Hồi trống cổ thành (Trích hồi 28 - Tam quốc diễn nghĩa)

I. Tiểu dẫn

- La Quán Trung (1330 - 1400?) tên La Bản, hiệu Hải Hồ tản nhân, người vùng Thái Nguyên thuộc tỉnh Sơn Tây cũ.

- Tác giả chuyên sưu tầm và biên soạn dã sử. Ngoài Tam quốc diễn nghĩa, ông còn viết nhiều truyện khác như Tùy Đường lưỡng triều chí chuyện, Tấn Đường Ngũ Đại sử diễn nghĩa, Bình yêu truyện...

- Tam quốc diễn nghĩa là bộ tiểu thuyết chương hồi đồ sộ và có nhiều giá trị.

- Hồi trống cổ thành là đoạn trích thuộc hồi 28, thể hiện tính cách, phẩm chất của Trương Phi, lòng trung nghĩa của Quan Vũ. Đoạn trích đặt ra vấn đề “trung thành hay phản bội” qua việc giải quyết sự hiểu lầm của Trương Phi về Quan Vũ.

II. Văn bản (SGK)

1. Tại sao Trương Phi nổi giận định đâm chết Quan Công?

- Trương Phi là người cương trực, tính tình nóng nảy. Đang lúc giận, câu nói của Quan Vũ “Hiền đệ cớ sao như thế, há quên nghĩa vườn đào ru?” khiến Trương Phi càng giận dữ hơn. Quan Vũ muốn nhắc lại việc kết nghĩa vườn đào để Trương Phi bớt giận, không ngờ càng làm Trương Phi phẫn nộ vì trong suy nghĩ của Trương Phi, Quan Vũ theo Tào phản bội anh em, đã phản bội còn rêu rao “nghĩa vườn đào” là không xứng, là phỉ nhổ, đáng giết.

- Trương Phi là người cương trực, không chấp nhận sự quanh co, lắt léo, đen trắng rõ ràng; cũng là người trọng nghĩa khí, quý tình anh em.

- Hành động tấn công người anh em kết nghĩa vườn đào không chỉ do hiểu lầm, do cá tính nóng nảy mà còn bộc lộ phẩm chất đáng quý của Trương Phi: Đó là phẩm chất quân tử, hào hiệp, căm ghét hạng người bất nghĩa, bất trung...

2. Vì sao đoạn trích lại có nhan đề là “Hồi trống cổ thành”?

- Trong nguyên tác, hồi 28 có tiêu đề:

“Chém Sái Dương, anh em hòa giải

Hồi Cổ thành, tôi chúa đoàn viên”.

- Chữ “hồi” trong nhan đề đoạn trích (do người biên soạn đặt) có nghĩa là hồi trống. Đây là hồi trống do Trương Phi gióng lên, cũng là hồi trống trận nhưng mục đích của hồi trống không phải thúc giục kẻ giao chiến.

- Hồi trống như trút hết tất cả tâm trạng đầy mâu thuẫn, sự xúc động, căng thẳng đến tột cùng của Trương võ tướng, từ sau ngày anh em thất trận, bặt vô âm tín, cho đến nỗi oán hận vì nghe tin thất thiệt về Quan Công, những hi vọng gặp lại nhau và những thất vọng vì hiểu lầm về nhau... tất cả những tâm trạng ấy được dồn nén để bây giờ vang lên, bùng nổ trong hồi trống cổ thành.

- Trong hồi trống ấy có cả tiếng khóc, tiếng cười, tiếng gầm thét vì giận dữ của Trương Phi. Nó như một khúc ca, ca ngợi tấm lòng trượng nghĩa, tình huynh đệ bất diệt giữa những người anh em kết nghĩa vườn đào.

3. Có ý kiến cho rằng “nóng như Trương Phi” còn là nóng lòng muốn biết sự thực, nóng lòng xác định phải trái, đúng sai, chứ không phải chỉ là nóng nẩy do cá tính gàn dở. Anh (chị) có đồng ý không? Vì sao?

- Trương Phi có tính cách nóng nảy. Sự nóng nảy ấy, ngoài cá tính, còn có nhiều ý nghĩa khái quát khác như mạnh mẽ, quyết liệt (tính cách một võ tướng); cương trực, đường hoàng, hồn nhiên, trung thực (tính cách của một đấng trượng phu); giàu tình cảm, trọng nghĩa khí....

- Theo ý nghĩa đó thì “nóng như Trương Phi” theo cách nói tiếng Việt mà được hiểu là “cá tính nóng nảy gàn dở” hay “nóng lòng muốn biết sự thật” đều không đúng.

- Cần hiểu thành ngữ này theo nghĩa khái quát nhất chỉ những hành vi và thái độ quá nóng nảy (nhưng không gàn dở).

4. Tại sao nói: Nếu không có chi tiết Trưong Phi thẳng tay giục trống thì đoạn văn sẽ tẻ nhạt, mất hết ý vị Tam Quốc?

Nếu không có chi tiết Trương Phi thẳng tay giục trống thì đoạn văn sẽ tẻ nhạt, rơi vào cuộc đoàn viên tầm thường, trong đó tính cách của các bậc anh hùng không được bộc lộ, tình nghĩa huynh đệ thủy chung, cao đẹp không được ngợi ca...