Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn

I. Mục đích, tầm quan trọng của phỏng vấn và trả lời phỏng vấn

1. Mục đích

- Không phải bất cứ cuộc trò chuyện, hỏi đáp nào cũng được xem là phỏng vấn.

- Cuộc trò chuyện được xem là phỏng vấn khi thu thập được những thông tin về một chủ đề quan trọng, ý nghĩa.

2. Xã hội dân chủ văn minh luôn đề cao vai trò của các hoạt động phỏng vấn.

Tôn trọng phỏng vấn và trả lời phỏng vấn là tôn trọng sự thật, tôn trọng quyền được bày tỏ ý kiến của công chúng, vì thế, nó là biểu hiện của tinh thần dân chủ trong xã hội văn minh.

II. Yêu cầu cơ bản khi phỏng vấn

1. Chuẩn bị phỏng vấn

a). Trong hoạt động phỏng vấn, có năm yếu tố không thể thiếu gồm người phỏng vấn, người trả lời phỏng vấn, mục đích phỏng vấn, chủ đề phỏng vấn và phương tiện phỏng vấn.

- Trong câu hỏi (SGK) không nói đến phương tiện phỏng vấn (máy quay phim, máy ghi âm, giấy, bút, sổ tay).

- Năm yếu tố trên không tồn tại riêng lẻ mà gắn bó, kết hợp với nhau, quyết định lẫn nhau. Ví dụ đối tượng phỏng vấn phải phù hợp với mục đích và chủ đề phỏng vấn. Việc phỏng vấn về vấn đề gì và để làm gì sẽ quyết định việc chọn người phỏng vấn.

b). Trong phỏng vấn, phải hỏi như thế nào mới đạt được mục đích?

- Câu hỏi trong phỏng vấn vô cùng quan trọng, để đạt được mục đích phỏng vấn, câu hỏi cần đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Ngắn gọn, rõ ràng.

+ Phù hợp với mục đích và đối tượng phỏng vấn.

+ Làm rõ chủ đề.

+ Liên kết với nhau và được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

- Muốn thu thập được những thông tin cần thiết trong phỏng vấn, cần tránh những câu hỏi mà người trả lời chỉ cần đáp ngắn gọn (có, không, đúng, sai).

2. Tiến hành phỏng vấn

a). Khi phỏng vấn, có phải bao giờ người phỏng vấn cũng chỉ sử dụng những câu hỏi chuẩn bị sẵn không? Tại sao?

- Không phải lúc nào người phỏng vấn cũng chỉ nêu ra những câu hỏi đã chuẩn bị sẵn. Trong quá trình hỏi, đáp, người hỏi cần lắng nghe câu trả lời để đưa ra những câu hỏi ngẫu hứng, ứng đối giúp câu chuyện liên tục, không rời rạc.

- Hướng người trả lời phỏng vấn trở lại chủ đề nếu thấy họ trả lời nội dung quá xa vấn đề hoặc họ né tránh vấn đề cần trả lời.

- Có thể gợi mở vấn đề để người phỏng nêu ý kiến rõ ràng hơn.

b). Trong quá trình phỏng vấn, người phỏng vấn cần có thái độ thế nào, ngoài sự khiêm tốn, nhã nhặn và chăm chú lắng nghe?

- Khi mở đầu cuộc phỏng vấn, cần tìm những lời mở đầu phù hợp để gợi ra một không khí gần gũi, thân thiện cho cuộc phỏng vấn.

- Không khí cuộc phỏng vấn nên diễn ra thân tình, tự nhiên. Người phỏng vấn cần lịch thiệp, nhã nhặn, biết lắng nghe, đồng cảm với người được phỏng vấn.

- Cần tỏ thái độ tôn trọng ý kiến của người được phỏng vấn bằng cách ghi chép và tránh chạm vào những chỗ có thể làm cho người trả lời được phỏng vấn không vui.

b). Việc cần làm khi kết thúc phỏng vấn

Khi kết thúc phỏng vấn, người phỏng vấn nên nói lời cảm ơn người trả lời phỏng vấn đã dành thời gian và công sức cho buổi nói chuyện.

4. Biên tập sau khi phỏng vấn

- Buổi phỏng vấn có thế được phát trực tiếp trên truyền hình hay trên sóng phát thanh, nhưng cũng có thể được công bố sau khi đã biên tập lại.

- Trong trường hợp công bố cuộc phỏng vấn đã được biên tập, kết quả phỏng vấn phải được ghi lại trung thực (người phỏng vấn không được tự ý sửa chữa những câu trả lời phỏng vấn).

- Bài phỏng vấn phải được trình bày rõ ràng, trong sáng và hấp dẫn, có thể thêm những lời miêu tả hoặc kể chuyện ngắn gọn (nếu cần).

III. Những yêu cầu đối với người trả lời phỏng vấn

- Người trả lời phỏng vấn phải nói trung thực, rõ ràng ý kiến của mình về điều được hỏi thông qua thái độ thẳng thắn, chân thành.
- Người được phỏng vấn cần được trình bày câu trả lời hấp dẫn, dễ hiểu.