Thương vợ (Trần Tế Xương)

I. Tiểu dẫn

- Trần Tế Xương (1870 - 1907) thường gọi là Tú Xương, quê ở Vị Xuyên, Mĩ Lộc, Nam Định, ông đã viết khoảng 100 tác phẩm (chủ yếu là thơ Nôm và một số bài văn tế, phú, câu đối…).

- Sáng tác của Tú Xương gồm hai mảng trào phúng và trữ tình, Thương vợ là bài thơ cảm động của tác giả tri ân vợ.

II. Văn bản (SGK)

1. Hình ảnh bà Tú qua bốn câu thơ đầu

- Bốn câu thơ đầu là hình ảnh bà Tú với đức tính cao đẹp trong lòng tác giả.

+ Câu thơ đầu mở ra một hoàn cảnh làm ăn buôn bán tần tảo, tất bật ngược xuôi của bà Tú:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông”.

+ Câu thơ đắt nhất ở hai từ "quanh năm" và "mom sông", một từ chỉ thời gian, một từ chỉ không gian hoạt động của nhân vật nhưng đã nêu bật công việc lam lũ của người vợ thảo hiền.

Trong thời buổi khốn khó, bà Tú buôn gạo để nuôi chồng, nuôi con. Công việc ấy diễn ra "quanh năm" không trừ ngày nào dù mưa hay nắng, từ năm này qua năm khác. Thời gian đằng đẵng kết hợp với nơi làm việc là một doi đất nhô ra ngoài sông (mom sông) gợi sự gian nan, chênh vênh, chơi vơi của công việc và của cả số phận người phụ nữ.

- Hai câu thực gợi tả cụ thể hơn cuộc sống tảo tần gắn với việc buôn bán ngược xuôi của bà Tú.

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.

Hai câu thơ gợi lại hình ảnh cái cò gánh gạo đưa chồng trong ca dao cổ nhưng hình ảnh con cò trong thơ của Tú Xương lặn lội trong không gian heo hút, vắng lặng chứa đầy những lo âu, nguy hiểm. Câu thơ lại dùng phép đảo ngữ (đưa từ "lặn lội" lên đầu câu) và dùng từ "thân cò" thay cho từ "con cò" càng tăng thêm nỗi vất vả gian truân của bà Tú.

2. Phân tích những câu thơ nói lên đức tính cao đẹp của bà Tú

- Đi liền với những câu thơ miêu tả cuộc sống gian truân là những câu thơ thầm kín ngợi ca vẻ đẹp đức hạnh của bà Tú, vẻ đẹp ấy trước hết được cảm nhận ở sự đảm đang, tháo vát, chu toàn với chồng con:

“Nuôi đủ năm con với một chồng”.

Câu thơ gợi lên hình ảnh gánh nặng gia đình đang đè xuống đôi vai của người đang thay thế vai trò người "chủ gia đình". Ở bà Tú, sự đảm đang tháo vát đi liền với đức hi sinh, bất chấp gian khó, chạy vạy bán buôn để nuôi cả gia đình.

“Năm nắng mười mưa dám quản công”.

- Thành ngữ "năm nắng mười mưa" hàm nghĩa chỉ sự gian lao, vất vả được dùng trong trường hợp của bà Tú thể hiện nổi bật đức tính chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng con của bà Tú.

3. Ý nghĩa lời "chửi" trong hai câu thơ cuối

- Hai câu thơ cuối là lời Tú Xương, ông tự trách, tự phán xét, tự lên án bản thân:

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,

Có chồng hờ hững cũng như không”.

- Nguyên nhân gây nên nỗi khổ của vợ là tác giả và cuộc đời. Câu thơ là tiếng chửi đời, đời bạc, chồng cũng bạc. Đời bạc đã đày ải người vợ hiền và đời bạc đã biến mình thành ông chồng vô tích sự. Câu thơ là tiếng chửi đời căm phẫn, gay gắt, xỉ vả bản thân thậm tệ, lời chửi ẩn sâu cả sự thương yêu và những ngậm ngùi, chua xót.

4. Tâm sự và vẻ đẹp nhân cách của Tú Xương

- Thương vợ dựng lên hai bức chân dung: Chân dung hiện thực của bà Tú và chân dung tinh thần của Tú Xương.

- Trong Thương vợ, ông Tú không xuất hiện trực tiếp nhưng vẫn hiển hiện trong từng câu thơ. Đằng sau vẻ khôi hài, trào phúng là tấm lòng thương tiếc, biết ơn đối với người vợ.

- Yêu thương, quý trọng, tri ân vợ là những điều làm nên nhân cách của Tú Xương, dù xuất thân Nho học, song Tú Xương không nhìn nhận theo quan điểm "trọng nam khinh nữ", "xuất giá tòng phu" (lấy chồng theo chồng), "phu xướng, phụ tùy" (chồng nói vợ theo) mà rất công bằng. Tú Xương dám sòng phẳng với bản thân, với cuộc đời, dám nhìn nhận ra những khuyết thiếu của mình để day dứt, đó là một nhân cách đẹp.