Ngữ cảnh

I. Khái niệm

Ngữ cảnh là bối cảnh ngôn ngữ, mà ở đó người nói (người viết) sản sinh lời nói thích ứng. Còn người nghe (người đọc) căn cứ vào đó để lĩnh hội đúng và đầy đủ lời nói.

1. Tìm hiểu câu nói "Giờ muộn thế này mà họ chưa ra nhỉ?"

- Câu nói của ai nói với ai?

- Câu nói được nói lúc nào? ở đâu?

- Họ - chỉ những ai?

- Chưa ra là theo hướng từ đâu đến đâu?

- Muộn là khoảng thời gian nào?

2. Đặt câu nói vào bối cảnh

- Đây là câu nói của chị Tí, người bán hàng nước, chị nói với những người bạn nghèo (chị em Liên, bác Siêu bán phở, gia đình bác xẩm).

- Chị nói vào một buổi tối, tại một phố huyện nhỏ, trong lúc chờ khách hàng.

- Họ chỉ những người phu gạo, phu xe, mấy chú lính lệ, người nhà thầy Thừa.

- Lúc chập tối, thấy họ chưa ra (từ huyện ra phố) chị Tí đã cho là muộn? Sự khát khao mong đợi khách hàng của chị Tí và những người dân nghèo khổ nơi đây.

II. Các nhân tố của ngữ cảnh

1. Nhân vật giao tiếp

- Cùng người nói (người viết) có thể có một hoặc nhiều người tham gia họat động giao tiếp gọi chung là nhân vật giao tiếp.

- Một người nói - một người nghe là song thoại.

- Nhiều người nói luân phiên vai nhau là hội thoại.

- Trong quan hệ của các nhân vật giao tiếp, vị thế của họ chi phối nội dung và hình thức của lời nói, câu văn.

2. Bối cảnh ngoài ngôn ngữ

- Bối cảnh giao tiếp rộng (bối cảnh văn hóa) gồm bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội, địa lí, phong tục, thể chế chính trị.

- Bối cảnh giao tiếp hẹp (bối cảnh tình huống) gồm thời gian, địa điểm, tình huống giao tiếp cụ thể.

- Hiện thực được nói tới (gồm hiện thực bên ngoài và hiện thực bên trong của các nhân vật giao tiếp) gồm các sự kiện, biến cố, sự việc, hoạt động... diễn ra trong thực tế và các trạng thái, tâm trạng, tình cảm của con người.

3. Văn cảnh

Bao gồm tất cả các yếu tố ngôn ngữ cùng có mặt trong văn bản, đi trước hoặc sau một yếu tố ngôn ngữ nào đó. Văn cảnh có ở dạng ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói.

III. Vai trò của ngữ cảnh

1. Đối với người nói (người viết) và quá trình sản sinh lời nói

Ngữ cảnh là cơ sở cho việc lựa chọn nội dung cách thức giao tiếp và phương tiện ngôn ngữ (từ, ngữ, câu...).

2. Đối với người nghe (đọc) và quá trình lĩnh hội

Ngữ cảnh là căn cứ để lĩnh hội, phân tích, đánh giá nội dung, hình thức của văn bản.