Chí phèo (Nam Cao)

Phần một: Tác giả

I. Tiểu sử

- Nam Cao (1917 - 1951), tên khai sinh là Trần Hữu Tri, quê ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lí Nhân), tỉnh Hà Nam.

- Năm 1935, Nam Cao vào Sài Gòn và có ý định ra nước ngoài học tập nhưng không thành. Khoảng ba năm sau, do đau ốm, ông phải về quê. Từ đó, Nam Cao sống vất vưởng, khi làm ông giáo trường tư, khi viết văn, làm gia sư, lúc thì phải về quê sống nhờ vợ.

- Nam Cao gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc năm 1943, năm 1947, ông lên chiến khu Việt Bắc làm công tác văn nghệ. Năm 1950, tham gia chiến dịch Biên Giới... Năm 1951, Nam Cao cùng Nguyễn Huy Tưởng tham gia đoàn công tác thuế nông nghiệp vào vùng địch hậu nhằm thu thập thêm tài liệu viết tiểu thuyết nhưng bị địch phục kích và hi sinh.

- Nam Cao có bề ngoài lạnh lùng, ít nói nhưng đời sống nội tâm phong phú. Giá trị to lớn trong sáng tác của Nam Cao là những tác phẩm viết trí thức nghèo, đấu tranh quyết liệt với bản thân.

- Nam Cao là người có tấm lòng đôn hậu, chan chứa tình thương, ông gắn bó sâu nặng với quê hương và những người nông dân nghèo khổ, bị áp bức, khinh miệt trong xã hội. Vì thế, không ít tác phẩm của Nam Cao thấm đượm tư tưởng nhân đạo sâu sắc.

- Năm 1996, Nam Cao được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

II. Sự nghiệp văn học

1. Quan điểm nghệ thuật

- Nam Cao là người phê phán tính chất thoát li tiêu cực của văn học lãng mạn đương thời một cách toàn diện và sâu sắc.

- Theo Nam Cao, nghệ thuật phải gắn bó với đời sống của nhân dân lao động, một tác phẩm hiện thực, phải có giá trị phổ quát "vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn", đặc biệt phải thấm nhuần nội dung nhân đạo cao cả "chứa đựng được một cái gì đó lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn”.

- Trong số các nhà văn hiện thực trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao là người có ý thức trách nhiệm cao về ngòi bút của mình. Theo ông, nghề văn phải là một nghề sáng tạo. Nhà văn phải biết "khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có". Ông châm biếm sâu cay những cây bút thiếu bản lĩnh, chạy theo thị hiếu tầm thường. Nam Cao cho rằng, nhà văn "phải đọc, phải tìm tòi nhận xét và suy tưởng không biết chán" phải có lương tâm nghề nghiệp, không được cẩu thả "cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện".

- Nam Cao đòi hỏi nhà văn phải có tinh thần nhân đạo cao cả, từ việc thấy rõ trách nhiệm phản ánh hiện thực cuộc sống của nhân dân lao động, Nam Cao khẳng định sứ mệnh của nhà văn lúc đó là phải phục vụ cho cuộc chiến đấu.

3. Các đề tài chính

- Sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng tập trung vào hai mảng đề tài chính là người trí thức nghèo và người nông dân nghèo.

+ Ở mảng đề tài người trí thức, nhân vật chính bao gồm những nhà văn nghèo, những viên chức, những anh giáo khổ trường tư... Họ mang nhiều hoài bão cao đẹp, khát khao được đóng góp cho xã hội nhưng bị gánh nặng áo cơm và hoàn cảnh xã hội đẩy vào tình trạng chết mòn.

