Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí

Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí là nhân một câu danh ngôn, một nhận định, đánh giá yêu cầu người học bàn luận và thể hiện tư tưởng, quan điểm, thái độ của mình.

1. Tìm hiểu đề và lập dàn ý

Đề bài

Anh (chị ) hãy trả lời câu hỏi sau của nhà thơ Tố Hữu:

Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn?

a). Tìm hiểu đề

- Đối với mỗi cá nhân, sống thế nào được coi là sống đẹp? Muốn sống đẹp, cần có những phẩm chất nào và phải rèn luyện những phẩm chất đó ra sao?

b). Lập dàn ý

Giới thiệu vấn đề trên theo cách nào? (diễn dịch, quy nạp hay phản đề), sau khi giới thiệu vấn đề cần nêu luận đề ra sao? Thế nào được coi là người sống đẹp (phẩm chất, hành động, ngôn ngữ).

Phân tích những biểu hiện của lối sống đẹp và dẫn chứng những tấm gương sống đẹp trong cuộc sống và hình tượng sống đẹp trong văn học.

Cần phê phán những quan điểm và lối sống không đẹp trong đời sống, xác định phương hướng rèn luyện để vươn tới mục tiêu sống đẹp.

Khẳng định ý nghĩa của lối sống đẹp, là chuẩn mực tạo nên nhân cách cá nhân, câu thơ của tác giả đã gợi mở, nhắc nhở mọi cá nhân về cách sống.

2. T kết quả thảo luận trên, anh (chị) hãy phát biểu nhận thức của mình về cách làm bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí

Một bài văn nghị luận về tư tưởng đạo lí là giới thiệu, giải thích rõ ràng tư tưởng, đạo lí cần bàn luận, phân tích những mặt đúng đắn, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề bàn luận. Sau khi phân tích, bình luận phải nêu được ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức về tư tưởng, đạo lí.

Ví dụ muốn có lối sống đẹp thì cần xác định được lí tưởng đúng đắn, cao cả; vai trò, trách nhiệm với cuộc sống, từ đó có đời sống tình cảm phong phú, hành động đúng đắn.

Khi viết nghị luận cần phải diễn đạt chuẩn xác, mạch lạc; có thể sử dụng một số phép tu từ và yếu tố biểu cảm nhưng phải phù hợp và có chừng mực.