Đọc thêm: Tương tư (Nguyễn Bính)
I. Tiểu dẫn
- Nguyễn Bính (1918 - 1966) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính, sinh ở làng Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
- Nguyễn Bính là thi sĩ nổi tiếng với những sáng tác mang đậm tính dân tộc, được mệnh danh là “thi sĩ của đồng quê”, năm 2000, ông được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
- Những tác phẩm tiêu biểu: Lỡ bước sang ngang, Hương cố nhân, Người lái đò sông Vị… bài thơ Tương tư nằm trong tập Lỡ bước sang ngang.
II. Văn bản (SGK)
1. Nỗi nhớ mong của chàng trai trong bài thơ.
- Chàng trai trong bài thơ đã thao thức "chín nhớ mười mong" người thương trong khoảng thời gian ròng rã "mấy đêm rồi", mong nhớ hết ngày này đến ngày khác, hết tháng này qua tháng khác tới mức "Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng"...
- Nỗi nhớ da diết của nhân vật trữ tình trải suốt bài thơ nhưng cho đến tận cuối bài, nỗi nhớ mong ấy vẫn chưa được đền đáp. Chính vì thế mà nó đã tạo ra cái cớ để cho dòng tâm trạng của nhân vật trữ tình được bộc lộ tha thiết và sâu sắc.
2. Giọng điệu thơ, cách so sánh, ví von…
- Nét chủ yếu của tính cách dân tộc trong bài Tương tư chính là khuynh hướng cấu tứ khái quát mang ý nghĩa "chín nhớ mười mong", dẫu biệt vô âm tín vẫn tiếp tục đợi chờ "Bao giờ bến mới gặp đò", với niềm hi vọng xa vời "Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?".
- Với phong cách cấu tứ thơ tình yêu ở các mức độ tình cảm phù hợp, ứng xử có chừng mực khiến những bài thơ tình Nguyễn Bính, trước và sau 1945 dễ dàng tìm được sự đồng cảm và tiếp đón hào hứng của nhiều độc giả khắp nơi mà chưa nhà thơ lãng mạn nào đạt được.
3. Trong thơ Nguyễn Bính có “hồn xưa của đất nước”.
- Lời nhận định của Hoài Thanh cho rằng trong thơ Nguyễn Bính có "hồn xưa đất nước" rất đúng với bài Tương tư. Nhà thơ yêu thôn quê một cách kì lạ, tình yêu ấy làm cho thơ ông, ở những câu bình dị nhất, vẫn có sức lôi cuốn, vẫn có cái duyên xao động lòng người:
“Báo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi...”.
- Trong cái nhìn của nhà thơ, những cảnh sắc thông thường ở thôn quê cũng rất gợi cảm, không chỉ ánh trăng mới đẹp, mà cảnh mưa phùn gió bấc, hoa xoan, đường lầy hay nắng lửa trưa hè cũng làm lòng người rung động, nhớ nhung.
- Người đọc có thể nhận ra hình bóng quê hương làng mạc, "Hương đồng gió nội" trong thơ Nguyễn Bính sáng tác trước 1945.