Tràng giang (Huy Cận)

I. Tiểu dẫn

- Huy Cận (1919 - 2005) tên khai sinh là Cù Huy Cận, quê ở làng Ân Phú, huyện Hương Sơn (nay là Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh. Ông từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa, năm 1996, ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

- Những tác phẩm tiêu biểu: Lửa thiêng, Bài thơ cuộc đời, Ta về với biển… bài thơ Tràng giang được in trong tập Lửa thiêng.

II. Văn bản (SGK)

1. Đề từ và mối liên hệ với thiên nhiên, tâm trạng của tác giả.

- Đề từ nằm ngoài văn bản tác phẩm nhưng lại tập trung thể hiện nội dung tư tưởng và ý đồ nghệ thuật của tác giả.

- Câu thơ đề từ "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài" đã thể hiện được hồn cốt của tác phẩm, đó chính là nỗi buồn (bâng khuâng là cảm xúc ngỡ ngàng, luyến tiếc, nhớ thương đan xen nhau) trước cảnh vũ trụ bao la, bát ngát (trời rộng, sông dài).

2. Âm điệu của bài thơ.

- Âm hưởng chung của bài thơ là âm điệu buồn sâu lắng ngấm sâu trong lòng tạo vật và trong tâm hồn nhà thơ. Nhịp thơ chủ yếu của bài là nhịp 2/2/3, đôi chỗ là 4/3 hoặc 2/5. Nhịp thơ đều, chậm gợi nỗi buồn sầu mênh mang.

- Việc sử dụng nhiều từ láy hoàn toàn với sự lặp lại đều đặn tạo âm hưởng trôi chảy triền miên cùng nỗi buồn vô tận trong cảnh vật và hồn người.

3. Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ.

- Bài thơ tạo dựng một bức tranh thiên nhiên cổ kính, hoang sơ với tầm vóc mênh mang. Chất liệu để tạo nên bức tranh đó là các hình ảnh ước lệ thường được sử dụng trong thơ cổ như tràng giang; trời rộng; mây đùn núi bạc; bóng chiều; vời con nước; khói hoàng hôn... Bức tranh ấy hiện dần lên qua các khổ thơ, càng lúc càng thêm đậm màu cổ điển.

- Bài thơ có tựa đề là Tràng giang chứ không phải "trường giang", mặc dù hai từ đều có chung một nghĩa. Nhờ cách điệp vần "ang" góp phần tạo nên dư âm vang xa, trầm buồn của câu thơ mở đầu, tạo nên âm hưởng chung cho giọng điệu của cả bài thơ, khơi gợi được xúc cảm và ấn tượng về một nỗi buồn kéo dài theo không gian.

- Huy Cận cũng như phần đông các thi sĩ trong phong trào Thơ mới đều chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây thế kỉ XX. Trong sáng tác của ông, người ta dễ dàng cảm nhận được dấu ấn Đường thi, cũng như thơ tượng trưng Pháp nhưng đã được Việt hóa nhuần nhị.

- Nghệ thuật đối đã tạo ra không khí trang trọng và sự cân xứng, nhịp nhàng, nghệ thuật dùng từ láy như "điệp điệp", "song song"... cũng có hiệu quả gợi âm hưởng cổ kính.

- Trong khổ thơ thứ hai, các hình ảnh đối lập, hình ảnh "chợ chiều vãn" gợi cái buồn da diết, không gian vắng lặng, cô tịch.

- Ở khổ thơ thứ ba và khổ cuối đều có những nét gợi nên hình ảnh bức tranh thiên nhiên thường gặp trong thơ xưa. Chất cổ điển của bài thơ đặc biệt rõ ở câu thơ cuối. Thôi Hiệu nhìn khói sóng mà nhớ đến quê hương (Hoàng Hạc lâu), còn Huy Cận không cần có khói sóng mà vẫn nhớ nhà, nỗi nhớ của Huy Cận da diết hơn, thường trực hơn và cháy bỏng hơn.

- Cổ kính, trang nghiêm, đậm chất Đường thi nhưng Tràng giang vẫn là một bài thơ rất Việt Nam. Dòng sông sóng lượn, con thuyền xuôi mái chèo, cành củi khô bồng bềnh, cánh bèo lênh đênh, chợ chiều của làng quê, cánh chim trong buổi chiều tà... tất cả rất gần gũi. Sự hòa quyện của hai hệ thống hình ảnh vừa cổ điển vừa gần gũi, thân thuộc tạo vẻ đẹp độc đáo cho bài thơ.

4. Tình yêu thiên nhiên và tình yêu nước.

- Trước Huy Cận, có không ít các nghệ sĩ bày tỏ lòng yêu nước xa xôi, bóng gió qua thơ văn.

- Ở bài thơ này, nỗi buồn sâu xa hòa vào nỗi bơ vơ trước tạo vật thiên nhiên hoang vắng và niềm thiết tha với thiên nhiên tạo vật cũng là niềm thiết tha với quê hương đất nước.

5. Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ.

- Thể thơ thất ngôn trang nghiêm, cổ kính với cách ngắt nhịp (4/3) tạo nên sự cân đối, hài hòa. Thủ pháp tương phản được sử dụng triệt để: Hữu hạn/vô hạn; nhỏ bé/lớn lao; không/có.

- Bài thơ đã sử dụng thành công các loại từ láy như láy vần (tràng giang, đìu hiu, chót vót, lơ thơ...), láy hoàn toàn (điệp điệp, song song, lớp lớp, dợn dợn...) và các biện pháp tu từ (nhân hóa, ẩn dụ, so sánh).