Tập đọc: Hành trình của bầy ong (trích)
- Nội dung bài thơ Hành trình của bầy ong của tác giả Nguyễn Đức Mậu ca ngợi đức tính của bầy ong là cần cù làm việc để giúp ích cho đời.
- Ý nghĩa các từ trong bài thơ:
+ Đẫm: ướt sũng (đẫm nắng trời: ý nói đôi cánh ong tắm trong ánh nắng như thấm đẫm nắng trời).
+ Rong ruổi: đi liên tục trên chặng đường dài, nhằm mục đích nhất định.
+ Nối liền mùa hoa: bầy ong đi lấy mật từ mùa hoa ở nơi này đến mùa hoa ở nơi khác làm cho các mùa hoa như nối liền lại với nhau.
+ Men: chất được dùng trong quá trình làm bia, rượu; chất gây say.
1. Những chi tiết nào trong khổ thơ đầu nói lên hành trình vô tận của bầy ong?
- Với đôi cánh đẫm nắng trời, không gian là nẻo đường xa.
- Bầy ong bay đến trọn đời để tìm hoa và thời gian là vô tận.
2. Bầy ong đến tìm mật ở những nơi nào? Nơi ong đến có vẻ đẹp gì đặc biệt?
- Bầy ong đến tìm mật ở rừng sâu thăm thẳm, bờ biển, quần đảo.
- Những nơi ong đến đều có vẻ đẹp đặc biệt của các loài hoa như hoa chuối, hoa ban, hoa của hàng cây chắn bão và nhiều loài hoa không tên khác.
3. Em hiểu nghĩa câu thơ "Đất nơi đâu cũng tìm ra ngọt ngào" thế nào?
Câu thơ miêu tả đức tính cần cù chăm chỉ, giỏi giang của bầy ong, ở bất cứ nơi đâu, dù là mảnh đất khô cằn hay xa xôi ong cũng tìm ra được hoa để làm mật, đem lại hương vị ngọt ngào cho cuộc đời.
4. Qua hai dòng thơ cuối bài, tác giả muốn nói điều gì về công việc của loài ong?
Tác giả ca ngợi công việc của bầy ong là tạo ra những giọt mật thơm ngon, tinh túy từ các loài hoa, dù hoa có tàn phai thì ong vẫn đem lại những hồi ức tươi đẹp cho con người qua vị ngọt của mật.