Kể lại một truyện cổ tích

- Em đã từng đọc, được nghe kể nhiều truyện cổ tích hay. Có những truyện để lại ấn tượng rất sâu đậm trong kí ức của em. Có khi nào em muốn tự mình kể lại cho mọi người nghe những câu chuyện thú vị đó hay không? Cách thức kể như thế nào?...

- Kể lại một truyện cổ tích thuộc loại văn kể chuyện, trong đó, người viết kể lại một truyện cổ tích bằng lời văn của mình.

- Yêu cầu đối với kiểu bài:

+ Người kể sử dụng ngôi thứ ba.

+ Các sự việc được trình bày theo trình tự thời gian.

+ Đảm bảo kể được đầy đủ các sự việc quan trọng trong truyện, đặc biệt là các yếu tố kì ảo, hoang đường.

+ Bài văn gồm có ba phần:

* Mở bài: giới thiệu truyện cổ tích sẽ kể lại (tên truyện, lí do chọn kể...).

* Thân bài: giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện. Trình bày những sự việc đã xảy ra trong câu chuyện theo trình tự thời gian.

* Kết bài: nêu cảm nghĩ về truyện vừa kể.

Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

Em hãy tìm đọc truyện cổ tích Cây khế và đọc bài văn kể lại truyện Cây khế, sau đó trả lời những câu hỏi sau:

1. Người kể có nêu được thời gian, địa điểm xảy ra câu chuyện hay không?

Người kể đã nêu được thời gian, địa điểm xảy ra câu chuyện là ngày xưa và tại một nhà kia.

2. Người kể có đảm bảo kể đủ những sự việc chính đã diễn ra trong truyện Cây khế hay không?

Người kể đã kể đủ những sự việc chính đã diễn ra trong truyện Cây khế:

- Cha mẹ mất sớm, người anh lấy hết của cải.

- Chim ăn khế và trả vàng cho người em.

- Người anh đòi đổi tài sản lấy cây khế của em.

- Do tham lam, bắt chim chở quá nặng nên người anh đã rơi xuống biển và bị sóng cuốn đi.

3. Những hành động của nhân vật trong truyện có bị người kể bỏ sót hay không?

Những hành động của nhân vật trong truyện không bị người kể bỏ sót:

- Người anh độc ác lấy hết tài sản.

- Người em hiền lành cho chim ăn khế.

- Con chim lấy vàng trả ơn.

- Người anh tham lam bắt chim chở quá nặng và phải trả giá bằng mạng sống.

4. Từ bài văn kể lại truyện Cây khế, em học được điều gì về cách kể lại một truyện cổ tích?

Cách kể lại một truyện cổ tích là phải đáp ứng đầy đủ nội dung và hình thức của văn bản:

- Trình bày tên truyện và lí do kể truyện.

- Giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.

- Trình bày các sự việc chính của truyện.

- Trình bày kết thúc truyện.

- Suy nghĩ của bản thân về kết thúc truyện.

Đề bài: Viết một bài văn khoảng 400 chữ kể lại một truyện cổ tích.

Hướng dẫn quy trình viết

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết.

- Xác định đề tài: Em cần đọc kĩ đề bài để xác định:

+ Đề bài yêu cầu viết về vấn đề gì?

+ Kiểu bài mà đề yêu cầu là gì?

- Thu thập tư liệu: Em hãy tìm đọc truyện cổ tích. Trong những truyện đó, truyện nào gây cho em ấn tượng sâu sắc nhất, có nhân vật đáng nhớ nhất, có cốt truyện thú vị nhất…?

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý.

- Tìm ý: Em hãy đọc kĩ truyện đã chọn và trả lời câu hỏi dưới đây:

+ Truyện có tên là gì? Vì sao em chọn kể lại truyện này?

+ Hoàn cảnh xảy ra câu chuyện như thế nào?

+ Truyện có những nhân vật nào?

+ Truyện gồm những sự việc nào? Các sự việc xảy ra theo trình tự nào?

+ Truyện kết thúc như thế nào?

+ Cảm nghĩ của em về truyện?

- Lập dàn ý: Sắp xếp các ý đã tìm được thành một dàn ý hoàn chỉnh.

+ Mở bài: Giới thiệu tên truyện, lí do muốn kể lại truyện.

+ Thân bài: Trình bày về nhân vật, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện. kể chuyện theo trình tự thời gian (sự việc 1, 2, 3, 4…).

+ Kết bài: Nêu cảm nghĩ về chuyện vừa kể.

Bước 3: Viết bài.

Dựa vào dàn ý, viết thành một bài văn hoàn chỉnh. Khi viết cần đảm bảo thể hiện được các đặc điểm của kiểu bài kể lại một truyện cổ tích.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm.

Xem lại và chỉnh sửa: Sau khi viết xong, kiểm tra lại bài viết; sửa lỗi chính tả, sử dụng từ; sửa đúng ngữ pháp…