Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)

I. Tiểu dẫn

- Nguyễn Tuân (1910 - 1987) quê ở Mọc, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội, ông từng làm Tổng thư kí Hội văn nghệ Việt Nam, có đóng góp không nhỏ cho văn học Việt Nam hiện đại.

- Năm 1996, ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

- Tác phẩm tiêu biểu: Vang bóng một thời (1940), Chiếc lư đồng mắt cua (1941), Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi (1972)…

- Chữ người tử tù ban đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng được in trên tạp chí Tao đàn năm 1939, sau đó đổi tên và in trong tập Vang bóng một thời.

II. Văn bản (SGK)

1. Tình huống truyện Chữ người tử tù

- Trong truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã xây dựng tình huống truyện độc đáo. Hai nhân vật Huấn Cao và quản ngục trên bình điện xã hội hoàn toàn đối lập nhau. Một người là tử tù đang chờ ngày ra pháp trường; một người là quản ngục, đại diện cho trật tự xã hội đương thời nhưng họ đều có tâm hồn nghệ sĩ. Trên bình diện nghệ thuật, họ là tri âm, tri kỉ với nhau.

Tạo dựng tình thế như vậy, đồng thời cho họ gặp nhau giữa chốn ngục tù, tối tăm nhơ bẩn, tác giả đã tạo nên một cuộc kì ngộ đáng nhớ và kì lạ.

- Tình huống truyện độc đáo thể hiện ở mối quan hệ éo le, trớ trêu giữa những tâm hồn tri kỉ. Hai nhân vật được đặt trong một tình thế đối địch: Tử tù và quản ngục, chính tình huống độc đáo này đã giúp làm nổi bật trọn vẹn vẻ đẹp của hình lượng Huấn Cao, đồng thời cũng làm sáng tỏ tấm lòng của viên quản ngục.

2. Hình tượng Huấn Cao

- Trong Chữ người tử tù, vẻ đẹp của Huấn Cao được thế hiện ở ba phẩm chất:

+ Là người tài hoa siêu việt, ông có tài viết chữ, chữ ông "đẹp" nức tiếng khắp vùng, khiến cho viên quản ngục mê muội, ngày đêm mong có được chữ của ông để treo trong nhà.

+ Huấn Cao là một trang anh hùng, ngay cả khi vào nhà lao, ông vẫn giữ được thế hiên ngang. Sự ngang tàng của Huấn Cao còn thể hiện thái độ không quỵ luỵ trước cường quyền.

+ Huấn Cao còn là một người có "thiên lương" trong sáng và cao đẹp, thể hiện ở thái độ tôn trọng trước một nhân cách đẹp (viên quản ngục). Ông sẵn sàng cho chữ, sẵn sàng chia sẻ những lời gan ruột chân thành với viên quản ngục trước khi vào kinh thành thụ án. Đó là sự ứng xử đáng trọng của một nhân cách cao cả.

- Quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp:

+ Huấn Cao được xây dựng không chỉ là người có tài mà còn có tâm, Huấn Cao không chỉ có thái độ hiên ngang, bất khuất, coi thường cái chết và tiền bạc mà còn có tấm lòng yêu quý cái thiện, mềm lòng (sẵn lòng cho chữ khi hiểu rõ thiện căn và sở thích cao quý của viên quản ngục) và thậm chí còn sợ "chút nữa phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ".

+ Trong quan điểm của Nguyễn Tuân, cái đẹp phải đi đôi với cái tâm. Cái đẹp và cái thiện không thể tách rời nhau. Đó là quan điểm thẩm mĩ tiến bộ của tác giả.

3. Phẩm chất của viên quản ngục

- Tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng qua ngòi bút của Nguyễn Tuân, viên quản ngục cũng là một nhân vật độc đáo:

+ Là người làm nghề coi ngục, là công cụ trấn áp của bộ máy thống trị đương thời, nhưng viên quản ngục lại có thú chơi thanh cao, tao nhã - thú chơi chữ. Ngay từ khi mới "biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền", ông đã có cái sở nguyện "một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một câu đối do tay ông Huấn Cao viết".