Những tác phẩm tiêu biểu viết về đề tài này như Giăng sáng, Đời thừa, Những truyện không muốn viết, Quên điều độ, Sống mòn

+ Ở mảng đề tài người nông dân, Nam Cao đã phản ánh chân thật cuộc sống tối tăm, cực nhục của người nông dân sau lũy tre. Nhà văn thường quan tâm đến số phận khốn khổ của những người nông dân bị đè nén, áp bức nặng nề. Thông qua những số phận của họ, ông nêu lên tình trạng bất công ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Những tác phẩm tiêu biểu gồm: Chí Phèo, Lão Hạc, Dì Hảo, Mua danh, Điếu văn

Ngoài những nhân vật trên, Nam Cao còn viết về những người người thấp cổ bé họng, những số phận bi thảm, càng hiền lành bao nhiêu, càng nhẫn nhục bao nhiêu thì càng bị áp bức, đè nén nặng nề bấy nhiêu, bị lăng nhục, bị xúc phạm tàn nhẫn, bất công (Một bữa no, Tư cách mõ, Lang Rận...).

Viết về quá trình tha hóa của họ, nhà văn kết án chính xã hội tàn bạo đã hủy diệt cả thể xác lẫn tâm hồn của những người nông dân lương thiện, đẩy họ vào cuộc sống không lối thoát. Đồng thời, nhà văn cũng khắng định nhân cách và bản chất lương thiện của họ ngay cả khi bị xã hội  cướp mất cả hình hài và tính cách.

- Dù viết về đề tài người nông dân hay người trí thức, vượt lên trên ý nghĩa cụ thể của đề tài, sáng tác của Nam Cao thường chứa đựng những nội dung triết học sâu sắc, có khả năng khái quái những quy luật chung của đời sống như vật chất và ý thức, hoàn cảnh và con người, môi trường và tính cách...

- Nam Cao luôn trăn trở, day dứt về vấn đề nhân phẩm, về thái độ khinh trọng đối với con người, luôn day dứt trước tình trạng xã hội vô nhân đạo đầy đoạ con người vào nghèo đói, vùi dập những ước mơ, làm chết mòn đời sống tinh thần và lẽ sống cao đẹp của họ; đồng thời cũng đau đớn trước tình trạng con người bị xói mòn về nhân phẩm, hủy diệt mất nhân tính.

- Sau Cách mạng, Nam Cao là cây bút tiêu biểu của văn học kháng chiến với các tác phẩm Nhật kí ở rừng, Đôi mắt.

4. Phong cách nghệ thuật

- Nam Cao là một cây bút có phong cách nghệ thuật độc đáo, ông quan tâm đặc biệt tới đời sống tinh thần của con người, hứng thú khám phá thế giới nội tâm sâu xa của con người. Dù viết về người nông dân hay trí thức. Nam Cao luôn đề cao tư tưởng, ngòi bút Nam Cao có khuynh hướng đi sâu vào nội tâm, vào thế giới tinh thần của con người. Ông là nhà văn có biệt tài miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật. Ông đặc biệt sắc sảo trong việc phân tích và diễn tả những quá trình tâm lí phức tạp, những hiện tượng dở say dở tỉnh, dở khóc dở cười, mấp mé ranh giới giữa thiện và ác, giữa con người với con vật...

- Do am hiểu tâm lí nhân vật, Nam Cao cũng là một "nhà độc thoại, đối thoại nội tâm" sâu sắc. Mặt khác cũng do yêu cầu miêu tả tâm lí, miêu tả mạch tự sự của tác phẩm, Nam Cao thường đảo lộn thời gian và không gian, tạo nên những kiểu kết cấu tâm lí vừa phóng túng, linh hoạt lại vừa nhất quán, chặt chẽ.

- Trong những sáng tác của Nam Cao, có nhiều cái rất nhỏ nhặt, xoàng xĩnh. Nưng từ những sự việc quen thuộc, thậm chí tầm thường trong đời sống hàng ngày, tác phẩm của Nam Cao đã đặt ra những vến đề có ý nghĩa xã hội to lớn, thể hiện những triết lí sâu sắc về con người, cuộc sống và nghệ thuật.

