Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành)

I. Tiểu dẫn

- Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc), tên khai sinh là Nguyễn Văn Báu, sinh năm 1932, quê ở Thăng Bình, Quảng Nam.

- Tác phẩm tiêu biểu: Đất nước đứng lên (tiểu thuyết, giải Nhất hội Văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955), Rẻo cao (truyện ngắn, 1961), Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc (truyện và kí, 1969)…

- Rừng xà nu được viết năm 1965, trong giai đoạn chống Mỹ.

II. Văn bản (SGK)

1. Ý nghĩa của truyện ngắn

+ Nhan đề tác phẩm:

- Nhà văn có thể đặt những tên như Làng Xô man, Tnú, những con người bất khuất... cho tác phẩm của mình. Nhưng đặt tên cho tác phẩm là Rừng xà nu là muốn sáng tạo hình tượng sử thi về người Tây Nguyên kiên cường; bởi rừng xà nu rất gần gũi với người Tây Nguyên và có thể đại diện cho đồng bào Tây Nguyên, gợi ra chất Tây Nguyên.

- Mở đầu tác phẩm, nhà văn tập trung giới thiệu về một rừng xà nu cụ thể được xác định "Nằm trong tầm đại bác của đồn giặc", "hầu hết đại bác đều rơi vào đồi xà nu cạnh con nước lớn".

+ Cánh rừng xà nu dưới tầm đại bác:

- "Cả rừng xà nu hàng vạn cây không cây nào là không bị thương", "có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình đổ ào ào như một trận bão", "có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người bị đạn đại bác chặt đứt làm đôi, ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn lỏng, vết thương không lành được cứ loét mãi ra, năm mười hôm sau thì cây chết".

Nhưng cây xà nu có sức sống mãnh liệt "trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy". Xà nu không những tự biết bảo vệ mình mà còn bảo vệ sự sống, bảo vệ làng Xô man "Cứ thế hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn ra che chở cho làng".

- Khi miêu tả rừng xà nu, cây xà nu, nhà văn đã sử dụng biện pháp ẩn dụ, nhân hóa như một phép tu từ chủ đạo, lấy nỗi đau, vẻ đẹp của con người làm chuẩn mực để nói về xà nu khiến xà nu trở thành biểu tượng của con người Tây Nguyên bất khuất, kiên cường.

Các thế hệ con người làng Xô man cũng tương ứng với các thế hệ cây xà nu. Cụ Mết có bộ ngực "căng như một cây xà nu lớn", tay "sần sùi như vỏ cây xà nu". Cụ là cây xà nu cổ thụ hội tụ tất cả sức mạnh của rừng xà nu. Tnú cường tráng như một cây xà nu được luyện trong đau thương đã trưởng thành mà không đại bác nào giết nổi. Dít trưởng thành trong thử thách với bản lĩnh và nghị lực phi thường cũng giống như xà nu lớn lên rất nhanh tiếp lấy ánh mặt trời. Cậu bé Heng là mầm xà nu đang được các thế hệ xà nu trao cho những tố chất cần thiết để sẵn sàng thay thế trong cuộc chiến cam go còn có thể phải kéo dài "năm năm, mười năm hoặc lâu hơn nữa".

+ Hình ảnh đồi xà nu, rừng xà nu "trông xa xa đến ngút tầm mắt", "nối tiếp tới chân trời", lặp đi lặp lại trong truyện gợi ra cảnh rừng xà nu hùng tráng, kiêu dũng, gợi ra sự bất diệt và hùng tráng của con người Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ấn tượng đọng lại trong kí ức người đọc là cái bát ngát của cánh rừng xà nu kiêu dũng, là chất sử thi, chất anh hùng về tinh thần quật khởi của đồng bào Tây Nguyên.

2. Tác giả coi "Rừng xà nu là truyện của một đời và được kể trong một đêm"

- Phẩm chất, tính cách của người anh hùng Tnú:

+ Gan góc, táo bạo, dũng cảm (khi còn nhỏ cùng Mai vào rừng tiếp tế cho anh Quyết).

+ Lòng trung thành với cách mạng được bộc lộ qua thử thách (bị giặc bắt, tra tấn, lưng T’nú ngang dọc vết dao chém của kẻ thù nhưng anh vẫn gan góc, trung thành).

