THUẬT NGỮ

I. Thuật ngữ là gì?

Thuật ngữ là những từ ngữ biểu thị khái niệm khoa học, công nghệ, thường được dùng trong các văn bản khoa học, công nghệ.

1. So sánh hai cách giải thích sau (SGK) về nghĩa của từ nước và muối.

a). Cách giải thích thứ nhất chỉ dừng lại ở những việc, đặc tính bên ngoài của sự vật. Đó là cách giải thích hình thành trên cơ sở kinh nghiệm, có tính chất cảm tính.

b). Cách giải thích thứ hai thể hiện được đặc tính bên trong của sự vật. Những đặc tính này phải qua nghiên cứu bằng lí thuyết và phương pháp khoa học.

Cách giải thích thứ nhất là cách giải thích nghĩa của từ ngữ thông thường; cách giải thích thứ hai là cách giải thích thuật ngữ chuyên môn, đòi hỏi phải có tri thức nhất định về lĩnh vực hóa học mới hiểu được thấu đáo.

2. Các định nghĩa (SGK) của những bộ môn khoa học nào?

- Thạch nhũ: Thuật ngữ bộ môn Địa lí.

- Bazơ: Thuật ngữ bộ môn Hóa học.

- Ẩn dụ: Thuật ngữ môn Ngữ văn.

- Phân số thập phân: Thuật ngữ môn Toán học.

Những thuật ngữ trên chủ yếu dùng trong văn bản khoa học và công nghệ.

II. Đặc điểm của thuật ngữ

Thuật ngữ không có tính biểu cảm.

1. Những thuật ngữ dẫn trong mục I.2 còn có nghĩa khác không?

- Trong mỗi lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, công nghệ, mỗi thuật ngữ chỉ biểu thị bằng một khái niệm và ngược lại, mỗi khái niệm chỉ được biểu thị bằng một thuật ngữ.

- Đặc điểm này phù hợp với yêu cầu về tính chính xác, thống nhất, tính quốc tế của khoa học, kĩ thuật, công nghệ.

2. Trong hai ví dụ (SGK), ví dụ nào có sắc thái biểu cảm?

Muối ở trường hợp (b) được dùng theo phong cách văn bản nghệ thuật, mang sắc thái biểu cảm. Muối ở trường hợp (a) là thuật ngữ, được dùng theo ngôn ngữ khoa học, không mang sắc thái biểu cảm.

III. Luyện tập

1. Điền thuật ngữ thích hợp vào chỗ trống.

-/Lực/ là tác dụng đẩy, kéo của vật này lên vật khác (Vật lý).

-/Xâm thực/ là hiện tượng làm hủy hoại dần dần lớp đất đá phủ trên mặt đất do các tác nhân như gió, sóng biển, băng hà, nước chảy… (Địa lý).

-/Hiện tượng hóa học/ là hiện tượng sinh ra chất mới (Hóa học).

-/Di chỉ/ là những dấu vết của người xưa đã cư trú và sinh sống (Lịch sử).

-/Thụ phấn/ là hiện tượng hạt phấn tiếp xúc với nhị hoa (Sinh học).

-/Lưu lượng/ là lượng nước chảy qua mặt cắt ngang lòng sông ở một điểm nào đó, trong một giây đồng hồ (Địa lý).

-/Trọng lực/ là lực hút của trái đất (Địa lý).

-/Khí áp/ là sức nén của khí quyển lên bề mặt trái đất (Địa lý).

-/Thị tộc phụ hệ/ là thị tộc theo dòng họ người cha, trong đó nam có quyền hơn nữ.

-/Đường trung trực/ là đường thẳng vuông góc với một đoạn thẳng tại điểm giữa đoạn ấy (Toán học).

2. Đoạn trích (SGK).

- Trong vật lí, điểm tựa là điểm cố định của một đòn bẩy, thông qua đó lực tác động được truyền tới lực cản; còn ở đoạn thơ này, điểm tựa có nghĩa một chỗ dựa tin tưởng, gánh trọng trách.

- Từ điểm tựa ở đây không được dùng với tư cách là một thuật ngữ vật lí mà nó được dùng với tư cách là ngôn ngữ nghệ thuật.

3. Trong hai câu sau (SGK), trường hợp nào hỗn hợp được dùng như thuật ngữ?

- Từ hỗn hợp trong câu (a) được dùng với tư cách thuật ngữ hóa học.

- Từ hỗn hợp trong câu (b) dùng như một từ ngữ thông thường.

VD: Trộn lẫn bột ớt với gừng, tỏi băm nhỏ thành hỗn hợp sau đó dùng để ướp với thịt (nghĩa thông thường).

4. Định nghĩa thuật ngữ cá và chỉ ra sự khác nhau với từ cá thông thường.

- Cá là động vật có xương sống, ở dưới nước, bơi bằng vây, thở bằng mang.

- Trong ngôn ngữ thông thường, từ cá (cá voi, cá heo) không mang ý nghĩa chặt chẽ như định nghĩa của sinh học.

5. Hiện tượng đồng âm của từ thị có vi phạm nguyên tắc một thuật ngữ?

- Một trong những ý nghĩa cơ bản của thuật ngữ thị trường của Kinh tế học (thị: Chợ - yếu tố Hán Việt) là chỉ nơi thường xuyên tiêu thụ hàng hóa; nhưng thuật ngữ thị trường (thị: thấy - yếu tố Hán Việt) của vật lí lại khác hẳn: Chỉ phần không gian mà mắt có thể quan sát được.

- Hiện tượng trên là hiện tượng đồng âm khác nghĩa vẫn thấy trong ngôn ngữ; nó chỉ vi phạm nguyên tắc một thuật ngữ - một khái niệm khi thuộc cùng một lĩnh vực chuyên môn. Trong những lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, công nghệ khác nhau, có thể có những từ ngữ giống nhau về âm nhưng lại là những thuật ngữ với nội hàm khác nhau hoàn toàn.