- Nam Cao là nhà văn có giọng điệu riêng, buồn thương chua chát; dửng dưng lạnh lùng mà đầy thương cảm, đằm thắm yêu thương...

Phần hai: Tác phẩm

I. Tiểu dẫn

- Tuyện ngắn Chí Phèo có tên đầu tiên là Cái lò gạch cũ, khi in lần đầu, Nhà xuất bản Đời mới đổi tên là Đôi lứa xứng đôi và khi in lại được tác giả đổi thành Chí Phèo.

- Chí Phèo được coi là kiệt tác văn xuôi, có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.

II. Văn bản (SGK)

1. Cách vào truyện và ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo ở đoạn mở đầu

- Nam Cao vào truyện rất lạ, rất độc đáo, tạo ra ấn tượng mạnh mẽ nhất.

+ Lựa chọn thời gian kể theo kiểu đảo trật tự tuyến tính (kể đoạn đời hiện tại, đoạn đời tan nát, dữ dội nhất của Chí Phèo trước).

+ Truyện được mở đầu bằng hình ảnh Chí Phèo vừa đi vừa chửi. Lạ là ở chỗ Chí chửi mà không có người nghe. Hắn chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại mà vẫn không ai lên tiếng. Hắn đành chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn (lí sự cùn của kẻ say). Vẫn chẳng có ai thèm ngó ngàng gì, tức quá, hắn chửi cha đứa nào đẻ ra mình.

+ Hành động chửi chính là phản ứng của Chí với cuộc đời. Nó bộc lộ tâm trạng bất mãn của người ý thức được mình đã bị xã hội gạt ra khỏi thế giới loài người. Nhưng tiếng chửi của Chí thảm hại biết bao! Chẳng ai thèm quan tâm cách giao tiếp quái gở ấy của hắn. Tiếng chửi cay độc với người làng Vũ Đại chỉ là những âm thanh trong vô vàn âm thanh vô nghĩa. Khi mất quyền làm người thì Chí chửi hay khóc, cười, nói, uống rượu, kêu làng... có gì khác nhau? "đáp lại lời hắn chí có lũ chó cắn xôn xao trong xóm".

- Chi tiết này đơn giản mà ý nghĩa, nó cho thấy trọn vẹn và xót xa tình cảnh cô độc của người nông dân bị tha hóa.

2. Ý nghĩa của cuộc gặp gỡ với Thị Nở và những điều diễn ra trong tâm hồn Chí Phèo

- Cuộc đời Chí Phèo có bước ngoặt quan trọng khi gặp thị Nở.

+ Cứ tưởng Chí Phèo mãi sống kiếp thú vật, rồi sẽ vùi xác ở một bờ bụi nào đó sau một trận say hay sau một lần đâm thuê chém mướn, nhưng tác giả đã để Chí Phèo trở về kiếp người.

+ Lúc đầu, thị Nở hấp dẫn Chí đơn giản vì thị là... đàn bà còn Chí là thằng say "ngứa ngáy" thịt da. Trong một đêm "rười rượi những trăng, có những tàu lá chuối nằm ngửa ưỡn cong cong lên hứng lấy ánh trăng xanh như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay lại giãy lên đành đạch như là hứng tình”, hai người đã ân ái với nhau, thế rồi nửa đêm, Chí đau bụng nôn mửa. Thị Nở dìu Chí vào nhà và đi "nhặt nhạnh tất cả những manh chiếu rách đắp cho hắn".

- Chí Phèo tỉnh dậy khi "trời sáng đã lâu", kể từ khi mãn hạn tù về, đây là lần đầu tiên con quỷ dữ làng Vũ Đại hết say. Chí bỗng dưng thấy lòng "bâng khuâng”, "mơ hồ buồn" và lần đầu tiên, Chí nghe thấy những âm thanh quen thuộc của cuộc sống xung quanh "Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá". Những âm thanh ấy chính là tiếng gọi thiết tha của cuộc sống.

