Dự án 2: Món ăn cho bữa cơm gia đình

1. Mục tiêu

- Xây dựng bữa ăn dinh dưỡng hợp lí cho gia đình và chế biến được một món ăn theo phương pháp chế biến không sử dụng nhiệt.

2. Nhiệm vụ

- Xây dựng một bữa ăn dinh dưỡng hợp lí cho gia đình. Trong đó, có món ăn được chế biến bằng phương pháp không sử dụng nhiệt.

- Tìm hiểu những nguyên liệu cần sử dụng và cách thực hiện món ăn đó.

- Chế biến và cách trình bày món ăn.

3. Vật liệu, dụng cụ

- Nguyên liệu cần thiết tùy theo từng món ăn.

- Các dụng cụ bếp thông dụng: bát to, đĩa, bát, đũa, thìa…

- Thiết bị hỗ trợ: máy tính kết nối Internet.

4. Câu hỏi gợi ý

Câu 1: Bữa ăn dinh dưỡng hợp lí có những yêu cầu gì?

- Bữa ăn dinh dưỡng hợp lí phải có sự phối hợp đủ 4 nhóm thực phẩm chính với tỉ lệ thích hợp để cung cấp các chất dinh dưỡng hợp lí cho cơ thể.

Câu 2: Món ăn kèm trong bữa cơm gia đình thường là những món ăn gì?

- Món ăn kèm trong bữa cơm gia đình thường là rau trộn, dưa chua, nộm (gỏi),…

Câu 3: Bữa ăn dinh dưỡng của nhóm em xây dựng gồm những món ăn nào? Món ăn mà nhóm định thực hiện là món ăn gì?

- Bữa ăn dinh dưỡng của nhóm em xây dựng, ví dụ gồm: cơm trắng, canh cá, thịt kho, rau trộn.

- Món ăn mà nhóm định thực hiện áp dụng phương pháp không sử dụng nhiệt là rau trộn.

Câu 4: Nguyên liệu và cách chế biến món ăn đó như thế nào?

- Nguyên liệu: rau xà lách, rau càng cua, cà chua, hành tây, dầu ăn, dầu giấm, muối, đường, tiêu,…

- Cách chế biến:

+ Bước 1: Sơ chế nguyên liệu: lặt rau xà lách, rau càng cua; rửa sạch rau; cà chua rửa sạch, cắt khoanh, bỏ hạt; hành tây lột vỏ, rửa sạch, bào khoanh mỏng.

+ Bước 2: Chế biến món ăn: pha hỗn hợp nước trộn dầu giấm đường, nêm nếm cho vừa ăn, sau đó trộn nguyên liệu với hỗn hợp cho ngấm xốt.

+ Bước 3: Trình bày món ăn ra đĩa.

Câu 5: Màu sắc, mùi vị, trạng thái của món ăn như thế nào là đạt yêu cầu về kĩ thuật?

- Món ăn có vị chua ngọt vừa ăn, giữ được màu sắc đặc trưng của các nguyên liệu.

5. Sản phẩm

Học sinh trình bày giới thiệu về món ăn đã chế biến.