Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới - bài 43)

I. Tiểu dẫn

- Quốc âm thi tập gồm 254 bài, là tập thơ Nôm đặt nền móng cho thơ tiếng Việt.

- Nội dung tập thơ phản ánh tư tưởng nghĩa sáng ngời, tình cảm yêu nước thương dân, giữ gìn nhân cách, hòa cảm với thiên nhiên.

- Nghệ thuật sáng tạo trong thể thơ Nôm Đường luật, có xen câu lục ngôn với câu thất ngôn.

- Tập thơ chia làm 4 phần:

+ Vô đề gồm những bài thơ không có đầu đề nhưng được sắp xếp theo các mục Ngôn chí (Nói lên chí hướng), Mạn thuật (Kể ra một cách tản mạn), Tự thán (Tự than), Tự thuật (Tự nói về mình), Bảo kính cảnh giới (Gương báu răn mình).

+ Môn thì lệnh (Thời tiết).

+ Môn hoa mộc (Cây cỏ).

+ Môn cầm thú (Thú vật).

- Bài thơ nằm trong mục Bảo kính cảnh giới, Cảnh ngày hè là bài số 43. Bài thơ là vẻ đẹp cảnh ngày hè bình dị, thôn dã. Bài thơ cũng thể hiện tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của Nguyễn Trãi, cũng như nỗi lòng vì dân, vì nước của ông.

II. Văn bản (SGK)

- Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ là thể thất ngôn (bảy chữ) xen lục ngôn (sáu chữ), thể thơ sáng tạo, độc đáo của Việt Nam thế kỉ XV, XVI; đồng thời, giá trị của bài thơ (cũng như cả tập thơ) là được viết bằng chữ Nôm, chữ viết ghi lại tiếng nói của dân tộc, là những từ láy sinh động và câu thơ lục ngôn tự nhiên.

- Tài năng của Nguyễn Trãi, cùng với ý thức dân tộc của ông trong tác phẩm đã có công làm nền móng cho sự phát triển của văn học dân tộc các thời kì sau.

1. Trong bài thơ có nhiều động từ diễn tả trạng thái của cảnh ngày hè. Đó là những động từ nào? Trạng thái của cảnh được diễn tả ra sao?

- Các động từ diễn tả trạng thái của cảnh tập trung trong sáu câu thơ đầu.

- Trạng thái của cảnh ngày hè được diễn tả rất sống động.

2. Phân tích sự hài hòa giữa âm thanh, màu sắc, cảnh vật và con người.

- Trong bài thơ có các màu sắc: Màu xanh của cây hoa hòe, màu đỏ của hoa lựu, hoa sen, tất cả đều dưới ánh nắng chiều (lầu tịch dương). Bài thơ còn có các âm thanh như tiếng "lao xao" của "chợ cá làng ngư phủ", tiếng rên rỉ (từ cổ; dắng dỏi) của ve sầu nghe như tiếng đàn (cầm ve) từ trên lầu dưới ánh nắng chiều.

- Trong bức tranh mùa hè có sự hài hòa giữa cảnh vật và con người.

+ Tuy ít nói tới con người nhưng vẫn thấy dấu vết, hình bóng con người. Những cây hòe, cây lựu, hồ sen... không phải là thực vật hoang dã mà có bàn tay chăm sóc của con người.

+ Bên cạnh các hình ảnh thiên nhiên ấy còn thấy cái hiên nhà (Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ), cái ao (Hồng liên trì đã tiễn mùi hương), và cả ngôi lầu (Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương). Đặc biệt, có rất nhiều âm thanh được nghe từ xa (Lao xao chợ cá làng ngư phủ).

- Những hình ảnh, màu sắc, âm thanh, mùi vị, sự hài hòa giữa con người với cảnh vật là vẻ đẹp bình dị, gần gũi, thân thuộc của quê hương.

3. Nhà thơ cảm nhận cảnh vật bằng những giác quan nào? Tấm lòng của tác giả với thiên nhiên.

- Nhà thơ tập trung thị giác, thính giác, khứu giác và cả cảm giác để quan sát thiên nhiên.

+ Thiên nhiên ngày hè hiện lên với những đặc trưng cụ thể bởi những cảm nhận tinh tế.

+ Đó là màu xanh của lá cây, màu đỏ của hoa lựu và hương thơm của hoa sen. Mùa hè có tiếng ve kêu... Thiên nhiên hiện lên cụ thể, đẹp đẽ.

+ Một tâm hồn đẹp đẽ xuất phát từ thế giới quan lành mạnh, bao trùm lên là tấm lòng yêu nước, yêu đời của nhà thơ.

- Cảnh vật gần gũi với đời thường, đi vào thơ của Nguyễn Trãi, diễn tả tâm hồn bình dị, đẹp như thiên nhiên, nặng tình với đất nước.

4. Hai câu thơ cuối cho thấy tấm lòng của Nguyễn Trãi đối với người dân thế nào? Nhận xét về âm điệu kết thúc bài thơ.

- Hai câu kết diễn tả khát vọng, mong mỏi da diết của Nguyễn Trãi về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc của nhân dân. Nhà thơ mong mỏi có khúc đàn Nam Phong của vua Thuấn. Mỗi khi khúc đàn ấy gảy lên thì mưa thuận gió hòa, nhân dân sung sướng no đủ.

- Lấy chuyện xưa để nói hiện tại, tấm lòng của Nguyễn Trãi cũng mong muốn như thế. Đó là tấm lòng yêu nước thương dân.

- Nhà thơ thể hiện niềm vui, sự ngợi ca, niềm mong ước đất nước thái bình, khuyên các vị vua noi gương Nghiêu, Thuấn “rủ lòng thương yêu và chăm sóc muôn dân”, lấy dân làm gốc.

- Âm điệu của bài thơ có sự thay đổi, câu kết chỉ có 6 chữ (lục ngôn), làm cho âm điệu đang 7 chữ dồn lại trong 6 chữ.

- Kết thúc bằng câu thơ lục ngôn khiến cảm xúc được dồn nén, nhưng dư âm của nó lại mở ra. Bài thơ hết những âm hưởng chưa hết, đó là nhờ cách kết thúc bằng câu thơ sáu chữ trong một bài thơ thất ngôn.

5. Cảm xúc chỉ đạo của bài thơ và vẻ đẹp của tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ.

- Bài thơ tả cảnh ngày hè lấy cảm hứng từ tình yêu thiên nhiên. Đằng sau cảm hứng chủ đạo đó là lòng yêu đời, tình yêu đất nước, khát vọng về cuộc sống thái bình, hạnh phúc cho nhân dân

- Yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống con người và vươn tới khát vọng hòa bình hạnh phúc cho nhân dân là vẻ đẹp tâm hồn và lí tưởng của Nguyễn Trãi, nhân cách của Nguyễn Trãi.

- Bài thơ sử dụng hình ảnh gần gũi, bình dị, câu thơ thất ngôn xen lục ngôn, Nguyễn Trãi mang đến bức tranh thiên nhiên đầy sức sống, khoẻ khoắn. Đó cũng chính là vẻ đẹp của tinh thần lạc quan trong tâm hồn nhà thơ.