+ Chí Phèo bỗng nhiên đi ra khỏi cơn say không đơn giản chỉ vì cuộc gặp gỡ với thị Nở mà còn vì một lí do khác thuyết phục hơn, đó là trận ốm.

+ Khi tỉnh táo, Chí nhìn lại cuộc đời mình cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Chí nhớ lại những ngày "rất xa xôi", hắn mơ ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải. Mộng ước bé nhỏ và giản dị ấy suốt bao năm vẫn không thành hiện thực. Nghĩ về hiện tại, hắn thấy thật đáng buồn vì nhận ra mình "đã sang cái dốc bên kia của cuộc đời", "cơ thế đã hư hỏng nhiều", thế mà vẫn cô độc. Tương lai còn buồn hơn nữa, bi hắn nhìn thấy trước quá nhiều bất hạnh "đói rét và ốm đau và cô độc".

+ Đối với Chí Phèo, cô độc còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau, trước đây hắn có bao giờ biết sợ ai, nên giờ hắn muốn làm hòa với mọi người.

+ Khi hắn đang buồn nẫu ruột vì những ý nghĩ vẩn vơ thì thị Nở vào. Người đàn bà tưởng chừng vô giá trị ấy lại có một thứ tài sản vô giá là tình người, biểu hiện lớn nhất của tình người ở thị Nở là bát cháo hành. Cháo hành là thứ cháo xoàng xĩnh thế mà đến lúc này, khi đã sang cái dốc bên kia của cuộc đời, Chí Phèo mới lần đầu tiên được hưởng.

+ Chí Phèo ý thức được sự hiếm hoi muộn mằn đó và hắn nhận ra ở đó hương vị của tình người. Kề bát cháo lên miệng, Chí Phèo đã khóc (biểu hiện của sự trở về với lương thiện). Khi ăn bát cháo hành, Chí Phèo thấm thía nỗi đau của con người tự trọng bị vợ ba bá Kiến làm nhục.

+ Tình người đã thức tỉnh, đã hồi sinh tính người trong Chí. Vừa chạm đến tình người thì cái lốt quỷ dữ của Chí Phèo đã được trút bỏ, con người lương thiện đã trở về.

3. Diễn biến tâm trạng Chí Phèo khi thị Nở từ chối chung sống

- Chí Phèo vốn là một người nông dân lương thiện, có bản tính tốt đẹp. Dù xã hội tàn ác ra sức hủy diệt bản tính ấy, nhưng nó vẫn âm thầm sống. Khi gặp thị Nở và cảm nhận được tình yêu mộc mạc chân thành của thị (trong hoàn cảnh vừa qua một trận ốm), bản chất ấy đã hồi sinh.

- Chí Phèo mong thị Nở có thể là chiếc cầu nối hòa nhập với xã hội, nhưng mong ước lương thiện của Chí Phèo một lần nữa không trở thành hiện thực vì bà cô thị Nở kiên quyết ngăn cản. Bà không đồng ý cho cháu bà "đâm đầu" đi lấy "con quỷ dữ của làng Vũ Đại" mà bấy lâu nay chí biết có mỗi một nghề "rạch mặt ăn vạ".

- Không níu giữ được thị Nở, Chí Phèo rơi vào tuyệt vọng, cùng đường. Lúc này, Chí thấm thía sâu sắc bi kịch tinh thần của con người sinh ra làm người, nhưng lại không được làm người. Chí vật vã đau đớn và lại tìm đến rượu. Nhưng "hắn càng uống lại càng tỉnh ra".

- Trong cơn khủng hoảng và bế tắc, Chí Phèo đã xách dao đến thẳng nhà bá Kiến, chỉ tay vào mặt bá Kiến, đanh thép kết tội và đòi "làm người lương thiện", đòi bộ mặt lành lặn. Chí hành động như một người tỉnh táo với những suy nghĩ sâu sắc, Chí đâm chết bá Kiến và tự kết liễu một cách đau đớn. Hành động của Chí vượt khỏi những suy nghĩ và tính toán của Bá Kiến. Đó là hành động tất yếu vì "tức nước vỡ bờ".