+ Viên quản ngục là người biết trân trọng giá trị con người. Điều đó thể hiện qua hành động "biệt đãi" của ông đối với Huấn Cao - một kẻ tử tù đại nghịch.

+ Cái sở nguyện thanh cao muốn có được chữ của Huấn Cao để treo bất chấp nguy hiểm cùng thái độ thành kính đón nhận chữ từ tay Huấn Cao cho thấy, viên quản ngục là một người có tấm lòng trân trọng những giá trị văn hóa.

- Diễn biến nội tâm, hành động và cách ứng xử của viên quản ngục cho thấy ông là một nhân cách đẹp, một "tấm lòng trong thiên hạ" tri âm, tri kỉ với Huấn Cao.

- Viên quản ngục là một người biết giữ "thiên lương", biết trân trọng giá trị văn hóa và tài năng, là người có tâm hồn nghệ sĩ, không có tài nhưng yêu tài, không sáng tạo được cái đẹp nhưng biết yêu và trân trọng thật lòng cái đẹp.

4. Đoạn văn cho chữ

- Vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao được thể hiện nổi bật và tập trung nhất trong cái đêm ông cho chữ viên quản ngục. Bằng khả năng sử dụng ngôn từ phong phú, sắc sảo, Nguyễn Tuân đã dụng công để khắc tạc "cảnh tượng xưa nay chưa từng có", trong đó, nổi bật là vẻ đẹp trang trọng, uy nghi, rực rỡ hào quang của hình tượng Huấn Cao.

- Cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục là một "cảnh tượng xưa nay chưa từng có" vì:

+ Việc cho chữ là việc thanh cao, là hoạt động sáng tạo nghệ thuật lại diễn ra trong căn buồng tối tăm, chật hẹp, ẩm ướt, hôi hám của nhà tù (tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián). Cái đẹp được sáng tạo giữa chốn hôi hám, nhơ bẩn; thiên lương cao cả lại tỏa sáng ở nơi mà bóng tối và cái ác đang ngự trị.

+ Người nghệ sĩ tài hoa đang say mê tô từng nét chữ không phải là người tự do mà là kẻ tử tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng và sớm tinh mơ ngày mai đã bị giải vào kinh để chịu án tử hình. Trong cảnh này, người tù nổi bật lên uy nghi, lồng lộng, còn quản ngục, thơ lại (những kẻ đại diện cho quyền thế) thì lại "khúm núm", "run run" bên cạnh người tù đang bị gông xiềng.

+ Trật tự, kỉ cương trong nhà tù hoàn toàn bị đảo ngược, tù nhân trở thành người ban phát cái đẹp, răn dạy ngục quan; còn ngục quan thì khúm núm, vái lạy tù nhân.

- Giữa chốn ngục tù tàn bạo, không phải những kẻ đại diện cho quyền lực thống trị làm chủ mà là người tử tù làm chủ. Đó là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của cái đẹp đối với cái xấu xa, nhơ bẩn, của cái thiện đối với cái ác... Đó là sự tôn vinh cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao cả của con người bằng một bức tranh nghệ thuật ấn tượng.

5. Bút pháp xây dựng nhân vật

- Các nhân vật của Nguyễn Tuân tuy chỉ được miêu tả trong những khoảnh khắc nhưng đó là những khoảnh khắc đặc biệt nên rất ấn tượng.

- Nhân vật rất giàu tính cách, rất ngang tàng, rất tài năng với cái tâm trong sáng. Đó là những biểu tượng về cái đẹp, là những con người hoàn mĩ.

- Trong truyện, đáng chú ý nhất là đoạn miêu tả cảnh vật và không khí thiêng liêng, cổ kính của cảnh cho chữ. Đoạn văn này thể hiện tài năng sắc sảo của Nguyễn Tuân không chỉ trong việc sử dụng ngôn ngữ điêu luyện mà còn ở khả năng sử dụng bút pháp đối lập trong tạo dựng cảnh. Chính nhờ thủ pháp đối lập (thủ pháp đặc trưng của văn học lãng mạn) mà cảnh tượng này hiện lên với đầy đủ vẻ dẹp trang trọng, uy nghi, rực rỡ.