+ Số phận đau thương: Không cứu được vợ con, bản thân bị bắt, bị tra tấn (bị đốt mười đầu ngón tay).

+ Quật khởi đứng dậy cầm vũ khí tiêu diệt bọn ác ôn.

- Câu chuyện bi tráng về cuộc đời Tnú "T’nú không cứu được vợ con". Cụ Mết nhắc tới bốn lần đế nhấn mạnh: Khi chưa cầm vũ khí. Tnú chỉ có hai bàn tay không thì ngay cả những người yêu thương nhất Tnú cũng không cứu được. Câu nói của cụ Mết khẳng định: Chỉ có cầm vũ khí đứng lên mới là con đường sống duy nhất, mới bảo vệ được những gì thân yêu, thiêng liêng nhất; chân lí cách mạng rút từ thực tế máu xương, tính mạng của dân tộc; chân lí ấy phải ghi tạc vào xương cốt, tâm khảm và truyền lại cho các thế hệ tiếp nối.

- Câu chuyện Tnú với dân làng Xô man nói lên chân lí của thời đại "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Phải chống lại mọi kẻ thù xâm lược, kể cả phải cầm vũ khí và hi sinh tính mạng.

Khi chưa cầm vũ khí, làng Xô man rất đau thương: Anh Xút bị treo cổ, bà Nhan bị chặt đầu, mẹ con Mai bị chết thảm, Tnú bị đốt mười đầu ngón tay...

Cuộc sống ngột ngạt dồn nén đau thương, căm thù. Đêm Tnú bị đốt mười đầu ngón tay, làng Xô man đã nổi dậy. Rừng xà nu "ào ào rung động", "xác mười tên giặc ngổn ngang", tiếng cụ Mết như mệnh lệnh chiến đấu "Thế là bắt đầu rồi, đốt lửa lên".

Đó là sự nổi dậy làm rung chuyển núi rừng. Câu chuyện về cuộc đời, về con người trở thành câu chuyện một thời, một nước. Câu chuyện về cuộc đời Tnú đã mang ý nghĩa cuộc đời một dân tộc. Nhân vật sử thi của Nguyễn Trung Thành gánh trên vai sứ mệnh lịch sử to lớn.

- Vai trò của nhân vật cụ Mết, Mai, Dít, Heng làm nổi bật nhân vật trung tâm và chủ đề:

+ Cụ Mết, Mai, Dít, bé Heng là sự tiếp nối các thế hệ làm nối bật tinh thần bất khuất của làng Xô man nói riêng, của Tây Nguyên nói chung.

+ Cụ Mết "quắc thước như một cây xà nu lớn" là hiện thân cho truyền thống thiêng liêng, biểu tượng cho sức mạnh tập hợp đế nổi dậy đồng khởi.

+ Mai, Dít là thế hệ hiện tại, trong Dít có Mai của thời trước và có Dít của hôm nay. Vẻ đẹp của Dít là vẻ đẹp của sự kiên định, vững vàng trong bão táp chiến tranh.

+ Bé Heng là thế hệ tiếp nối, kế tục cha anh để đưa cuộc chiến tới thắng lợi cuối cùng.

3. Hình ảnh cánh rừng xà nu và hình tượng nhân vật Tnú

Trong truyện, hình ảnh cây xà nu, rừng xà nu, nhựa xà nu, khói xà nu... gắn kết hữu cơ với nhân vật Tnú và đồng bào Xô man. Xà nu đã trở thành biểu tượng cho tinh thần gan góc, dũng cảm, dạn dày, bất khuất, trung kiên... của nhân vật Tnú và dân làng Xô man.

4. Vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm

- Khuynh hướng sử thi thể hiện đậm nét ở tất cả các phương diện như đề tài, chủ đề, hình tượng, hệ thống nhân vật, giọng điệu...

- Cách thức trần thuật, kể theo hồi tưởng qua lời của cụ Mết (già làng), kể bên bếp lửa gợi nhớ lối kể "khan" sử thi của các dân tộc Tây Nguyên, những bài "khan" được kể như những bài hát dài hát suốt đêm.

- Cảm hứng lãng mạn thể hiện ở cảm xúc của tác giả bộc lộ trong lời trần thuật, thể hiện ở việc đề cao vẻ đẹp của thiên nhiên và con người trong thế đối lập với sự tàn bạo của kẻ thù.