ vơ không nơi nương tựa, nhất là phụ nữ và trẻ em.

2. Đặc điểm nội dung và nghệ thuật thơ văn Nguyễn Du.

a). Đặc điểm nội dung:

- Thơ của Nguyễn Du không nói đến cái chí của người quân tử mà thể hiện tình cảm chân thành, cảm thông sâu sắc đối với cuộc sống của con người, đặc biệt là những số phận nhỏ bé, bất hạnh.

- Khái quát được bản chất tàn bạo của xã hội phong kiến, bọn vua chúa quan lại chà đạp lên quyền sống của con người.

- Là người đầu tiên trong văn học trung đại đặt vấn đề về những người phụ nữ hồng nhan bạc mệnh với cái nhìn xuất phát từ tấm lòng nhân đạo sâu sắc.

- Đề cao quyền sống của con người, đồng cảm và ca ngợi tình yêu lứa đôi, tự do, khát vọng và hạnh phúc của con người.

b). Đặc sắc nghệ thuật:

- Là tác giả có học vấn uyên bác, thành công trong nhiều thể loại thơ ca: Ngũ ngôn, thất ngôn, ca, hành.

- Thơ Nôm Nguyễn Du là đỉnh cao rực rỡ, ông sử dụng tài tình hai thể thơ dân tộc (lục bát và song thất lục bát)

- Nguyễn Du đóng góp lớn cho sự phát triển giàu đẹp của ngôn ngữ văn học tiếng Việt, câu thơ tiếng Việt trang nhã, diễm lệ nhờ vần luật chỉnh tề, ngắt nhịp đa dạng, vận dụng các phép tu từ đạt hiệu quả nghệ thuật cao.