Lưu biệt khi xuất dương (Xuất dương lưu biệt)
I. Tiểu dẫn
- Phan Bội Châu (1867 - 1940) thuở nhỏ có tên là Phan Văn San, biệt hiệu là Sào Nam, quê ở làng Đan Nhiễm (nay thuộc thị trấn Nam Đàn), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
- Khi phong trào Cần Vương thất bại, ông là một trong những nhà nho nuôi ý tưởng đi tìm đường cứu nước mới, sau đó lập ra Duy tân hội (tổ chức cách mạng theo đường lối dân chủ tư sản đầu tiên ở Việt Nam).
- Những tác phẩm tiêu biểu: Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư, Trùng quang tâm sử, Phan Sào Nam văn tập…
- Năm 1905, trước khi sang Nhật Bản, ông viết bài thơ Lưu biệt khi xuất dương từ giã bạn bè, đồng chí.
II. Văn bản (SGK)
1. Bối cảnh lịch sử đất nước và những ảnh hưởng từ nước ngoài.
- Bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, tình hình chính trị trong nước hết sức rối ren. Chủ quyền đất nước đã mất vào tay giặc, phong trào Cần vương đã thất bại, bao anh hùng, nghĩa sĩ cứu nước đã hi sinh...
- Tiếp thu những tư tưởng dân chủ tư sản từ nước ngoài đang tràn vào Việt Nam; trong hoàn cảnh con đường cứu nước đang bế tắc, các nhà nho ưu tú như Phan Bội Châu đã say sưa với một hướng đi mới, bất chấp nguy hiểm, gian lao để tìm đường cứu nước.
2. Tư duy mới mẻ và khát vọng hành động của nhà chí sĩ cách mạng.
- Xuất dương lưu biệt là lẽ sống, là khát vọng hành động của nhà chí sĩ Phan Bội Châu.
+ Bài thơ mở đầu bằng hai câu thơ nói lên cái "chí làm trai":
“Làm trai phải lạ ở trên đời,
Há để càn khôn tự chuyển dời”.
Hai câu thơ khẳng định một lẽ sống đẹp của trượng phu, phải biết sống cho phi thường, hiển hách, phải dám mưu đồ những việc kinh thiên, động địa, xoay chuyển "càn khôn", chứ không thể sống tầm thường, tẻ nhạt, buông xuôi theo số phận, chịu để con tạo xoay vần.
+ Cảm hứng và ý thơ của Phan Bội Châu có lí tưởng nhân sinh rất táo bạo, quyết liệt. Con người dám đối mặt với cả trời đất (càn khôn), cả vũ trụ để tự khẳng định mình, vượt hẳn lên mộng công danh gắn với hai chữ hiếu, trung để vươn tới xã hội rộng lớn và cao cả hơn nhiều. Lí tưởng sống ấy đã tạo cho con người một tư thế mới, sánh ngang tầm vũ trụ.
- Hai câu đầu là mở đề, hai câu thực kế tiếp triển khai cụ thể tư tưởng về "chí làm trai". "Chí làm trai" của Phan Bội Chau gắn với ý thức về cái "tôi”, nhưng không phải là cái "tôi" cá nhân mà là một cái "tôi" công dân đầy tinh thần trách nhiệm trước cuộc đời:
“Trong khoảng trăm năm cần có tớ,
Sau này muôn thuở, há không ai?”.
+ Cuộc thế trăm năm này cần phải có ta, không phải là để hưởng lạc thú mà là để cống hiến, để đáng mặt nam nhi, để lưu danh thiên cổ. Câu thơ thứ nhất khẳng định dứt khoát, câu thứ hai tuy chuyển sang giọng nghi vấn nhưng vẫn khẳng định quyết liệt một khát vọng sống hiển hách, phát huy hết tài năng và chí khí cống hiến cho đời, để tên tuổi còn lại mãi mãi về sau. Ý thơ được tăng cấp lên, đồng thời thêm giọng khuyến khích, giục giã.
+ Trong những năm đầu thế kỉ XX, sau những thất bại liên tiếp của các phong trào đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp, sự thất vọng, bi quan đang đè nặng lên tâm hồn những người Việt Nam yêu nước dẫn đến tâm lí buông xuôi, an phận, cam chịu cảnh "cá chậu chim lồng" trong một bộ phận nhân sĩ. Chính vì thế mà Phan Bội Châu muốn rung lên một hồi chuông để thức tỉnh mọi người, giục gọi thế hệ mình tiếp tục con đường tranh đấu.
+ Câu thơ giàu cảm hứng lãng mạn bay bổng gắn với những hình tượng nghệ thuật kì vĩ, trường tồn: Đất trời cao rộng (càn khôn), cuộc nhân sinh một đời người (trong khoảng trăm năm) và cả tương lai nối dài phía sau (sau này muôn thuở), làm tăng sức mạnh của khát vọng và niềm tin.
- Đến hai câu luận, cái "chí làm trai" oai hùng được gắn với hoàn cảnh thực tế xót xa của nước nhà:
“Non sông đã chết, sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!”.
+ Câu 5 nói lên nỗi nhục mất nước, nỗi xót đau đốt cháy tâm can nhà thơ (Non sông đã chết), đồng thời cũng khẳng định ý chí của những con người không cam chịu sống cuộc đời nô lệ đắng cay (Non sông đã chết, sống thêm nhục). Cụ Phan đã đối mặt với cả nền học vấn cũ để nhận thức một chân lí: Sách vở thánh hiền chẳng giúp ích gì trong buổi nước mất nhà tan.
+ Từ tấm lòng yêu nước nồng cháy mà ông đã thể hiện đến khát vọng tìm con đường đi mới có thể đưa nước nhà thoát ra khỏi cảnh khổ đau.
- Bài thơ khép lại trong tư thế và khát vọng buổi lên đường của nhân vật trữ tình. Các hình ảnh ở hai câu thơ này đều hết sức lớn lao: Bể Đông, cánh gió, muôn trùng sóng bạc. Tất cả đều như trong tư thế đang “bay lên". Hình ảnh kết thúc lãng mạn, hào hùng, con người dường như được chắp đôi cánh, bay bổng trên thực tại tối tăm, khắc nghiệt, vươn ngang tầm vũ trụ bao la.
3. Những yếu tố tạo nên sức lôi cuốn mạnh mẽ của bài thơ.
- Khát vọng sống hào hùng, mãnh liệt của nhân vật trữ tình
- Tư thế con người kì vĩ, đầy lãng mạn, sánh ngang tầm cùng vũ trụ.
- Khí phách ngang tàng, dám đương đầu với mọi thử thách.
- Giọng thơ tâm huyết, sâu lắng mà sục sôi, hào hùng.