- Cái chết của Chí Phèo là tất yếu, Chí đã thức tỉnh, không thể tiếp tục đâm thuê chém mướn được nữa. Chí muốn lương thiện nhưng ai cho hắn lương thiện?. Chỉ có cái chết mới giúp hắn không tiếp tục sống cuộc đời quỷ dữ. Trước đây, để tồn tại, Chí phải bán cả bộ mặt lẫn linh hồn, khi linh hồn đã trở về, Chí phải đổi cả mạng sống. Cái chết của Chí Phèo tố cáo mãnh liệt xã hội đã đẩy người nông dân lương thiện vào đường cùng, lưu manh hóa họ, đẩy họ vào chỗ chết.

4. Nghệ thuật điển hình hóa của tác giả

- Chí Phèo là sản phẩm của tình trạng đè nén, áp bức ở nông thôn trước Cách mạng. Vì bị áp bức quá đáng mà người lao động lương thiện buộc phải chống trả bằng cách lưu manh hóa.

- Trong Chí Phèo, ngoài Chí còn hai nhân vật tương đồng là binh Chức và năm Thọ. Chí cũng có thể có kẻ tiếp nối (chi tiết thị Nở nhìn nhanh xuống bụng, đầu thị đột nhiên "thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không..."). Khi bọn địa chủ cường hào còn bóc lột thậm tệ, không cho con người được sống tử tế thì sẽ còn những người dân lành bị đẩy vào con đường lưu manh.

- Viết về người nông dân bị lưu manh hóa, Nam Cao đã thể hiện cái nhìn nhân đạo, bằng cách đi sâu vào nội tâm nhân vật để phát hiện và khẳng định bản chất lương thiện của họ.

- Hình tượng nhân vật Chí Phèo hiện lên sắc nét, tiêu biểu, sinh động, có cá tính độc đáo, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Khi xây dựng nhân vật, Nam Cao đã khám phá và miêu tả những trạng thái tâm lí phức tạp của nhân vật, đặc biệt là những diễn biến tâm lí sinh động của nhân vật từ khi gặp thị Nở đến sau khi bị thị Nở khước từ tình yêu.

5. Ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ của nhân vật trong tác phẩm

- Ngôn ngữ trong tác phẩm rất sống động, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Giọng điệu của nhà văn phong phú và biến hóa, có sự đan xen lẫn nhau, cách trần thuật rất linh hoạt. Nhà văn có khả năng nhập vai, chuyển từ vai này sang vai khác tự nhiên, linh hoạt, tạo hấp dẫn cho người đọc. Lúc thì trần thuật theo điểm nhìn của tác giả, lúc thì trần thuật theo điểm nhìn của nhân vật Chí Phèo, khi lại trần thuật theo điểm nhìn của nhân vật bá Kiến, thị Nở...

- Chọn Chí Phèo làm nhân vật trung tâm, Nam Cao phải tường tận một phức hợp của những tính cách - tâm lí: Một nông dân, một kẻ lưu manh, một kẻ say khướt, một kẻ tính táo.

6. Tư tưởng nhân đạo trong tác phẩm

- Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao trong truyện ngắn này mới mẻ và sâu sắc ở chỗ phát hiện và miêu tả phẩm chất tốt đẹp của người lao động ngay cả trong trường hợp họ bị xã hội cướp mất cả bộ mặt lẫn linh hồn.

- Ở những cây bút hiện thực khác, tư tướng nhân đạo chỉ dừng lại ở việc thể hiện sự đồng cảm với nỗi khổ của người nông dân, lên án xã hội thực dân nửa phong kiến đẩy họ vào con đường bần cùng, ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của họ.